Giàn mướp không hoa chờ tiếng vĩ cầm

Mỗi buổi chiều, tiếng vĩ cầm thánh thót dưới giàn mướp cùng với tiếng ô doa lách tách, như một cách họ thuộc về nhau trọn vẹn nhất.

5 năm nay, sáng nào tôi cũng đạp xe một vòng Hồ Tây. 5 năm nói tròn là 1.800 ngày, nhân với một vòng Hồ Tây 17 cây số, tổng cộng 30.600 cây số, gấp 20 lần chiều dài đất nước.

Tôi không biết con số trên có gây ấn tượng? Tôi cũng không chắc 5 năm bền bỉ rèn luyện đã đủ để tạo ra một hệ miễn dịch khỏe mạnh cho người đàn ông đã ngoài 40? Nhưng có một điều chắc chắn, tôi đã khám phá ra quy luật bất thường của người đàn bà dưới giàn mướp bên vệ hồ.

Đó là ngôi nhà nổi bật ven Hồ Tây, đến nay còn giữ được dáng vẻ sang trọng, ấm cúng của những năm 1980. Nhà mái ngói 5 gian, trước cửa mở ra bậc tam cấp, hai bên lan can trổ ô quả trám, giàn mướp đan kín sân trước và hàng rào ô rô bọc quanh nhà.

Chủ nhân là người phụ nữ đã ngoài 50, có vẻ đẹp thanh lịch. Thanh lịch trong dáng đi, thanh lịch trong trang phục. Và nhất là đôi mắt, đôn hậu mà vẫn toát lên được ý thức về phẩm hạnh của mình.

1.800 ngày đạp xe cho tôi thấy một điều thú vị, người đàn bà ấy luôn dùng ô doa tưới giàn mướp vào những sáng mùa thu. Những buổi sáng mùa đông, mùa xuân, mùa hạ, người đàn bà ấy không xuất hiện. Tại sao? Câu hỏi ấy lặp lại có đến một nghìn ngày, đến khi không nén nổi tò mò, tôi tìm đường làm quen.

Nóng lòng khám phá khiến cho cách làm quen của tôi không mấy tế nhị. Nhưng người đàn bà ấy không lấy làm điều. Chị kiên nhẫn giảng giải tường tận mọi thắc mắc. Những năm 1980, vợ chồng chị đã sở hữu căn nhà sang trọng này. Toàn bộ vốn liếng đến từ tiếng vĩ cầm của chồng chị, một nghệ sỹ tài hoa, nhưng rất tài tử. Sống giữa thời bao cấp mà anh không gắn bó với một đoàn văn công nào. Điều đó đồng nghĩa với không biên chế, không sổ gạo, không tem phiếu…

Có hề chi, người nghệ sỹ đưa tiếng vĩ cầm đầy ma lực phiêu bạt khắp nơi. Ở đâu anh cũng được chào đón. Nhưng anh không quên mẹ con chị. Những lần về thăm là căn nhà tràn ngập tiếng cười. Mỗi buổi chiều, tiếng vĩ cầm thánh thót dưới giàn mướp cùng với tiếng ô doa lách tách, như một cách họ thuộc về nhau trọn vẹn nhất. Có một lần anh thảng thốt: Sao giàn mướp úa vàng thế này. Chị lườm yêu, thì sang thu rồi mà.

Vẻ mặt thẫn thờ của anh thôi thúc chị tìm hiểu. Hóa ra mọi chuyện rất đơn giản. Chớm thu, cũng là lúc mướp hết kỳ thu hoạch, hoàn thành một giai đoạn sinh trưởng, tay và lá mướp bắt đầu lốp, úa. Để duy trì vòm lá tươi xanh, chị bón phân hữu cơ được ủ kỹ bằng bã trà, mùn cưa, kết hợp với tưới thêm một lần nước vào buổi sáng.

Bí quyết của chị giúp tiếng vĩ cầm thăng hoa dưới giàn mướp trong bất kể mùa nào. Hạnh phúc của người đàn bà như tách ra làm hai: Quãng chờ đợi và quãng hội ngộ, lắng nghe tiếng vĩ cầm, tiếng ô doa lách tách, tiếng chân trẻ nhỏ chạy tới chạy lui… Nhưng rồi có một lần quãng chờ đợi cứ kéo dài mãi. Tiếng vĩ cầm cứ phiêu bạt mãi tận nơi đâu. Tiếng chân trẻ nhỏ giờ đã là bước chân uyển chuyển người thiếu nữ.

Không biết bao nhiêu lần, tôi chỉ chực bật ra dấu hỏi, nhưng nhìn đôi mắt đôn hậu mà kiên nghị của chị, tôi biết rằng trong tâm thức chị, tiếng vĩ cầm chưa trở về chỉ có thể là vì chưa thể trở về. Hạnh phúc của chị giờ đây là duy trì khoảng không gian tươi xanh cho tiếng vĩ cầm ngày hội ngộ.

Tôi viết bài này như muốn hét to lên một tiếng rằng, hỡi tiếng vĩ cầm tài hoa, hãy thôi phiêu bạt, hãy trở về nhà, nơi có giàn mướp tươi xanh không hoa đang khắc khoải chờ.


Nguyễn Văn