Giáo dục - Đào tạo ngành Công Thương đổi mới và hội nhập

Đổi mới công tác đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn hoạt động đào tạo với nhu cầu xã hội đang là

Phát triển nguồn nhân lực có khả năng hội nhập quốc tế cao

Hệ thống các trường thuộc Bộ Công Thương hiện nay có 51 trường đại học, đào tạo bồi dưỡng, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các trường đã xác định rõ chất lượng đào tạo là “thước đo” về tầm vóc, vị trí, đẳng cấp của một trường đại học, cao đẳng. Học sinh, sinh viên sau khi ra trường có khả năng thích ứng mạnh mẽ và đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước hay nói cách khác có khả năng hội nhập quốc tế cao,… chính là sức hút đối với xã hội mà mỗi trường đem lại.

Theo đó, nhiều trường đã xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo có chất lượng ở nhiều bậc đào tạo, nhất quán với chuẩn đầu ra, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng cao của xã hội. Điển hình là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ( HaUI) được biết đến là địa chỉ cung cấp các chương trình đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn Nhật Bản phù hợp với nhu cầu của ngành công nghiệp. Với quy mô đào tạo trên 40.000 học sinh, sinh viên (HSSV), hàng năm, HaUI cung cấp cho thị trường lao động từ 10.000 - 15.000 lao động kỹ thuật có chất lượng cao. HaUI đã xây dựng mạng lưới liên kết với nhiều cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Trong khi đó, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng công nghiệp Huế, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghiệp Việt - Hung… lại được biết đến là những đơn vị đào tạo có nhiều thành tựu trong hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong liên kết đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, từ đó phát triển các loại hình dịch vụ khoa học, công nghệ, tư vấn tạo thêm nguồn thu cho nhà trường. Đặc biệt, các học sinh, sinh viên trưởng thành từ ngôi trường này sau khi ra trường đều có thể đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp. Những thành tựu trong hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các nước như: Hàn Quốc, Pháp, Nhật, Thái Lan,… liên quan đến các lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, môi trường, xây dựng,… đã góp phần nâng cao vị thế của nhà trường và tạo môi trường học tập, nghiên cứu chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế đối với giáo viên và sinh viên.

Đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội

Với 51 cơ sở đào tạo, hầu hết các cơ sở đều tham gia hoạt động dạy nghề. Mạng lưới dạy nghề của các trường ngày càng được củng cố và đổi mới, chuyển từ hệ thống dạy nghề với hai cấp trình độ sang hệ thống dạy nghề với ba cấp trình độ đào tạo, là: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Theo đó, các trường đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế để nắm bắt nhu cầu số lượng, chất lượng nhân lực các bậc trình độ nhằm có kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội.

 Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt - Đức với truyền thống 40 năm  xây dựng và trường thành, đây là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ công nhân cho ngành Cơ khí luyện kim nói riêng và ngành công nghiệp nói chung. Tại đây, công tác đào tạo ngoài xí nghiệp được nhà trường hết sức quan tâm, học sinh có cơ hội tham gia trải nghiệm, thực tập tốt nghiệp tại xí nghiệp, nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và rèn luyện tác phong công nghiệp trong lao động. Thông qua hoạt động này, nhiều doanh nghiệp đã trả lương trong quá trình các em thực tập tại doanh nghiệp, với thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/sinh viên/tháng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tích cực tìm kiếm các mặt hàng gia công kết hợp với đào tạo tại xưởng thực hành của nhà trường, gắn học đi đôi với hành. Vì vậy đã góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng đào tạo, tay nghề HSSV được các doanh nghiệp đánh giá cao.

Không chỉ riêng Trường Cao đẳng công nghiệp Việt - Đức, hiện nhiều trường đào tạo nghề của Bộ cũng đã xây dựng mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả đào tạo như: Các trường thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Đại học Công nghiệp Việt Trì, Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên, Cao đẳng nghề Dầu khí…

Định hướng trong thời gian tới

Để công tác phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 22/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở đào tạo đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hỗ trợ các cơ sở đào tạo tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.

Đối với các trường đại học, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ xây dựng đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cho 04 trường đại học, nhằm xây dựng các cơ sở đại học tự chủ trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tự chủ về bộ máy và nhân sự; về tài chính, học phí, học bổng cũng như về đầu tư, mua sắm, nhằm chủ động khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Bộ cũng sẽ hỗ trợ 01 trường đại học xây dựng đề án trường đại học trọng điểm thuộc ngành nhằm xây dựng một số ngành có trình độ đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao, ngang tầm với các trường có chất lượng trong khu vực và quốc tế.

Đối với các trường cao đẳng, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trước hết là Tổ chức JICA - Nhật Bản, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ một số trường  xây dựng mô hình trường đào tạo kỹ sư thực hành chất lượng cao cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Chương trình được bắt đầu với cơ cở Thanh Hóa của Trường Đại học Công nghiệp Hồ Chí Minh - đơn vị đầu tiên đang thí điểm mô hình này.

Đối với các trường đào tạo nghề, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội về đào tạo nghề chất lượng cao theo mô hình Nhật Bản để cung cấp nguồn nhân lực tay nghề cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.  

Với những nỗ lực đó, hy vọng trong thời gian tới, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Công Thương sẽ được cải thiện, nâng cao một bước mới, đáp ứng nhu cầu của đất nước thời kỳ hội nhập và phát triển.