Gieo mầm tình yêu hàng Việt nơi vùng cao

Dẫu biết việc đưa hàng Việt về miền núi là hành trình trải nhiều gian khó song tại xã Ngọc Sơn, một trong những xã miền núi khó khăn của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình lại có một người thầy giáo không c

Từ hành trình thay đổi nhận thức...

Từ trung tâm huyện Lạc Sơn chúng tôi bắt chuyến xe cuối cùng lên xã vùng cao Ngọc Sơn để tìm về điểm bán hàng Việt được cho là rất nổi tiếng ở vùng này, thấy chúng tôi loay hoay tìm địa chỉ, chú lái xe hồ hởi nói: "Thôi, khỏi tìm, cửa hàng ông Hùng bán hàng Việt trên này ai chả biết, mấy xã vùng cao có một cửa hàng đó thôi."

Đến nơi, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự bề thế một cửa hàng giữa vùng cao nơi đây. Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là ông chủ cửa hàng này lại là một thầy giáo vẫn hàng ngày gieo những con chữ cho người dân xã Ngọc Sơn trong gần 10 năm qua. Vì vậy, một ngày mới của anh Lê Văn Hùng không bắt đầu bằng việc mở cửa hàng như nhiều ông chủ khác. Công việc chính của anh là giáo viên dạy toán ở trường Trung học Ngọc Lâu. Hàng ngày, phải tầm giữa trưa sau khi hết giờ dạy, anh mới về mở bán hàng.

Cửa hàng của thầy giáo Lê Văn Hùng được chọn làm điểm bán hàng Việt từ đầu tháng 11 năm nay. Trong cửa hàng hầu hết các sản phẩm là hàng trong nước, chỉ số ít là hàng nhập khẩu như đồ chơi trẻ con và đồ điện tử... Bởi cửa hàng không thuê người nên anh rất tất bật, tự tay chọn hàng, kiểm hàng và kiêm người bán, tư vấn khách hàng.

Với khẩu khẩu hiệu "Muốn là có, mó là thấy", cửa hàng hầu như có đủ những thứ thiết yếu cho bà con nơi đây cần từ cái usb, loa, đài đến cả gói thuốc lào và tất tật hàng văn phòng phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác, thậm chí cả ti vi, bình lọc nước khách hàng cũng có thể tìm được tại đây. Nhiều là thế nhưng các gian hàng được sắp xếp khoa học, dễ tìm, và rất bắt mắt.

Trầm ngâm nghĩ lại những ngày đầu kinh doanh, anh Hùng tâm sự: “Nhà mình ở dưới thị trấn, gia đình có truyền thống kinh doanh. Thời gian dạy học trên xã vùng cao này, cảm thấy người dân quá vất vả để tìm mua được những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, họ chỉ tiện đâu mua đấy, càng rẻ càng tốt. Dần thói quen đó ăn sâu vào tiềm thức - và đó cũng là một khó khăn trong những ngày đầu mở cửa hàng. Lúc đầu nhập hàng, tôi chủ yếu nhập hàng mẫu mã đẹp, giá rẻ mà không quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ. Song từ chính gia đình tôi sau quãng thời gian dài thử dùng một số sản phẩm trong nước sản xuất, lại thấy những ưu thế vượt trội về chất chất lượng cửa hàng nội địa”.

Những trải nghiệm đó đã khiến anh nung nấu mở một cửa hàng chỉ bán toàn hàng trong nước để người dân có nơi yên tâm mua những sản phẩm chất lượng. Nghĩ là làm, anh chuyển lên trung tâm xã Ngọc Sơn, mở một cửa hàng hoành tráng và quy mô hơn. Bất kỳ ai đi qua xã vùng cao này cũng không thể không ngoái lại nhìn bởi nó quá nổi bật giữa các hàng quán tạm bợ xung quanh.

Anh tâm sự: "Những ngày đầu khó khăn lắm cô chú ạ. Trên này là xã vùng cao nên nguồn hàng và việc vận chuyển hàng hóa còn khó khăn. Ngoài nguồn hàng từ các đại lý dưới thị trấn và thành phố, muốn mẫu mã phong phú hơn, tôi còn lặn lội ra tận Hà Nội để tìm nguồn và đặt hàng tại các công ty uy tín.

Tìm được nguồn hàng chất lượng rồi, làm sao thuyết phục được người dân tin dùng sản phẩm đó lại lại một chặng đường khó khăn nữa. Ở đây 100% là dân tộc Mường, thói quen tiêu dùng hàng giá rẻ, mua ở những hàng quán bình dân đã gắn với họ bao đời nay. Dưới thành phố thấy cửa hàng to đẹp là thích chứ trên này người ta thấy vậy lại không dám vào vì tâm lý cửa hàng to giá phải đắt nên gần như những ngày đầu, người dân chỉ tò mò đi qua ngó nghiêng nhưng không ai vào".

Anh kể thêm: "Là xã 135 nên đời sống nhiều hộ còn khó khăn. Đa số người dân vào chỉ nhìn giá chứ không mua. Biết thay đổi thói quen tiêu dùng không đơn giản nên tôi cố gắng kiên nhẫn từng ngày.

Tôi tư vấn bằng cảm nhận của người đã từng dùng hàng Việt để người dân hiểu về nguồn gốc, cách dùng từng sản phẩm, có khi còn bảo họ về dùng thử thấy thích thì quay lại trả tiền sau. Tuy vậy, vẫn nhiều khách lắc đầu từ chối. Không nản, tôi tung ra nhiều chương trình khuyến mại, tặng quà, thậm chí mang hàng đến tận nơi cho người có nhu cầu để những khách chưa tin tưởng có dịp dùng thử nhiều sản phẩm. Dần dà, nhiều người thấy hàng trong nước tốt, giá bán lại rẻ hơn giá niêm yết 5000 - 10.000 đồng nên họ rất thích"- anh Hùng bộc bạch.

Thầy giáo Lê Văn Hùng - Chủ cửa hàng

...Đến lan tỏa tình yêu hàng Việt

Đang đà câu chuyện, anh phải chạy ra bán hàng cho một bà cụ đang tìm mua giá nhựa để bát đĩa. Khi nghe cụ bảo không có ai ở nhà, anh tận tình lắp ráp và đưa đến tận nhà cho cụ. Cụ Bùi Thị Yêm (63 tuổi, dân tộc Mường) quay ra tươi cười bảo: "Đấy là lý do tôi rất thích mua hàng ở đây đấy".

Trong lúc chờ ông chủ cửa hàng, chúng tôi thử đóng vai người bán, vừa giúp chị Bùi Thị Chinh (dân tộc Mường) tìm sản phẩm, vừa hỏi chuyện tôi mới biết chị là khách hàng thân thiết của cửa hàng từ những ngày đầu. "Ông chủ cửa hàng tặng mình một số sản phẩm để dùng thử. Nhiều khi mua thấy mình còn đắn đo còn bảo mang về dùng thấy ưng thì quay lại trả tiền sau. Càng ngày mẫu mã và chất lượng hàng trong nước càng cải tiến nên mình tin dùng"- chị Chinh vui vẻ nói.

Càng vào tầm trưa và chiều, cửa hàng càng đông khách. Ông chủ cửa hàng vui tính bảo: "Sau hơn hai năm, lượng khách bây giờ cũng dần ổn định, lượng hàng nhập về cũng ngày một tăng để phục vụ đủ nhu cầu gần Tết của người dân. Giờ là dịp cận Tết nhưng tôi quyết không tăng giá để người dân yên tâm mua sắm. Tôi còn đang chuẩn bị rất nhiều chương trình tặng quà, khuyến mại để kích cầu khu vực vùng cao này. Năm nào cũng vậy, người dân ở đây cứ nói vui bảo, chả cần nhìn đào nhìn quất, cứ vào cửa hàng anh Hùng là đã thấy không khí Tết nhộn nhịp rồi".

Kể về những dự định tương lai, anh Hùng cho hay: Giờ lượng khách tin dùng hàng Việt đã ngày một ổn định nên sắp tới tôi sẽ mở riêng một cửa hàng 100% hàng trong nước để người dân có nơi tin tưởng lựa chọn mua sắm.

Đưa hàng Việt về miền núi vẫn luôn là hành trình trắc trở, nhưng người thầy giáo tâm huyết ấy đã chẳng quản ngại sự xa xôi, thất bại luôn rình rập, bởi anh tâm niệm một điều bán được hàng thì dễ, để người dân hiểu và tin tưởng vào sản phẩm mình bán ra mới khó - cái khó đó đã được anh hóa giải bằng sự nhiệt huyết, nỗ lực không ngừng.

Mùa xuân đã ngấp nghé cửa, người dân vùng cao cũng náo nức chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy. Mua sắm ngày Tết với họ bây giờ không còn là nỗi lo. Tự bao giờ, một người giáo viên vùng cao đã truyền lửa tình yêu hàng Việt được tới người dân, để họ thay đổi thói quen mua sắm trước kia từ lúc nào chẳng hay.