Góc nhìn từ các chuyên gia về thị trường bán lẻ tại Việt Nam

Mở cửa không có nghĩa là buông lỏng, thả nổi, vì ngay những cam kết, nó cũng có những chỗ rất rõ ràng, các doanh nghiệp của ta ra nước ngoài cũng có rất nhiều thủ tục, đâu phải là dễ khi mở cửa hàng ở

Thông tin trên, được ông Vũ Khoan - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại gửi đến tại hội thảo “Những vấn đề cấp bách của thị trường bán lẻ và kiến nghị chính sách của doanh nghiệp” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (chiều 15/10). Và đây cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư lĩnh vực bán lẻ trong và ngoài nước tham dự.

Chương trình do, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn Đầu (LBC) và Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức.

Hàng hóa Việt Nam ngày càng đa dạng phong phú

Theo báo cáo của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo, thị trường Việt Nam được đánh giá đang bước vào giai đoạn chín muồi và sẽ thường trực chịu nhiều sức ép lớn từ hội nhập. Bởi từ ngày 01/11/ 2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cũng vào thời điểm này, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức ra đời sẽ cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn, nhân lực…, di chuyển tự do và thuận lợi, đặc biệt là hơn 10 nghìn loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan.

Theo đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều nằm trong Top 10 các thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nếu không chuyển động nhanh, thị trường bán lẻ trong nước sẽ do các tên tuổi lớn nước ngoài chi phối.

Bà Hồ Đức Minh - Chánh văn phòng Hội DNHVNCLC chia sẻ, việc gia nhập của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tạo ra sự kích thích nhà sản xuất trong nước thay đổi cách thức sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh những cái lợi thì cũng đan xen những cái hại, đó là nếu anh cứ giữ quan điểm sản xuất hàng hóa để tiêu thụ nội địa, thì khó cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài do mẫu mã, thông tin sản phẩm không thu hút người tiêu dùng.

Theo quan sát, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng có những thay đổi để thích ứng với hội nhập thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, về mặt thông tin họ không nhận được một cách xuyên suốt, tổng thể. Trong khi đó, ở các nước khác thường có những chính sách chung, giúp cho DN thích nghi với sự hội nhập toàn cầu. Để DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh hay không, vai trò của chính phủ trong sự chuẩn bị cho họ về việc định vị toàn cầu là hết sức quan trọng.

Tại hội nghị, ý kiến của các DN đã khẳng định, chưa bao giờ các DN bán lẻ trong nước phải đối diện với nhiều đối thủ cạnh trạnh to lớn như hiện nay. Ngoài BJC (Thái Lan) tuyên bố sẽ xây dựng 100 cửa hàng trong năm tới và đạt 300 cửa hàng trong tương lai, thì các DN khác cũng đang “bủa vây” thị trường.

Ngoài ra, LotteMart (Hàn Quốc) cũng đang sở hữu 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực bánh kẹo, thức ăn nhanh với hàng trăm cửa hàng, trung tâm thương mại; Công ty Aeon Credit Service (Nhật Bản) cung cấp dịch vụ bán hàng trả góp, trung tâm mua sắm… Một số dự án khác đang được triển khai như Malaysia có dự án “đại siêu thị” (shopping mall) Platinum Plaza, do Tập đoàn WCT đầu tư với tổng vốn 600 triệu USD tại Bình Chánh; E-Mart - Tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc - cũng đã vào Việt Nam với vốn đầu tư ban đầu 80 triệu USD và có kế hoạch mở chuỗi 52 siêu thị đến năm 2020…

Trong khi các DN ngoại bủa vây thị trường, thì các DN cung cấp và bán lẻ trong nước vẫn tỏ ra lúng túng vì thiếu thông tin hướng dẫn về mặt chính sách, các khuyến nghị từ nhà chức trách. Nói đúng hơn là các DN trong nước đang rất cần Chính Phủ Việt Nam đưa ra một chiến lược cho ngành bán lẻ với định vị rõ ràng, các chính sách bảo vệ cho hệ thống bán lẻ Việt Nam như: Chính sách kiểm tra nghiêm ngặt nhà phân phối nước ngoài; đầu tư nghiêm túc, đúng mức cho lực lượng phân phối trong nước; cung cấp dịch vụ hỗ trợ về đào tạo và nghiên cứu thị trường; cung cấp thông tin hội nhập thương mại quốc tế cho DN; triệt để ngăn chặn, trừng trị gian lận thương mại.

Đặc biệt, các nghiên cứu hoạt động cho xúc tiến thương mại các nước ASEAN nên có chính sách hỗ trợ các DN vừa, nhỏ địa phương, các làng nghề trong nước kết nối, tạo điều kiện khai thác cơ hội thị trường…

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW chia sẻ tại hội thảo

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, chỉ trong một thời gian rất ngắn, các đại gia bán lẻ quốc tế nhanh chóng bằng nhiều con đường đã xuất hiện tại Việt Nam, các hãng ngoại đã lấn lướt DN bán lẻ trong nước khi nắm giữ tỷ lệ thị phần lên đến 40%. Điều này cho thấy DN bán lẻ trong nước, với 25% thị phần, đang thật sự lép vế và chưa sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh đối đầu từ trước đó.

Nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam đã và đang tiếp tục hội nhập sâu, rộng trên tất cả các phương diện, nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và sắp tới là xuyên Thái Bình Dương vẫn đang đàm phán. Điều đó có nghĩa là các nước họ mở cửa cho mình cơ hội bán hàng, xâm nhập thị trường ra bên ngoài, ngược lại các DN nước ngoài cũng xâm nhập vào thị trường nước ta trên tất cả các phương diện từ sản xuất, bán buôn, bán lẻ cho đến dịch vụ.

Điều quan trọng là mở cửa như thế mình nhìn thấy cơ hội và mọi người cũng nhìn thấy cơ hội. Cái được quan trọng nhất là phải tiếp cận cơ hội và hiện thực hóa cơ hội phục vụ cho lợi ích của mình. Chúng ta hội nhập, mở cửa như thế, trong mấy năm vừa rồi xuất khẩu của chúng ta tăng lên rất mạnh nhưng chủ yếu là nhờ đầu tư nước ngoài.

Cho đến nay, có thể nói hơn 2/3 kim ngạch của Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó có nghĩa là những cơ hội kinh doanh và hội nhập các hiệp định mà mình ký kết chủ yếu là người nước ngoài tận dụng được, còn người Việt chỉ tận dụng được ít thôi. Đó là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Tại sao thị trường của mình ở đây mà mình lại sợ người ta, trong khi mình có nhiều lợi thế hơn về sự am hiểu văn hóa, hiểu biết thị trường?

Vấn đề là phải làm sao cho DN Việt Nam mạnh lên, hệ thống phân phối của DN Việt Nam phát triển vững vàng. Để làm được điều này, cần có vai trò của DN, hiệp hội, Nhà nước. Nếu coi kinh doanh như là thương trường, DN như là chiến sỹ thì Nhà nước là hậu phương và rõ ràng vai trò của hậu phương rất quan trọng.

Vì vậy, Nhà nước cần thuận lợi hóa hoạt động kinh doanh, đừng chồng thêm khó khăn, vất vả, rủi ro cho người kinh doanh; cần công bằng, bình đẳng hóa hoạt động kinh doanh. Cần nhìn thấy nguồn lực hiện có và thay đổi cách sử dụng để nó có hiệu quả hơn. Ví dụ như chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình hỗ trợ DN, xúc tiến thương mại… Về phía DN, không nên coi việc hội nhập như thế mình bị mất, mà nên suy nghĩ trong khó khăn, thách thức có cơ hội. Lúc đó mới có sự sáng tạo và tìm kiếm được cơ hội.

Ông Vũ Khoan – nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, đã gửi thông tin về ý kiến của mình đến hội thảo, ông cho rằng, doanh nghiệp ngày nay phải thấy được sự quan trọng của thị trường nội địa, đồng thời phải chủ động, tích cực lợi dụng những lợi thế là dân bản địa, hiểu biết thị trường trong nước để làm.

Trong nền kinh tế của bất cứ nước nào cũng có mấy khâu gắn kết với nhau. Đó là khâu sản xuất và phân phối. Trước đây chúng ta chưa quan tâm đến lĩnh vực lưu thông phân phối vì coi đó là lĩnh vực phi sản xuất. Từ khi đổi mới chúng ta cũng có quan tâm đến đổi mới đến khu vực lưu thông phân phối, hệ thống bán buôn, bán lẻ…

Chúng ta hội nhập với thế giới thì có đi có lại, mình muốn tham gia các thị trường khác thì phải mở cửa thị trường cho người ta vào. Khi đi đàm phán chúng ta đã có ý thức rõ về nhu cầu vừa phải mở cửa để tranh thủ mở rộng thị trường, nhưng cũng phải bảo hộ thị trường trong nước.

Trong tình hình cũng mới, khi chúng ta đang đàm phán và sắp kết thúc một loạt các hiệp định mậu dịch tự do mới, cùng với ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ… và đang thúc đẩy đàm phán với Liên minh châu Âu, TPP… chúng ta phải chuẩn bị về mọi mặt và tổ chức, cơ sở pháp lý, quản lý, năng lực cạnh tranh… nhằm đón tình hình.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, các ngành, các địa phương cần quan tâm hơn với doanh nghiệp nội làm hệ thống phân phối. Hiện nay, ưu tiên số một của các địa phương là cho các nhà đầu tư nước ngoài vào. Những nhà phân phối trong nước lớn, có tâm huyết muốn mở rộng hệ thống như Saigon Co.op, Phú Thái…, rất muốn làm ở các địa phương nhưng không kiếm được những địa điểm thuận lợi cho hệ thống phân phối của mình.

“Chúng ta giờ không còn đường lui trong việc thu lại các chính sách đã mở cửa thị trường nội địa cho DN đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, chúng ta phải nhanh chóng xây dựng lại các kênh phân phối nội địa, tạo điều kiện tối đa cho DN trong nước mở chuỗi cửa hàng bán lẻ chứ không chỉ chăm chăm mỗi nhà đầu tư nước ngoài. Nếu các địa phương tiếp tục như thế không khác gì gạt hệ thống phân phối của Việt Nam ra khỏi cuộc chơi. Một điều quan trọng khác là các DN trong nước phải có ý thức rằng nếu mình không nỗ lực để tìm cách xây dựng tốt vị trí của mình ở thị trường nội địa thì lúc đó không cạnh tranh được với DN nước ngoài là điều dễ hiểu" - bà Lan nhấn mạnh.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội HVNCLC chia sẻ tại hội thảo

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội HVNCLC đề nghị Nhà nước tiếp tục ngăn chặn và trừng trị mạnh hơn những vi phạm trong việc gian lận thương mại, giữ sao cho môi trường kinh doanh của chúng ta lành mạnh, để cho những nhà sản xuất chân chính, cả những nhà phân phối có đất sống.

Ngoài ra, doanh nghiệp rất cần về những nghiên cứu thị trường đúng đắn và có ích, các chính sách về đào tạo và khi doanh nghiệp được đào tạo, thì chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ hỗ trợ như thế nào, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, chính sách kết quả về nghiên cứu thị trường, đào tạo… . Đây là những cái mà doanh nghiệp thường ví như là chính sách đèn xanh trong quy định WTO có nhắc đến là chính quyền nên làm.
Hồng Lực