Góp vốn xoay vòng trong công đoàn giáo viên

Để vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn trong kinh tế, nhiều năm gần đây, thành viên trong công đoàn các trường học trên địa bàn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã mở rộng, phát triển mô hình góp vốn x

Thầy Lê Trung Cường - Trưởng phòng Giáo dục huyện Duy Xuyên - cho biết: "Để giải quyết bài toán về những khó khăn, thiếu thốn của người giáo viên, nhiều công đoàn các trường trên địa bàn đã sáng kiến ra nhiều mô hình sáng tạo, phục vụ, hỗ trợ nhiều cho các thành viên công đoàn trong nhiều năm gần đây. Chính những mô hình này đã góp phần ít nhiều giải quyết khó khăn cho các giáo viên. Bên cạnh đó, nó còn là sợi dây tinh thần rất lớn, giúp cho các thành viên công đoàn trở nên đoàn kết hơn".

Trong mô hình góp vốn xoay vòng, các thành viên tham gia sẽ tích luỹ mỗi tháng một khoản tiền nhỏ, không tính lãi, gửi vào quỹ chung. Sau khi các khoản tiền này được tích góp đủ để mua sắm vật dụng nào đó mà các thành viên trong công đoàn đã tính toán từ trước, khoản tiền sẽ được chi ra để mua sắm cho từng lượt thành viên. Khi tất cả các thành viên đã được mua sắm, công đoàn trường sẽ tiến hành mô hình góp vốn xoay vòng để trang bị các vật dụng cần thiết khác.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà - Chủ tịch công đoàn trường THCS Chu Văn An, huyện Duy Xuyên - cho biết: "Tại trường, hiện nay đang triển khai mô hình góp vốn xoay vòng với chủ đề Bếp Xinh. Theo đó, các chị em trong công đoàn sẽ được triển khai mua sắm các vật dụng phục vụ trong nhà bếp. Đây là chương trình hay, để chị em trong công đoàn trường có thêm thời gian, điều kiện để phục vụ tốt hơn trách nhiệm của người phụ nữ trong nhà".

Được biết, tại nhiều công đoàn trường trong toàn huyện, mô hình góp vốn xoay vòng được triển khai từ nhiều năm về trước và phát triển đến giờ, qua nhiều chủ đề, đã sắm sửa được nhiều vật dụng cần thiết như máy vi tính, xe máy… Cô Nguyễn Thị Thu - nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Chu Văn An là một trong số những người đi tiên phong về sáng kiến mô hình góp vốn xoay vòng trong những năm về trước. Cô Thu cho biết: "Với mô hình góp vốn xoay vòng, cần có sự kiên nhẫn, linh động trong cách triển khai. Hiện tại, mô hình này có lẽ sẽ ít phù hợp vì điều kiện giáo viên ngày được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, nếu biết linh động thì mô hình này sẽ phù hợp triển khai tại những vùng núi cao hay hải đảo, nơi mà kinh tế của giáo viên còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, tại các điểm trường thành phố, đô thị, mô hình này có thể được phát triển, nếu có điều kiện có thể tính đến việc lớn hơn như là góp vốn xoay vòng để mua đất, thuê nhà chung cư cho giáo viên chẳng hạn".