Hàng Việt tự tin “đem chuông đi đánh xứ người”

150 kg hạt điều mang đi tiếp thị đã bán hết veo sau 3 tiếng đồng hồ mở gian hàng tại Tuần lễ hàng Việt tại Thái Lan. Có nằm mơ, ông giám đốc doanh nghiệp hạt điều này cũng không nghĩ sức hút sản phẩm

Tự tin cạnh tranh bằng thế mạnh riêng

Hàng bày lên bao nhiêu là hết bấy nhiêu, gian hàng hạt điều rang muối của Công ty Hải Bình Gia Lai thuộc “Top” hút khách nhất tại tuần lễ hàng Việt cuối tháng qua. Ông giám đốc Nguyễn Huỳnh Phú Lâm trực tiếp đứng tiếp thị sản phẩm với du khách và doanh nghiệp (DN) Thái.

“Hoa quả chế biến là thế mạnh lâu nay của Thái Lan, nhưng ngành hạt thì họ lại không mạnh bằng Việt Nam. Chẳng hạn trong ngành hạt điều, Thái Lan thường dùng hạt điều đã chế biến trắng, sau đó chiên lên, tẩm đường, gia vị. Còn hàng Việt Nam làm theo cách truyền thống, tức là để nguyên rồi rang muối. Cách này giữ được mùi vị ban đầu của hạt", ông Lâm ngừng tay trao đổi với báo chí.

Nhiều khách hàng vừa ăn vừa tấm tắc khen sản phẩm bởi sự khác lạ của nó. Đó là minh chứng cho thấy khách hàng Thái Lan rất quan tâm đến hạt điều sấy khô của Việt Nam.

Cũng giống như mặt hàng hạt điều, bà tổng giám đốc Công ty bánh kẹo Bảo Minh trước khi lên máy bay sang Thái Lan dự tuần lễ hàng Việt cũng phải mang thêm hàng do nhân viên gọi điện về báo khách mua nhiều quá hết hàng trưng bày.

Ngay trong ngành hàng phải cạnh tranh trực diện với DN Thái như hoa quả sấy khô, hàng Việt vẫn có thế mạnh riêng mà DN có thể tận dụng. Đối diện gian hàng hạt điều Hải Bình, Vinamit bày trí gian hàng bắt mắt với đầy đủ 20 loại sản phẩm hoa quả chế biến của mình, đặc biệt là các sản phẩm mới mà Thái Lan chưa có như cà phê tươi sấy, sữa chua sấy khô…

Với sự thành công của lần tham dự trước, DN này tự tin các sản phẩm của mình sẽ được đối tác Thái Lan lựa chọn. Theo bà Vũ Thanh Trúc, Giám đốc kinh doanh quốc tế của Vinamit, để đưa hàng vào Thái Lan thuận lợi, DN phải mất 4 - 5 năm để có các chứng chỉ chứng minh chất lượng sản phẩm như chứng chỉ organic, chứng chỉ sang Mỹ hay châu Âu, FDA…

“Họ xuống tận trang trại để kiểm tra hằng năm trong suốt thời gian đó, theo dõi mình có làm đúng quy trình hay không. Khi có được chứng chỉ rồi thì điểm khó hiện nay chỉ là vấn đề thời gian làm thủ tục”, bà Trúc cho hay.

 Các gian hàng Việt Nam trưng bày tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan thu hút sự quan tâm đặc biệt của du kháchCác gian hàng Việt Nam trưng bày tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách

Mấy năm gần đây, các DN nội địa đã tích cực tham gia các hội chợ hàng Việt tại nước ngoài, nhằm tìm kiếm đối tác, xâm nhập vào kênh phân phối nước ngoài. Sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan quy tụ hơn 50 DN Việt Nam tham gia, gấp 2,5 lần so với năm đầu tiên tổ chức. Năm 2017, giá trị hàng Việt đưa được vào hệ thống Central Group của Thái Lan đã đạt 50 triệu USD.

“Trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái tăng đáng kể ở mức 19,4%. Đây là con số phấn khởi nhưng về con số tuyệt đối thì chúng ta vẫn nhập siêu từ Thái Lan. Việc xúc tiến thương mại và giới thiệu hàng Việt qua đường chính ngạch vào các hệ thống bán lẻ lớn của Thái Lan rất quan trọng", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định.

Không chỉ Thái Lan, các hội chợ hàng Việt tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay Pháp thời gian qua cũng ghi nhận dấu ấn đậm nét của sản phẩm hàng hóa Việt Nam trong việc chinh phục thị trường nước ngoài.

Nỗ lực đưa hàng Việt vào kênh phân phối nước ngoài

Từng nhiều lần tham gia tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, ông Nguyễn Long Hải, Trưởng phòng kinh doanh Cơ sở sản xuất & Chế biến cà phê Long Triều (Lâm Đồng) cho biết còn một số yêu cầu về mẫu mã từ phía đối tác, DN sẽ điều chỉnh thêm.

"Năm ngoái, chúng tôi chỉ mang sản phẩm cà phê bột sang dự Tuần hàng, mẫu mã bao bì chỉ có hai màu xanh rêu và màu nâu. Khi về Việt Nam, chúng tôi được Central Group Vietnam tư vấn thêm màu xanh lá, màu cam, màu vàng và xanh dương để bao bì trông bắt mắt hơn. Năm nay chúng tôi tự tin hơn khi quảng bá sản phẩm", ông Hải cho hay.

Sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2018 là một trong số hơn chục sự kiện Tuần hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức tại châu Âu, châu Á, giúp DN thuận lợi hơn khi xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài, tiết kiệm chi phí trung gian, mang lại giá trị gia tăng cao. Bộ Công Thương phối hợp với Central Group của Thái Lan thúc đẩy liên kết giữa các DN Việt Nam với hệ thống phân phối này.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương (Phụ trách chương trình xúc tiến hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài) cho biết: Ba năm trước đây, khi lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, vẫn chưa có DN Việt Nam nào đưa hàng vào được hệ thống phân phối của Central Group.

"Sau 3 năm, đã có nhiều DN làm được điều này. Đây là việc không đơn giản vì hệ thống siêu thị của Central Group là một hệ thống siêu thị cao cấp ở Thái Lan, với tiêu chuẩn rất cao. Điều này cho thấy DN đã quan tâm tới việc nghiên cứu thị trường, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế nói chung và Central Group nói riêng", ông Linh đánh giá.

Tháng 9-2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”, đi kèm với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mạng phân phối nước ngoài như thị trường châu Âu, châu Á… Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là vào các hệ thống phân phối đã hiện diện tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác.

Hoàng Dương