Hệ thống van đóng khẩn cấp: Giải pháp an toàn phòng cháy nổ xe bồn

Theo thống kê và cảnh báo, cháy nổ xe bồn gây nên những hỏa hoạn khôn lường đối với con người và tài sản, đặc biệt xảy ra tại các thành phố lớn. Để phòng ngừa, hạn chế thiệt hại đến mức thấp tai nạn c

I. Ý tưởng nghiên cứu sản phẩm

Thực tế đã từng xảy ra sự cố cháy nổ trong quá trình nhập xăng dầu từ xe bồn xuống bồn ngầm cửa hàng xăng dầu. Hỏa hoạn xảy ra khi công nhân thao tác quên đậy nắp lỗ do dầu bằng tay dẫn đến hơi xăng dầu thoát ra ngoài và gần khu vực đó có tàn thuốc gây cháy trong khi xăng dầu vẫn được xuống bồn và lửa đã bén vào ống xăng dầu. Rất may thảm họa không xảy ra, vì khi ngọn lửa bắt đầu xuất hiện thì người lái xe đã dũng cảm xông vào lửa để khóa van xả nguồn nhiên liệu xuống bồn ngầm làm ngừng cung cấp xăng cho nguồn cháy, nên nhân viên cửa hàng dễ dàng dùng bình bọt cô lập lửa với oxy ngoài không khí ngay tại miệng bồn ngầm, dập đám cháy.

Giả sử, người lái xe không lao vào lửa mà bỏ chạy hoặc nhân viên cửa hàng dùng bình bọt chữa cháy khi chưa khóa van xuất thì chắc chắn thảm họa về vật chất và con người sẽ khôn lường. Đánh giá sự việc dũng cảm lao vào lửa đóng van xuất nối với ống mềm (phải mất hơn 30 giây để đóng van) của người lái xe với góc nhìn kỹ thuật, một câu hỏi đặt ra:Tại sao các xe này không có hệ thống đóng khẩn cấp hoặc tự đóng khi xảy ra hỏa hoạn?


II. Triển khai sản phẩm, thử nghiệm ứng dụng

Ý thức và nhận thấy tầm quan trọng tạo ra cho xã hội một sản phẩm bảo đảm tối ưu về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy và ngăn chặn, giảm thiểu tổn thất trong quá trình xuất cấp các tai nạn cháy nổ xăng dầu, sau khi nhận được đề xuất trang bị hệ thống van đóng khẩn cấp phòng chống cháy nổ, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Xăng dầu đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật nghiên cứu thiết kế và ứng dụng vào thực tiễn cho sản phẩm của Công ty. Sau khi hoàn tất công tác nghiên cứu chế tạo, Công ty đã cho lắp đặt thử nghiệm trên xe chở xăng dầu của Công ty Xăng dầu Sông Bé. Sau 6 tháng sử dụng, giải pháp hệ thống van đóng khẩn cấp được nghiệm thu và đánh giá đã đáp ứng các yêu cầu đề ra cũng như độ bền và tính làm việc ổn định.

III. Ứng dụng sản phẩm

1. Các nguyên nhân và sự cố cháy nổ trong quá trình xuất nhập vận chuyển và xuất cấp của xe bồn chở nhiên liệu đến cửa hàng xăng dầu:

- Xe bồn tự cháy nổ khi vận chuyển hay bơm rót không có tiếp địa tiếp đất,

- Cháy nổ trong quá trình nhập, xuất hàng (chiếm phần lớn các tai nạn cháy nổ xe bồn),

- Cháy nổ do tác động của ngoại lực: tai nạn, đâm xe, lật xe, phá hoại,…

2. Mục đích và công dụng của thiết bị:

Rút kinh nghiệm từ các vụ hỏa hoạn trong lĩnh vực xăng dầu và hóa chất, PMS đã nghiên cứu và ứng dụng việc sử dụng hệ thống van đóng khẩn cấp, có thể hoạt động tự động khi xảy ra hỏa hoạn (ứng dụng này áp dụng cho các xe vận tải chất lỏng dể cháy).

3. Công dụng của van (van được lắp tại tất cả các đáy của các ngăn bồn và lắp âm vào bên trong bồn):

+ Thay thế cho van đóng mở: Trước đây khi chưa lắp van này thì phần lớn các xe bồn do PMS sản xuất hay các tư nhân bên ngoài phải dùng van đóng tại đáy (lấp bể). Các van này giống nút đậy và được thao tác đóng mở bằng cách trèo lên nóc bồn và dùng tay vặn. Việc đóng mở này mất thời gian và phải trèo lên nóc bồn rất nguy hiểm.

+ Dùng để đóng trong trường hợp khẩn cấp (cháy hoặc vỡ ống mềm khi xuất hàng): Do cấu tạo và nguyên lý hoạt động bằng hơi (được trích từ bình hơi thắng của xe) do đó có thể bố trí các nút đóng mở van tại nơi thao tác thuận tiện, đặc biệt có thể bố trí cùng lúc các điểm đóng mở trên xe sao cho thao tác thuận tiện. Nếu có sự cố xảy ra trong khi đang xuất nhập xăng dầu như rò rỉ, hỏng đường ống thì các van đóng nhanh, kịp thời, đảm bảo mức độ an toàn cao.

PMS lựa chọn hai điểm bố trí trên xe: Một tại vị trí họng van để thuận tiện khi thao tác xuất nhập xe bồn và một tại sau đuôi xe (nút dừng khẩn cấp) vị trí này rất dễ quan sát và dễ dàng thao tác không nguy hiểm trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.

+ Khi xảy ra hỏa hoạn: Vì lý do gì đó xảy ra hỏa hoạn mà người thao tác không đóng được van thì dưới tác dụng nhiệt của ngọn lửa ban đầu ống nhựa sẽ bị chảy ra, lập tức các van đóng lại.

+ Bảo đảm bồn kín hoàn toàn: Khi xe gặp tai nạn, bồn bị tác động của ngoại lực văng ra khỏi thân xe (chassis), thì ống nhựa bị đứt dẫn đến mất hơi và toàn bộ bồn trở nên kín hoàn toàn, xăng dầu không tràn ra mặt đường gây nguy hiểm.

IV. Mô tả cấu tạo hệ thống điều khiển.

1. Hệ thống điều khiển xuất xăng dầu bao gồm:

+ Nguồn hơi cung cấp cho hệ thống (hệ thống khí nén của xe cơ sở) và đường ống dẫn khí.

+ Van đảo chiều (gồm có van tổng ở cuối xe; van tổng trong hộp điều khiển; các van đóng thứ cấp cho từng hầm)

+ Các mặt bích, khớp nối mềm,…


2. Quy trình cải tạo xe bồn.

Từ xe bồn chở xăng dầu hiện tại, quy trình cải tạo hệ thống xuất xăng dầu bằng van xả đáy điều khiển bằng khí nén như sau:

+ Xúc rửa bồn bằng nước, xà bông và dấm.

+ Tháo đường ống công nghệ của xe bồn

+ Dỡ bồn

+ Cải tạo đường ống

+ Tháo lúppê đáy

+ Lắp mặt bích ở đáy bồn

+ Lắp các van xả đáy

+ Lắp các đường ống hơi, van đảo chiều

+ Lắp các khớp nối mềm.

V. Ứng dụng thực tế

Nếu áp dụng toàn bộ thiết bị và các hệ thống điều khiển như nước ngoài thì giá thành bồn chứa sẽ rất cao. Vì vậy, PMS chỉ tiến hành nhập chi tiết chính, còn lại các chi tiết điều khiển và vật tư thì mua trên thị trường trong nước sản xuất (thuận tiện cho việc bảo hành). Khi thị trường Việt Nam chấp nhận và sản lượng tiêu thụ đạt một lượng tương đối, PMS sẽ đầu tư và chế tạo hoàn chỉnh.

Hiện nay, PMS đã đưa sản phẩm này vào trang bị cho tất cả các xe bồn do Công ty sản xuất. Điều này làm cho giá thành sản phẩm xe bồn tăng lên đôi chút, nhưng khách hàng và chủ đầu tư đã bị thuyết phục bởi tính an toàn và kỹ thuật ưu việt nên đa số họ đã đồng ý mua sản phẩm xe bồn có gắn hệ thống van đóng khẩn cấp do Công ty Cổ phần Cơ khí xăng dầu sản xuất.