Hòa Bình: “Nối dài” lòng tin yêu hàng Việt

Sau gần 8 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thu được những thành công nhất định khi người tiêu dùng đã có ý thức ưu tiên mua

Theo Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình, 8 năm qua, Sở Công Thương Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lan tỏa lòng tin yêu hàng Việt cho người dân trong tỉnh như tích cực tuyên truyền về hàng hóa Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn; triển khai các chương trình hội chợ, triển lãm hàng Việt… Nhờ đó, ý thức mua sắm, sử dụng hàng hóa Việt của người dân Hòa Bình ngày càng nâng cao. Đặc biệt, người dân khu vực miền núi, nông thôn đặc biệt ưa chuộng hàng Việt do chất lượng tốt, giá cả phải chăng.

 

Để giúp người dân dễ dành mua sắm các sản phẩm hàng Việt Nam chính hãng, tạo hiệu ứng xã hội tốt về thực hiện CVĐ, từ cuối năm 2016, Sở Công Thương Hòa Bình đã triển khai xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, công ty kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng; có giấy đăng ký kinh doanh; ưu tiên các cửa hàng ở vùng sâu, vùng xa.

 

Sở Công Thương Hòa Bình cho hay, các điểm bán này được kỳ vọng góp phần phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng hàng nội địa, bình ổn thị trường, nâng cao sức mua và giúp ngày càng nhiều người dân được sử dụng hàng Việt chính hãng, giá cả phải chăng. Sở Công Thương cũng yêu cầu chủ các cửa hàng thực hiện tốt việc khai thác các nguồn hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân trong vùng.

 

Khác với nhiều địa phương chọn xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam tại khu vực trung tâm, Hòa Bình chủ trương triển khai xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam tại khu vực nông thôn, miền núi. Điểm bán hàng đầu tiên đã được đặt tại Cửa hàng kinh doanh bách hóa tổng hợp Quang Trung - xã Ngọc Sơn - huyện Lạc Sơn. Đáng chú ý, đây là xã vùng cao thuộc huyện Lạc Sơn và chỉ cách đây vài năm còn là xã thuộc diện 135, cực kỳ khó khăn về kinh tế. Do đó, Điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng tại đây được kỳ vọng sẽ là điểm bán để tạo điều kiện cho người dân vùng cao Hòa Bình được tiếp cận với hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng cao, giá phải chăng do Việt Nam sản xuất. 

 

Do là điểm bán đầu tiên được xây dựng nên Sở Công Thương Hòa Bình đã vận động doanh nghiệp đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh tại điểm bán này bằng các thương hiệu Việt uy tín như bánh kẹo Hữu Nghị, Vinamilk, sữa Mộc Châu… Đặc biệt, hàng hóa được cam kết giữ giá ổn định, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi để kích thích người dân mua sắm. Theo đánh giá của chủ cửa hàng, trước đây, khu vực này có không ít hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ. Vì thế, kể từ ngày khai trương, Điểm bán hàng Việt này đã thu hút bà con các ở cụm xã vùng đặc biệt khó khăn của xã Ngọc Sơn và các xã lân cận như Ngọc Lâu, Tự Do đến mua sắm.

 

Phát huy hiệu quả từ Điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên, đầu tháng 8/2017, Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đặt tại Cửa hàng kinh doanh Nguyễn Thị Thuận tại xóm Sơn Phú, xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc).  Để đảm bảo các điều kiện cho việc khai trương cũng như duy trì mô hình thí điểm Điểm bán hàng Việt Nam, Sở Công Thương Hòa Bình đã phối hợp, hỗ trợ hộ kinh doanh trong các khâu như thiết kế, lắp đặt kệ trưng bày hàng hóa, biển hiệu gian hàng, in bảng giá, băng rôn, cờ phướn, tờ rơi tuyên truyền... 


Với việc lựa chọn địa điểm gần chợ Cao Sơn là nơi thuận tiện giao thương, mua bán, Điểm bán hàng Việt Nam là nơi bày bán hàng hóa phong phú, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Đây đồng thời là điểm giới thiệu hàng hóa mang thương hiệu Việt, góp phần bình ổn thị trường, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện tốt CVĐ. Mô hình được xây dựng và đưa vào hoạt động cũng là điều kiện để giới thiệu những hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, nhằm đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của nhân dân, góp phần bình ổn thị trường, giá cả, cải thiện đời sống của nhân dân, thực hiện có hiệu quả CVĐ. 


Sở Công Thương Hòa Bình đặt mục tiêu, từ nay đến năm 2020, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, nỗ lực xây dựng ít nhất 1 điểm bán hàng Việt trên địa bàn mỗi huyện, thành phố. Ảnh: Internet

Để duy trì hoạt động của các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về CVĐ đến các doanh nghiệp, nhà sản xuất; tăng cường quản lý thị trường, hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; yêu cầu các doanh nghiệp cam kết hàng hóa được bày bán tại các điểm bán là hàng Việt Nam chính hãng, có chất lượng tốt