Hoạt động thương mại biên giới Việt –Trung 6 tháng đầu năm: Duy trì đà phát triển

Sáng ngày 22/7, Ban chỉ đạo Thương mại Biên giới tuyến biên giới Việt –Trung họp giao ban nhằm đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm 2014. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đến dự và chủ trì cuộc h

Trao đổi hàng hóa đa dạng

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, thời gian vừa qua, tình hình Việt Nam và Trung Quốc có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, thương mại qua biên giới Việt - Trung cơ bản vẫn duy trì được đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân 4%/tháng. Quy mô của thương mại qua biên giới Việt - Trung trong thời gian qua chiếm tỷ trọng trung bình trên 24% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung cùng giai đoạn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng cho rằng, hoạt động thương mại qua biên giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu nông sản qua biên giới còn nhiều vướng mắc, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng bến bãi phù hợp để thúc đẩy phát triển thương mại vùng biên, v.v...

Tại cuộc họp, ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, Bộ Công Thương đã đánh giá hoạt động thương mại biên giới tuyến biên giới Việt - Trung 6 tháng đầu năm. Theo đó, điểm nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2014 là các tỉnh biên giới công bố danh sách các cửa khẩu phụ, điểm thông quan được phép tái xuất hàng hóa; đề xuất mở các lối mở biên giới tạo điều kiện cho cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa (tỉnh Lào Cai); tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện thí điểm xuất khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi qua khu vực thí điểm Bản Quẩn (tỉnh Lào Cai) đối với mặt hàng gạo.

Theo báo cáo, tổng giá trị xuất nhập khẩu trực tiếp đạt 2,6 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 7%/tháng. Cán cân thương mại của xuất nhập khẩu trực tiếp trong thương mại biên giới luôn xuất siêu qua các tháng; trao đổi của cư dân biên giới với quy mô kim ngạch nhỏ nhất trong các phương thức thương mại qua biên giới, tăng trưởng cũng không đều qua các tháng nhưng so với cùng kỳ năm 2013 tăng 27%. Các phương thức khác như kinh doanh tạm nhập - tái xuất tăng trưởng không đều, tạm nhập ít nhưng tái xuất nhiều, kim ngạch tạm nhập chỉ chiếm khoảng 23,76% kim ngạch tái xuất và giảm 29% so với cùng kỳ năm 2013; kinh doanh kho ngoại quan, chuyển khẩu cũng có tình trạng tăng trưởng không đều, tháng thấp tháng cao nhưng tăng 8% so với cùng kỳ năm 2013.

 Ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và miền núi, Bộ Công Thương

Hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi qua biên giới rất phong phú, đa dạng, phản ánh được khá đầy đủ cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu trong thương mại Việt - Trung nói chung. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng nông lâm thủy sản như đường, gạo, cao su, sắn và sản phẩm của sắn, hoa quả tươi các loại (dưa hấu, vải quả, chuối, thanh long, xoài, v.v…). Còn hàng hóa nhập khẩu thì cũng gồm hai nhóm chính là: nhóm hàng hóa là nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào cần thiết cho sản xuất như phân bón các loại, nguyên liệu lá thuốc lá, than cốc, hóa chất…, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dung và điện năng. Cửa khẩu xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa đa dạng. Có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (còn gọi cửa khẩu song phương hay quốc gia), cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, cặp chợ biên giới với quy mô xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa lớn nhất thuộc về cửa khẩu quốc tế chiếm 57%, thứ hai là cửa khẩu phụ biên giới chiếm 17%, thứ ba là điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu chiếm 12%.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã đề xuất các ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại vùng biên. Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian qua có nhiều biến động về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc cũng đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng như doanh nghiệp phía Trung Quốc. Tỉnh Lào Cai mong muốn Chính phủ, Bộ ban ngành liên quan sớm hoàn thành xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 làm cơ sở để tỉnh Lào Cai xây dựng Quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Đồng thời, mong muốn Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Công Thương sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách chưa phù hợp hoặc chưa thống nhất liên quan đến hoạt động thương mại biên giới.

 Ông Nguyễn Thanh Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ cho phép các địa phương biên giới được phép chủ động điều tiết xuất khẩu hàng hóa nông sản qua các lối mở dưới sự kiểm soát của lực lượng biên phòng; mở tờ khai tại của Khẩu Thanh Thủy và giám sát thực xuất qua các điểm trên; tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách thương mại biên giới tách bạch với hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch. Tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát, kiểm tra với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn hàng hóa nông sản nhập khẩu nhiễm độc nhập khẩu vào Việt Nam.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại

Sau khi nghe báo cáo kết quả hoạt động và đề xuất, kiến nghị của các địa phương, Ban chỉ đạo Thương mại biên giới tuyến biên giới Việt - Trung đã đưa ra kế hoạch và phương hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2014.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính về hoạt động TMBG, hướng dẫn triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt như quyết định thay thế Quyết định 254/2006/QĐ-TTg và Quyết định 139/2009/QĐ-TTg. Đồng thời xây dựng các phương án xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua thương mại biên giới một số mặt hàng nông sản theo hướng linh hoạt và tạo điều kiện cho xuất khẩu.

Tích cực phối hợp với các địa phương để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các trường hợp thành lập Ban quản lý cửa khẩu mang tính đặc thù tại địa phương; đồng thời phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc hướng dẫn về biên chế và tổ chức bộ máy của Ban quản lý cửa khẩu, đảm bảo việc thực hiện Quyết định 45/2013/QĐ-TTg tại các tuyến biên giới.

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo hiệp định thay thế "Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc" được ký năm 1998. Thiết lập kênh trao đổi thường xuyên, định kỳ và chặt chẽ giữa Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Thương mại biên giới với cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Thuơng mại biên giới các tỉnh để kịp thời đề xuất hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thuơng mại biên giới.

 Ban chỉ đạo Thương mại biên giới đã đưa ra kế hoạch và phương hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2014

Tăng cường phối hợp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ở khu vực biên giới Việt - Trung, bao gồm các hội chợ thương mại - du lịch quốc tế định kỳ, luân phiên đã có tại Lào Cai - Hà Khẩu, Thanh Thủy - Thiên Bảo, Móng Cái - Đông Hưng, Đồng Đăng - Bằng Tường và xây dựng các chương trình hội chợ mới tại các điểm Tà Lùng - Thủy Khẩu, A Pa Chải - Long Phú, Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà.