Hoạt động xuất khẩu sức lao động Việt Nam sang Đài Loan

Tóm tắt:
Nhận thức sâu sắc lợi ích do xuất khẩu sức lao động mang lại, Chính phủ Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện chính sách cũng như hành lang pháp lý về xuất khẩu sức lao động. Từ việc chủ yếu

I. Tình hình xuất khẩu lao động Việt Nam sang Đài Loan

Về số lượng lao động Việt Nam tại Đài Loan: Quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam - Đài Loan được bắt đầu từ tháng 5/1999, đặc biệt từ năm 2000, sau khi ký kết Thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai văn phòng đại diện Việt Nam và Đài Loan, số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan tăng lên một cách mạnh mẽ.

Bảng 1: Số lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan từ năm 2005 đến 2014

Đơn vị: Người

Năm

Lượng lao động đưa đi hàng năm

2005

22.784

2006

14.127

2007

23.640

2008

31.631

2009

21.677

2010

28.499

2011

38.796

2012

30.533

2013

46.368

2014

62.124

(Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước, 2005 - 2014, Báo cáo cuối năm về thị trường Đài Loan)

Về tỉ lệ lao động Việt Nam tại thị trường Đài Loan: Tuy số lượng lao động hàng năm của Việt Nam gửi sang Đài Loan có sự biến động nhưng so với mặt bằng chung của thị trường thì tỉ lệ lao động Việt Nam so với tổng số lao động nước ngoài ở Đài Loan vẫn được duy trì ở mức tương đối ổn định.

Bảng 2: Tỉ lệ lao động Việt Nam tại thị trường Đài Loan

Đơn vị: Người

Năm

Tổng số lao động nước ngoài tại Đài Loan

Tổng số lao động Việt Nam tại Đài Loan

Tỷ lệ

(%)

2005

337.359

80.846

23,96

2006

342.771

75.369

21,98

2007

362.782

82.375

22,71

2008

338.041

71.021

21,01

2009

327.311

69.655

21,28

2010

349.258

78.558

22,49

2011

357.705

79.258

22,16

2012

363.497

85.650

23,56

2013

469.199

116.224

24,77

2014

522.852

134.978

25,82

(Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước, 2005 - 2014, Báo cáo cuối năm về thị trường Đài Loan)

II. Một số nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu sức lao động Việt Nam sang Đài Loan

Một là, định hướng chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động xuất khẩu sức lao động sang nước ngoài nói chung và sang thị trường Đài Loan nói riêng. Trong mỗi giai đoạn khác nhau thì có những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về xuất khẩu sức lao động, hoạt động xuất khẩu sức lao động giữa các nước đều bao hàm sự tính toán về lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu sức lao động chịu sự tác động trực tiếp từ chủ trương và các chính sách, biện pháp quản lý, điều tiết của Chính phủ. Đối với nước xuất khẩu sức lao động, việc điều chỉnh các quy định, chính sách thị trường, đối tượng lao động, điều kiện tham gia hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, sự hỗ trợ của Nhà nước... đều tác động trực tiếp, tạo thuận lợi, hoặc cản trở tới hoạt động của các doanh nghiệp, người lao động tham gia xuất khẩu sức lao động.

Hai là, hệ thống doanh nghiệp xuất khẩu sức lao động và dịch vụ tư vấn việc làm, pháp luật nước ngoài. Là cầu nối giữa cung lao động trong nước với cầu lao động nước ngoài hay là thực hiện vai trò trung gian môi giới giữa người lao động trong nước có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài và thực hiện các dịch vụ có thu phí để cung - cầu về lao động được thực hiện.

Ba là, hệ thống thông tin việc làm, tư vấn pháp luật. Thông tin có tác dụng định hướng cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cung ứng lao động vào thị trường Đài Loan. Khi thông tin được công bố đầy đủ, rõ ràng về các điều kiện tuyển chọn, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, sinh hoạt, phong tục tập quán, các quy định pháp luật ở Đài Loan, người lao động sẽ dễ dàng xác định được các công việc, ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân để đăng ký tham gia xuất khẩu, từ đó sẽ hạn chế được các tiêu cực phát sinh trong việc tuyển chọn, đào tạo, thu các khoản chi phí cũng như nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động tại Đài Loan.

Bốn là, trình độ nhận thức, tay nghề, cơ cấu của lực lượng lao động tham gia vào thị trường lao động Đài Loan. Trình độ nhận thức kém, tay nghề yếu, cơ cấu không phù hợp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp kịp thời lao động theo yêu cầu của từng đơn hàng tiếp nhận lao động Việt Nam vào Đài Loan.

Năm là, khả năng tài chính (chi phí của người lao động) phải nộp trước khi sang nước ngoài làm việc. Thực tế là chỉ có một số ít trường hợp lao động là có nguồn tài chính sẵn có của gia đình để trang trải trước khi xuất cảnh, còn lại phần đông người lao động, đặc biệt là những lao động tại các vùng sâu, vùng xa rất khó khăn về tài chính và họ thường phải đi vay muợn từ họ hàng, bạn bè và các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại... mới có đủ nguồn tài chính để đăng ký tham gia các chương trình xuất khẩu lao động.

Sáu là, nhu cầu tiếp nhận lao động của Đài Loan. Khi Đài Loan nhập khẩu lao động, họ đều có sự tính toán vì lợi ích của quốc gia, dân tộc họ. Do vậy, hoạt động xuất khẩu sức lao động chịu sự tác động trực tiếp từ chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý, điều tiết của Chính phủ Đài Loan, những quy định điều kiện nhập cư, hay những thay đổi trong chính sách đầu tư, tái cơ cấu kinh tế, chính sách đối ngoại... cũng có thể thúc đẩy hay trở thành rào cản, hạn chế số lượng lao động nhập khẩu của Việt Nam vào Đài Loan.

Bảy là, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các công ty môi giới lao động vào thị trường Đài Loan. Dựa trên quan hệ hợp tác, những hiệp định ký kết của các quốc gia với Chính phủ Đài Loan, Chính phủ mỗi nước đều có định hướng, chính sách riêng nhằm gia tăng uy tín và vị thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động của họ vào thị trường Đài Loan. Các công ty môi giới lao động nước ngoài nói chung và Đài Loan nói riêng thu lợi từ cả hai phía, thu phí cung cấp lao động từ chủ thuê, thu phí tìm việc làm từ người lao động; họ giành giật hợp đồng cung cấp lao động cho chủ thuê bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp lao động với chi phí môi giới thấp nhất. Sau đó, các công ty môi giới lại bán dịch vụ cung ứng lao động cho các công ty môi giới lao động các nước xuất khẩu lao động với mức cao nhằm thu lợi nhuận. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam muốn giành được hợp đồng cung ứng lao động phải nâng phí môi giới lên cao làm giảm thu nhập của người lao động.

Tám là, tác động của thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh... sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu sức lao động.

Chín là, truyền thống, văn hóa, dân tộc như các định kiến, phong tục, tập quán của Đài Loan có ảnh hưởng rất lớn đến người lao động Việt Nam sống và làm việc tại Đài Loan. Các chính sách tuyển lao động của Đài Loan hay bất kỳ nước nào khác tiếp nhận lao động cũng sẽ hàm chứa sự bảo tồn, giữ gìn các giá trị truyền thống, văn hóa, chính trị tôn giáo của nước họ. Tôn trọng truyền thống, văn hóa, dân tộc của Đài Loan là điều đương nhiên khi lao động Việt Nam hay lao động của các quốc gia khác sinh sống và làm việc tại Đài Loan, nếu có sự khác biệt quá lớn về phong tục, tập quán, văn hóa ứng xử sẽ gây khó khăn cho người lao động, từ đó phát sinh ra những mâu thuẫn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Mười là, sự điều chỉnh hay thay đổi chính sách, luật pháp của Đài Loan. Khi có sự điều chỉnh về chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài sẽ tác động trực tiếp đến nhu cầu lao động nước ngoài tại nước nhập khẩu lao động. Những quy định về điều kiện nhập cư, hay những thay đổi trong chính sách đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế, chính sách đối ngoại... sẽ có thể thúc đẩy hay trở thành rào cản, hạn chế số lượng lao động nhập khẩu, tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nước ngoài đang cung ứng lao động vào thị trường Đài Loan.

III. Giải pháp đề xuất nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sức lao động Việt Nam sang Đài Loan

Hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam sang Đài Loan trong thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu sức lao động Việt Nam sang Đài Loan trong thời gian tới, tác giả xin đề xuất một số giải pháp cần thực hiện sau:

Một là, tăng cường công tác quản lý người lao động làm việc ở Đài Loan. Muốn đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này trong thời gian tới, cần thiết phải xây dựng một mô hình quản lý phù hợp với thị trường lao động ngoài nước với các giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên tham gia.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường Đài Loan. Nhà nước cần xây dựng và ban hành chuẩn cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề cũng như danh mục chuẩn thiết bị dạy nghề. Trên cơ sở nhu cầu của thị trường để đầu tư hợp lý và có hiệu quả, đồng thời thường xuyên cập nhật các công nghệ mới để theo kịp với sự phát triển của một nền kinh tế, khoa học, kỹ thuật tiên tiến như Đài Loan.

Ba là, hỗ trợ bản thân và gia đình người lao động sang Đài Loan. Nhà nước cần xây dựng chủ trương, chính sách cụ thể để trích ngân sách từ quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động, quỹ giải quyết việc làm từ chương trình việc làm quốc gia để cấp một phần hoặc toàn bộ chi phí học ngoại ngữ, học nghề, giáo dục định hướng hoặc trả khoản lãi tiền vay cho người lao động thuộc đối tượng chính sách, người nghèo hoặc lao động ở vùng khó khăn về kinh tế. Đồng thời, quản lý, giám sát việc giải ngân các nguồn quỹ này được kịp thời và mang lại hiệu quả.

Bốn là, giải quyết việc làm cho người lao động hậu xuất khẩu sức lao động. Nhà nước cần phải có các chính sách cụ thể để phân biệt cho từng loại lao động khi về nước với những lý do khác nhau. Đối với lao động về nước trước hạn cần phân biệt nguyên nhân về nước để có quy định hỗ trợ cụ thể nhằm tạo điều kiện cho người lao động sớm tái hòa nhập xã hội. Đối với lao động hoàn thành hợp đồng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích lao động về nước đúng hạn, tránh tình trạng bỏ trốn, gây khó khăn cho quản lý lao động ở Đài Loan. Nhà nước hỗ trợ giới thiệu việc làm, kể cả việc đào tạo cho những lao động chuẩn bị xuất ngoại theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Các cấp chính quyền cần tạo điều kiện cho người lao động sử dụng hiệu quả số vốn tích lũy được sau khi làm việc ở nước ngoài thông qua chính sách khuyến khích đầu tư, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2005 - 2014,Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về xuất khẩu lao động.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2005 - 2014,Tạp chí việc làm nước ngoài.

3. Cục Quản lý lao động ngoài nước, 2005 - 2014,Báo cáo cuối năm về thị trường Đài Loan.

4. Tổng cục Thống kê, 2008 - 2014,Báo cáo dân số và lao động.

5. Văn phòng Văn hóa Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc, 2005 - 2014,Báo cáo về tình hình lao động Việt Nam tại Đài Loan.

Ngày nhận bài: 15/12/2015

Ngày chấp nhận đăng bài: 16/01/2016

Thông tin tác giả:

TS. Phạm Hùng Cường

Ban Quản lý Khoa học và HTQT

Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 01277883579

Labour export activity from Vietnam to Taiwan:  Achivements and solutions

Dr. Pham Hung Cuong

Foreign Trade University Ho Chi Minh City Campus

Abstract:

Vietnamese government has enhanced the legal framework and policy of labour exports due to its benefits. In the 80s, Vietnam mainly exported labours and experts to Eastern Europe and Africa. Nowadays, Vietnam exports labours to 40 countries and territories including major markets such as Malaysia, Taiwan, Japan, South Korea,... Especially, Taiwan has become the top labour export market of Vietnam in recent years. Labour export activity to Taiwan has made some remarkable achievements. This article proposes solutions promote labour export activity from Vietnam to Taiwan.

Keywords: Exports, labour, investment policy, labour receiving policy, market, Taiwan.