Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016

Sáng nay (22/2), tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016.

Hội nghị năm nay được tổ chức với chủ đề “Đổi mới phương thức hoạt động Thương vụ và công tác thị trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa đã chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự hội nghị có đại diện, các Cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành, đại diện các Sở Công Thương và các tổ chức hiệp hội, ngành nghề, doanh nghiệp có liên quan. Đặc biệt là sự có mặt của 65 Tham tán, Tùy viên Thương mại, Trưởng Văn phòng đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cùng tham dự.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016, được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, với mục đích quán triệt, triển khai các chỉ đạo của Đại hội Đảng và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài, sau khi Việt Nam kết thúc đàm phán các Hiệp định thương mại với các đối tác như: TPP, Việt Nam - EU, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, Việt Nam - Hàn Quốc, nhằm tăng cường phối hợp thúc đẩy xuất khẩu giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định, trong những năm qua, công tác Tham tán Thương mại đã phát triển tích cực, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Các Tham tán Thương mại là đầu mối hiệu quả, đã giúp cho Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng các chính sách xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài phù hợp với từng thời điểm để phát triển kinh tế đất nước, các Tham tán Thương mại còn là đầu mối, tìm kiếm khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, theo dõi tình hình xuất nhập khẩu trong suốt thời gian qua, sát cánh cùng với các doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc khó khăn, những tranh chấp có liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa đến các nước. Hội nghị đã tạo ra cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp cùng với các Tham tán Thương mại có điều kiện trao đổi, tiếp xúc với nhau về các khó khăn vướng mắc, đề xuất các vấn đề có liên quan, để tạo thuận lợi hơn trong công tác từ hai phía, đặc biệt nhất là trong năm 2016 này.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã bày tỏ vui mừng và trân trọng cảm ơn Bộ Công Thương đã chọn TP. Hồ Chí Minh làm địa điểm để tổ chức hội nghị Tham tán Thương mại ngay trong đầu năm 2016, tạo điều kiện cho các tổ chức hiệp hội, ngành nghề, các doanh nghiệp phía Nam có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo UBND các địa phương, như: Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu…, đặc biệt là gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các Tham tán, Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài về các thông tin, chính sách có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, hiểu rõ thêm các luật lệ giao thương với các nước trên thị trường quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên việc tiếp cận công nghệ, thông tin thị trường thế giới còn nhiều hạn chế. Do đó, bên cạnh các kênh thông tin từ các Tham tán Thương mại ở nước ngoài, về phía các doanh nghiệp nên chủ động xây dựng chiến lược phát triển có định hướng, mục tiêu rõ ràng và cụ thể hơn, tránh phát triển kinh doanh theo hướng tự phát, chạy theo xu hướng nhất thời, sẽ khó có thể trụ lại được trong xu thế phát triển kinh tế hiện đại như hiện nay.

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2016 TP. Hồ Chí Minh

Tại hội nghị, các tổ chức hiệp hội, ngành nghề và các doanh nghiệp đã đóng góp các ý kiến và đề xuất, xoay quanh các vấn đề về hỗ trợ cung cấp thông tin, trong đó cụ thể là các thông tin về các cơ chế chính sách của từng thị trường mà doanh nghiệp cần tiếp cận. Hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Cũng tại hội nghị này, nhiều ý kiến về một số khó khăn và các rủi ro về hoạt động xuất khẩu tại một số thị trường như châu Phi, châu Mỹ, châu Âu liên quan đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, phương thức thanh toán, vận chuyển, bảo hiểm. Trong quá trình hoạt động, một số doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn về tín dụng như mở LC, nhiều thị trường lớn có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cao mà doanh nghiệp Việt Nam chưa thể thâm nhập được. Đồng thời, đề nghị các Tham tán Thương mại cần hỗ trợ tích cực hơn trong công tác tiếp cận thị trường, trong đó cần thiết nhất là các thông tin về thị trường, ngành hàng và các rủi ro có khả năng xảy ra ở các thị trường doanh nghiệp cần tiếp cận.

Toàn cảnh Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016 tại TP. Hồ Chí Minh

Tại hội nghị, Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, trong năm 2016, Bộ đưa ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khoảng 181,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2015, để đạt mục tiêu xuất khẩu hơn 181 tỷ USD trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, hàng hóa Việt Nam chịu sự cạnh tranh trực tiếp về giá cả của các quốc gia xuất khẩu, ngoài sự hỗ trợ và kết nối từ các kênh Tham tán Thương mại, thì sự chủ động tìm kiếm đơn hàng, hành động cụ thể từ các doanh nghiệp mới là vấn đề quyết định để hàng hóa Việt Nam đến được nhiều thị trường mới, khách hàng mới.

Theo đại diện của Bộ Công Thương, Bộ đã xây dựng Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2106, gồm 177 đề án của 67 đơn vị, với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng, bao gồm hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu.

Hầu hết các Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định tại hội nghị, sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin và tạo cầu nối với các đơn vị kinh tế ở nước ngoài, tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến các doanh nghiệp, khi chuyển thông tin đến các Tham tán Thương vụ ở nước ngoài nên chia sẻ thật cụ thể, ngắn gọn, nhưng cần cụ thể như doanh nghiệp cần gì, chính sách gì… , bởi nhân lực hiện nay của các Tham tán và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rất mỏng, nên sẽ rất khó mà đáp ứng ngay các câu hỏi của từng doanh nghiệp trong một thời gian ngắn.

 Trong khuôn khổ hội nghị, chiều cùng ngày, ban tổ chức đã chia ra từng khu vực, từng thị trường mà doanh nghiệp cần quan tâm, để các Tham tán Thương mại và các tổ chức hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ trực tiếp trao đổi về các vấn đề như: phát triển thị trường, các thông tin mới về các chính sách của từng khu vực mà doanh nghiệp quan tâm, những rào cản kỹ thuật, trong thương mại của các nước, đặc biệt là những thông tin về các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết có hiệu lực. 

Hồng Lực