Hội thảo khoa học “Quản trị ngân hàng hiệu quả”

Ngày 11/01/2017, tại Hà Nội, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp cùng Trường ĐH Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học thường niên làm

Quá trình tái cơ cấu của các tín dụng Việt Nam giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những chuyển biến tích cực, như: duy trì thanh khoản, ổn định tỷ giá và lãi suất, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu một số ngân hàng còn nhiều tồn tại cần xử lý dứt điểm, nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến hoạt động của Ngành. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 là tập trung cải thiện năng lực quản trị của các ngân hàng thương mại (NHTM), nâng cao hiệu quả giám sát ngân hàng theo Basel II, hướng theo tiêu chuẩn quốc tế.

 Các chuyên gia cao cấp chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Với đặc thù là hoạt động kinh doanh có độ rủi ro cao và mức độ ảnh hưởng lớn, nên vấn đề quản trị trong NHTM có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với một số nước đang phát triển như Việt Nam, khi ngân hàng là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho khu vực doanh nghiệp. Thực tiễn quản trị ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế mà nếu không khắc phục được thì các NHTM Việt Nam sẽ khó khăn khi cạnh tranh trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Vì vậy, tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho các cơ quan quản lý và các NHTM với các nội dung chính: (i) đánh giá mức độ hiệu quả trong quản trị ngân hàng theo các chuẩn mực quốc tế thông qua việc phân tích cơ cấu Hội đồng quản trị của các NHTM Việt Nam và một nước ASEAN; (ii) xem xét những vấn đề liên quan tới kiểm soát hoạt động trong ngân hàng, cụ thể là phân tích việc đáp ứng các yêu cầu về minh bạch và công bố thông tin và giao dịch của các bên có liên quan của NHTM Việt Nam và (iii) phân tích những thách thức và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát ngân hàng của các cơ quan quản lý theo chuẩn mực quốc tế.

Trong phần trình bày báo cáo, bà Nguyễn Nguyệt Anh - Chuyên gia tư vấn cao cấp của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) chỉ ra rằng khi các ngân hàng có giao dịch bên liên quan (GDBLQ) chiếm tỷ trọng cao, thì biên lãi suất thường có lợi cho người đi vay và rủi ro vỡ nợ của khoản vay đó cũng cao hơn các khoản vay cho bên không liên quan.

PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo

Còn trong báo cáo về “Cơ cấu hội đồng quản trị và hiệu quả hoạt động ngân hàng”, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa TCNH - Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã chỉ ra 3 nhân tố ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, là: Tỷ lệ nữ trong Ban Tổng giám đốc, tuổi của CTHĐQT và quy mô ngân hàng. Báo cáo cho rằng cần tăng cường hơn nữa vai trò của thành viên HĐQT độc lập, cần bổ nhiệm những người lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm vào vị trí CTHĐQT,…

Ông Lê Trung Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích về “Giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế Basel II”. Giám sát ngân hàng theo Basel II có 3 trụ cột: một là yêu cầu vốn tổi thiểu, hai là giám sát của cơ quan quản lý, ba là công bố thông tin.

Trong báo cáo cuối phiên hội thảo, TS. Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phân tích thực trạng đáp ứng yêu cẩu về “Minh bạch và công bố thông tin của các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Các nhà khoa học phát biểu tại hội thảo

Trong phiên thảo luận, nhiều nhà khoa học đã khẳng định: Quản trị và giám sát trong hoạt động ngân hàng luôn là vấn đề cần phải quan tâm khi muốn xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hình thức hợp tác kinh tế tài chính đa phương và song phương mà đáng chú ý nhất gần đây là việc trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đòi hỏi phải gia tăng mức độ mở cửa thị trường tài chính trong nước. Điều này không chỉ đem lại những cơ hội lớn cho hệ thống NHTM Việt Nam mà đồng thời cũng đặt ngành Ngân hàng trước những thách thức cạnh tranh to lớn từ phía các ngân hàng trong khu vực. Bởi vậy, việc nâng cao hiệu quả quản trị và giám sát hoạt động kinh doanh ngân hàng là những trọng tâm đặt ra đối với các NHTM Việt Nam, cũng như các cơ quan quản lý hiện nay.


Thanh Tony