Kế hoạch đầu tư nhà máy sợi dệt của TAL

TAL - Tập đoàn chuyên về dệt may của Hồng Kông đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam với dự án thứ hai về lĩnh vực sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc có số vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Tại buổi gặp gỡ lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 19-6, ông Roger Lee, Giám đốc phát triển của Tập đoàn TAL, đã cho biết về kế hoạch phát triển dự án đầu tư này ở Việt Nam.

TAL đã đến Việt Nam đầu tư tại khu công nghiệp Phúc Khánh, tỉnh Thái Bình từ năm 2004 với dự án nhà máy dệt may Việt Mỹ (TAV Limitted), tổng vốn đầu tư là 40 triệu đô la Mỹ.

Hiện TAL đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam dự án thứ hai về lĩnh vực sản xuất sợi,dệt nhuộm và may mặc với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 200 triệu đô la Mỹ, các sản phẩm sẽ được sản xuất khép kín.

Một trong những nội dung mà TAL muốn lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến là lựa chọn địa điểm thích hợp cho dự án này, theo trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng TAL cần cân đối các tiêu chuẩn kỹ thuật (thuận tiện giao thông, nhân công, giá thuê đất, hỗ trợ của địa phương…) của dự án cũng như hiện trạng của một số địa phương khu vực phía Bắc(Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định…) từ đó đưa ra quyết định đầu tư.

Theo các doanh nghiệp trong ngành dệt may, khả năng hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào đầu tư nguyên liệu nhằm tận hưởng ưu đãi từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang từng bước được cụ thể hóa.

Cụ thể từ năm ngoái đến nay, có hàng loạt doanh nghiệp sản xuất xơ, sợi, dệt của nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào dệt nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may.

Những công ty, tập đoàn lớn như Texhong (Trung Quốc), Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo),Công ty TNHH Dệt may Sunrise (Trung Quốc)…đã đến đặt vấn đề về việc lập liên doanh sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam với một số doanh nghiệp dệt may.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam để liên kết đầu tư nguyên phụ liệu cho ngành dệt may vì Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán TPP và FTA với EU. Nếu đàm phán thành công, TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2015,khi đó, xuất khẩu dệt may có sử dụng nguyên phụ liệu trong nước sẽ được hưởng thuế suất 0%. Đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các dự án nguyên liệu.