Kết nối để tăng đầu ra cho nông sản Hà Nội

Hội nghị kết nối cung cầu năm 2018 vừa được tổ chức tại Hà Nội đã kết nối các nhà sản xuất, cơ quan quản lý, nhà phân phối…để gặp gỡ, trao đổi phân tích về những khó khăn, vướng mắc từ đó thảo luận tì

Vốn có lợi thế vùng đất nông nghiệp rộng, thích hợp để sản xuất nông sản, tuy nhiên do sản xuất nhỏ lẻ, trong khi quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo nên tình trạng đươc mùa rớt giá vẫn còn xảy ra. Với vai trò “bà mối”, nhiều năm qua Hà Nội cũng đã tổ chức thành công nhiều hoạt động kết nối hiệu quả cung cầu. Mới đây Hội nghị kết nối cung cầu năm 2018 mới được Hà Nội tổ chức, nhà sản xuất, cơ quan quản lý, nhà phân phối…đã gặp gỡ trao đổi phân tích về những khó khăn, vướng mắc từ đó thảo luận tìm ra các giải pháp tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản.

Những “mùa quả ngọt” từ các nỗ lực kết nối

Chuyên sản xuất các sản phẩm rau hữu cơ, trước đây, do chưa nhiều người tiêu dùng biết đến, việc tiêu thụ các sản phẩm rau củ quả của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) còn gặp nhiều khó khăn. Gần đây, nhờ được tham gia các hoạt động kết nối, đồng thời nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, rau hữu cơ của HTX Tiên Dương không những tìm được đầu ra ổn định mà còn được tiếp cận với phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Bà Phạm Thị Lý - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) cho biết, không những sản phẩm rau của HTX được vào các kênh phân phối của thủ đô mà còn được hướng dẫn dán tem truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, sản phẩm được người tiêu dùng an tâm lựa chọn. Đặc biệt, sản phẩm còn được tham gia vào hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc của UBND, được quảng bá tới đông đảo người tiêu dùng.

Ngoài HTX Tiên Dương, trong những năm qua, TP Hà Nội đã tổ chức kết nối cung - cầu hàng hóa giữa hàng nghìn doanh nghiệp (DN) phân phối với các HTX, hộ sản xuất, qua đó chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được đầu vào và đầu ra. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến nay trên địa bàn TP có 1.868 trang trại, 907 HTX nông nghiệp, trong đó có 863 HTX dịch vụ nông nghiệp… Đáng chú ý, Hà Nội đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất chất lượng, tập trung như 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; hình thành 76 xã chăn nuôi trọng điểm và khoảng 4.000 trang trại quy mô hớn ngoài khu dân cư; 26 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Nhờ hoạt động kết nối cung cầu, các sản phẩm được sản xuất ổn định theo nhu cầu thị trường nên giữ giá ổn định, giúp mang lại nguồn lợi đáng kể cho người nông dân. Một số nông sản đã vào được các kênh phân phối hiện đại, được liên kết, đưa vào các siêu thị, chuỗi thực phẩm của các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị lớn của thành phố.

Vùng trồng rau sạch Vân Nội

Sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan dù hoạt động kết nối cung cầu đã được thực hiện tương đối mạnh nhưng đến nay, việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đăc biệt, vấn đề tích tụ đất vẫn chưa giải quyết được để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi; chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ… dẫn đến tỷ lệ sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ truy xuất nguồn gốc còn thấp, chỉ đạt 30%.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng về nông sản an toàn. Đa số các hộ nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp ngay cho thương lái mà chưa quan tâm đến việc thị trường đang cần gì và làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững nên chưa có nhiều mặt hàng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các kênh phân phối hiện đại, giá cả phụ thuộc vào thương lái…

Để có thể hình thành chuỗi sản xuất an toàn, giúp tiêu thụ nông sản bền vững, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng giả về các sản phẩm đầu vào vật tư của nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố, tạo địa điểm cố định giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.

Thành phố sẽ ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách cho các dự án, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quan tâm tạo điều kiện cho các DN lớn tham gia đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng chợ đầu mối nông sản phẩm an toàn, từng bước hình thành chợ đấu giá, phân phối hàng hóa nông sản tại Hà Nội.

Thành phố cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, sàn giao dịch thương mại điện tử… cho sản phẩm. Thí điểm ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử trong quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống bằng tem điện tử mã QRcode.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu khẳng định: “Thành phố sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa 6 nhà: nhà nông – nhà nước – nhà khoa học –doanh nghiệp – ngân hang – nhà phân phối; chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để làm cơ sở giúp các nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh nghiên cứu, sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường và chủ động tìm đầu ra cho nông sản.

Thu Hương