Khám “sức khỏe” cho thương hiệu HANOSIMEX ở tuổi 30

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tổng Công ty Cp Dệt May Hà Nội (HANOSIMEX) được tổ chức vào ngày 22/11/2014 tại KCN Đồng Văn, Hà Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: Đây là một dịp

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Cần phải đánh giá lại "sức khỏe" cho thương hiệu HANOSIMEX để đẩy mạnh phát triển

Một thời hào hùng của HANOSIMEX

Ra đời ngày 21/11/1984, từ một nhà máy sợi với 2 phân xưởng sản xuất chính có quy mô 10 vạn cọc trên địa bàn Hà Nội với số công nhân 1.732 người đã trở thành một Tổng công ty với 8 công ty trong hệ thống và 3 chi nhánh: Bắc Ninh, Đồng Văn, Nam Đàn, nâng tổng số cán bộ công nhân viên 4.633 người, hoạt động các ngành nghề, Sợi, Dệt, May, Thời trang và dịch vụ trải dài trên các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nhớ lại quá khứ tự hào về HANOSIMEX, ông Mai Hoàng Ân, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dệt May Việt Nam nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng: Thời kỳ Hanosimex còn đóng tại Hà Nội, công nhân được làm việc ở đây là một vinh dự lớn. Các thế hệ CB CNV–LĐ của HANOSIMEX đều mang trong người sự nhiệt huyết để đồng tâm đồng lòng, thả hồn mình vào trong từng sản phẩm sợi, từng đường may. Với sự đồng lòng và “máu lửa” đó đã xây dựng thành công một thương hiệu HANOSIMEX cả trong và ngoài nước. Ông còn chia sẻ thêm, những năm từ 1995 - 2004, lương công nhân của HANOSIMEX, trừ chi tiêu cũng “rủng rỉnh” sắm được cả chỉ vàng.

Câu lạc bộ hưu trí Hanosimex đã dành trọn vẹn một ngày để tề tựu đông đủ, cùng ôn lại kỷ niệm hào hùng về HANOSIMEX

HANOSIMEX là một trong 10 doanh nghiệp nòng cốt của Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Thương hiệu HANOSIMEX đã từng lọt trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam VNR500, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao, đặc biệt là 2 dòng sản phẩm chủ lực là sợi và may dệt kim đã ghi danh trên thị trường quốc tế ngay từ những năm 1990, với số vốn Nhà nước giao khi đó là 161 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt hơn 700 tỷ đồng. Mỗi thế hệ CBCNV-LĐ của Tổng công ty Cp Dệt May Hà Nội đều tự hào “rưng rưng” xúc động về một kỷ niệm đẹp đã qua một thời khi “thủ phủ” HANOSIMEX còn được đặt tại Hà Nội. Đến hôm nay, sau 30 năm thành lập (1984 – 2014) và hơn 3 năm “dời đô” về các tỉnh (từ 2011 – 2014), HANOSIMEX đã vượt qua muôn vàn khó khăn và đang dần ổn định sản xuất, đã khôi phục được 80% năng lực kéo sợi và phân nửa năng lực may.

Ghi nhận những cống hiến của tập thể lãnh đạo và người lao động HANOSIMEX, Đảng - Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: tập thể Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, các huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Bằng khen, cờ thi đua của Thủ tướng chính phủ, các Bộ, Ngành TW và UBND thành phố Hà Nội. Nhiều cá nhân CBCNV của Tổng công ty được trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì, Ba; danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn quốc; Bằng khen của Chính phủ… và đặc biệt là nữ công nhân đứng máy sợi con Trần Thị Kim Oanh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tổng công ty.

Thời khắc khó khăn nhất đã vượt qua

Tổng Giám đốc Hanosimex Nguyễn Song Hải: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị tài chính, thị trường, nguồn nhân lực xuyên suốt từ Tổng Công ty đến các đơn vị thành viên để tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất Sợi - Dệt - May.

Nói về những khó khăn mà HANOSIMEX phải đối mặt trong công tác di dời Nhà máy, ông Nguyễn Song Hải - Tổng Giám đốc HANOSIMEX cho biết: Đơn vị phải di dời trong điều kiện thời gian gấp rút trong 6 tháng từ tháng 3-9/2014, để giải phóng mặt bằng hơn 14ha khu vực Mai Động cho đối tác xây dựng Dự án Khu đô thị Times City Hà nội. Chính vì thế, HANOSIMEX đã không tránh khỏi những tổn thất lo lớn cả về nhân lực và vật lực. Trong đó tổn thất lớn nhất phải kể đến là chi phí thêm phát sinh, đội ngũ cán, công nhân lành nghề phải nghỉ chế độ hỗ trợ di dời theo Quyết định 86 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà máy bị gián đoạn sản xuất, sản lượng bị giảm và mất thị trường tiềm năng… Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn “kép” thì thuận lợi cho HANOSIMEX vẫn còn nhiều cơ hội đó là giá trị thương hiệu HANOSIMEX. Các sản phẩm mang nhãn hiệu “Made in Việt Nam, by HANOSIMEX” đã có mặt trên khắp các lục địa. Đây là một giá trị thương hiệu không dễ gì một sớm, một chiều mà doanh nghiệp có thể xây dựng được.
Mặc dù phải đối mặt với khó khăn thách thức khi thực hiện "dời đô" , nhưng giá trị thương hiệu HANOSIMEX vẫn luôn ủng hộ cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc tại đại gia đình Hanosimex.

Tất cả các thiết bị sau khi di dời đã được lắp đặt và vận hành tốt tại Tổng Công ty CP may Đông Mỹ, Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, Nhà máy Sợi Bắc Ninh, Nhà máy may Đồng Văn, Nhà máy sợi Đồng Văn,…

Để giữ vững Thương hiệu HANOSIMEX trong quá trình di dời, đầu tư, Bộ Công Thương đã quyết liệt chỉ đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (với tư cách cổ đông Nhà nước giữ cổ phần chi phối 57,57%) cùng với HANOSIMEX đưa ra những quyết sách quan trọng, đề cử các đại diện vốn mới có năng lực để Đại hội đồng cổ đông bầu thay thế hội đồng quản trị cũ và cử ra cơ quan điều hành mới giúp cho thương hiệu HANOSIMEX phục hồi và phát triển.

Những giải pháp mạnh trong thời gian tới được ban lãnh đạo điều hành HANOSIMEX đưa ra đó là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị tài chính, thị trường và đào tạo nguồn nhân lực phát huy hiệu quả của từng đơn vị thành viên tạo thành chuỗi cung ứng Sợi - Dệt - May đồng bộ.

Bên cạnh đó, cũng chấm dứt hoạt động và giải thể những đơn vị thành viên có vốn điều lệ nhỏ, hoạt động kém hiệu quả và không có hướng phát triển như: Công ty CP Cơ điện HANOSIMEX, Công ty CP Coffee Indochine, Công ty CP Sản xuất và thương mại Hà Châu, Công ty CP Thương mại Vinatex – HANOSIMEX, Công ty CP may Hải Phòng:

Đánh giá lại “sức khỏe” thương hiệu HANOSIMEX

Chia sẻ với những khó khăn của tập thể CBCN-LĐ HANOSIMEX đang phải đối mặt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: HANOSIMEX đã trải qua thời khắc khó khăn nhất, chưa từng có trong tiền lệ ngành dệt may, đó là thực hiện “dời đô” từ Hà Nội về các tỉnh trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu trong thời khắc khó khăn đó, chúng ta không có kế hoạch quản lý, sắp xếp khoa học về công tác di dời, đầu tư mới và tái cấu trúc sản xuất thì rất có thể Thương hiệu HANOSIMEX sẽ bị “mất tiêu”. Nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương cùng với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, HANOSIMEX đã đưa ra được chính sách phát triển phù hợp, sau khi di dời các đơn vị thành viên đã dần khôi phục và phát triển.

Đồng sức, đồng lòng cùng đoàn kết xây dựng thương hiệu HANOSIMEX ngày càng mạnh hơn

Thứ trưởng còn cho rằng, Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập HANOSIMEX được xem như là một ngày ý nghĩa để tập thể CBCN–LĐ cùng ngồi lại “khám sức khỏe” sức sống của thương hiệu HANOSIMEX, trên cơ sở đó đưa ra những chính sách nghiên cứu bài bản về thị trường, tìm ra những mặt hàng chủ lực, có thế mạnh làm mới thương hiệu phát triển mạnh hơn.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, cần chú ý phát triển mạnh thị trường nội địa. Thứ trưởng cũng yêu cầu tập thể CBCN-LĐ HANOSIMEX hãy đồng tâm hiệp sức để đưa thương hiệu HANOSIMEX phát triển rực rỡ hơn nữa, đáp ứng lòng mong mỏi của các thế hệ CBCN-LĐ của đơn vị qua các thời kỳ.