Khi chuỗi giá trị đã trở thành xu thế tất yếu

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch HĐTV của Dofico chia sẻ những lo lắng, khó khăn của một nhà quản lý doanh nghiệp trong xu thế kết nối theo chuỗi giá trị đã trở thành xu thế tất yếu.

Hiện nay, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng đang điều hành Dofico - một Tổ hợp mẹ - con, gồm 30 thành viên với doanh thu khoảng 1,2 tỷ USD/năm, gần 10.000 người lao động và kết quả kinh doanh của Dofico trong 5 năm liền là khá tốt và ổn định, nộp thuế cho Nhà nước khoảng 80 triệu USD/năm dù ngành công nghiệp chế biến và nông nghiệp ở Việt Nam đang có nhiều khó khăn cũng như các nước khác trong khu vực.

Tuy Dofico hiện tại đang có những thành công nhất định cũng đáng tự hào, nhưng bà Hồng cho rằng,  về tương lai có thể gần hoặc xa thì sự phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Dofico đã và đang sử dụng sự kết nối chỉ dừng lại ở chuỗi cung ứng toàn cầu trong thương mại, nghĩa là Dofico có nhiều nguyên liệu đầu vào đang được mua ở các nước khác, như: nông sản, nguyên phụ liệu có giá trị nhập khẩu khoảng 200 triệu USD; và Dofico cũng có những mặt hàng xuất khẩu đi nhiều nước là thành phẩm trong sản xuất công nghiệp chế biến. Nhưng tất cả sự trao đổi này chỉ là mối quan hệ thương mại thuận mua vừa bán; và một thực tế hiện nay đang diễn ra là các doanh nghiệp và các hộ nông dân tại Việt Nam (những người cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp) luôn ở trong tình trạng được mùa – mất giá, được giá – mất mùa. Cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều rất bấp bênh và rủi ro trong canh bạc thị trường.

Với doanh nghiệp, sự rủi ro sẽ đưa đến phá sản nếu đầu tư sai trong một thị trường đầu vào – đầu ra đầy biến động. Với nông dân, sự rủi ro theo mùa vụ liên tục làm cho họ luôn nghe ngóng, bị động thay đổi liên tục cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nên họ không dám đầu tư mạnh dạn vào công nghệ ngoài nguyên nhân vốn liếng ít; vì vậy năng suất cây trồng vật nuôi thường thấp hơn các nước phát triển. Và nếu như nguồn nhập khẩu đến từ các nước khác thì một doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ lại càng bị động vì phải qua rất nhiều cầu trung gian quốc tế và nội địa; giá cả đội lên từ chi phí chiếm một tỉ lệ là không nhỏ, từ đó tạo ra những sản phẩm có giá thành không cạnh tranh dù chi phí lao động có rẻ hơn tại Việt Nam. Khó khăn hơn nữa là thiếu thông tin để tránh các rủi ro, nhất là khi bị các yếu tố đầu cơ quốc tế chi phối giá cả với nhiều hình thức. Do đó, quan hệ liên kết kinh tế để được phối hợp, hợp tác, các hoạt động SXKD để cùng nhau chia sẻ tổ chức thực hiện các chủ trương và biện pháp có liên quan đến công việc SXKD của các bên nhằm thúc đẩy SXKD phát triển ổn định theo hướng có lợi nhất cho các bên đã là một xu thế tất yếu của các quốc gia phát triển hoặc đang phát triển. Và xu thế liên kết vừa là một cơ chế kinh tế, một hình thức tổ chức sản xuất, một thể chế kinh tế, một quá trình kinh tế. Do đó, hiện nay quan hệ liên kết được thực hiện tùy trình độ tổ chức sản xuất và quan hệ sản xuất mà nó phát triển ở trong một tổ hợp kinh tế, một địa phương, một quốc gia, hay ở khu vực và toàn cầu.

Bà Hồng tin rằng, xu thế này với nhiều cấp độ khác nhau, hoặc là từ các tập đoàn đa quốc gia, hoặc từ các tổ hợp kinh tế khu vực, địa phương; tùy vào người điều hành chuỗi liên kết là ai sẽ là con đường tất yếu phải đi để kinh tế toàn cầu thực hiện chuỗi giá trị trong những sự phân công ngày càng hợp lý hơn và có lợi nhất cho các đối tác.

Và từ thực tế của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, dù muốn hay không cũng phải chọn lựa sự hòa nhập và tiếp nhận một cách trực tiếp hoặc gián tiếp sự phân công vô hình này bằng cách riêng của mình để tự bảo vệ mình, phát triển và tránh bị tổn thương hoặc hoặc nếu có thì bị tổn thương nhẹ nhất.

Đối với những doanh nghiệp Việt Nam, là những doanh nghiệp có quy mô tài chính và thương hiệu chưa lớn, đa phần là nhỏ và không được sự chuẩn bị để kết nối, trong đó thiếu cả sự chuẩn bị về chiến lược kinh tế của quốc gia, với các chính sách vĩ mô và vi mô thì con đường liên kết này sẽ không dễ dàng, không thuận lợi vì nhiều lý do khác nhau như lợi ích từng đơn vị đôi khi mâu thuẫn với lợi ích chuỗi giá trị; không có đơn vị đủ năng lực về quy mô, về tài chính, về chiến lược điều hành chuỗi giá trị trong từng giai đoạn, vì đôi lúc phải hy sinh lợi ích trước mắt để phát triển bền vững hơn.

Ngoài các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến tổ chức liên kết kinh tế như trình độ phát triển của thị trường, nhu cầu và sự biến động của thị trường; như sự quản lý của Nhà nước để hoạch định những chính sách thích hợp và trong điều kiện mở rộng thị trường toàn cầu hoặc khu vực thì những hiệp định khu vực sẽ tạo ra những động lực định hướng; như vai trò của các tổ chức xã hội như hợp tác xã, hội ngành nghề…thì những nhân tố bên trong là rất quan trọng như đặc điểm của doanh nghiệp, đặc điểm của địa phương về nguyên liệu, lao động….

Rõ ràng vấn đề liên kết toàn cầu không biên giới đối với doanh nghiệp do phụ nữ quản lý là con đường tất yếu phải đi và để có thể đi thì thực sự cần thiết có sự hỗ trợ của những tổ chức như Mạng nữ doanh nhân ASEAN và cần thêm nhiều diễn đàn khác nữa. Nó sẽ góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn, trước hết về thông tin và góp sức cùng nhau tạo nên những đề xuất để qua thực tế định hướng cho các cơ quan quản lý Nhà nước ở các quốc gia trong khu vực sớm hình thành và thúc đẩy con đường đi đến một thị trường toàn cầu được phân công một cách hợp lý và tương đối công bằng giữa các thành phần kinh tế trong các quốc gia. Do đó, bà Hồng hoàn toàn ủng hộ việc thành lập Mạng nữ doanh nhân ASEAN. Bởi vì, với những con tàu doanh nghiệp do phụ nữ quản lý khi ra khơi trong các cơn sóng gió thị trường không phải chỉ cần có la bàn định hướng mà còn phải có hệ thống định vị toàn cầu. Và bà Hồng tin những con tàu do thuyền trưởng là phụ nữ khi đã quyết định ra khơi thì thường sẽ đến bờ bến an toàn.


Lê Hoa