“Khơi thông” dòng hàng Việt vào siêu thị

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hội nghị đối tác phát triển hàng Việt Nam cho rằng để đưa được hàng hóa lên kệ trong siêu thị còn gặp nhiều khó khăn.

Mất nhiều thời gian và chi phí

Thực tế trong thời gian qua, chúng ta cũng nhận thấy nhiều chương trình hợp tác, liên kết đã đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, tiêu thụ nông sản, hàng hóa, đặc sản địa phương, cũng như sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thị trường nội địa.

Tuy nhiên, theo bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện tại, không chỉ riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà các doanh nghiệp lớn trong ngành Hội Lương thực Thực phẩm hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc liên kết phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp trong nước gần như không thể chào hàng các sản phẩm mới cho siêu thị khi mức chiết khấu vẫn còn khá cao (15%-25%). Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đẩy giá thành cao hơn so với bên ngoài 15%-30% mới đảm bảo lợi nhuận.

Bà Chi cho biết thêm, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành Hội Lương thực Thực phẩm chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên rất hạn chế về quy mô, vốn và công nghệ. Do đó, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận kênh phân phối thị trường bán lẻ. Mọi doanh nghiệp khi làm ra sản phẩm đều muốn đưa hàng hóa đến nhiều kênh phân phối, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng để tăng doanh số. Thế nhưng để đưa được hàng vào siêu thị và trụ lại trong siêu thị còn rất gian nan.

Ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn siêu thị là kênh mua sắmNgày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn siêu thị là kênh mua sắm

Một số doanh nghiệp tham dự Hội nghị đối tác phát triển hàng Việt Nam nêu khó khăn: Muốn đưa hàng vào siêu thị phải mất thời gian dài liên hệ; sau đó siêu thị nhiều lần đến cơ sở kiểm tra sản phẩm có đạt tiêu chuẩn mới đồng ý nhận hàng; quy trình kiểm tra nghiêm ngặt là hoàn toàn hợp lý nhưng thời gian một năm là quá lâu; khi đưa hàng vào được siêu thị thì khó khăn bắt đầu nảy sinh, đó là thời gian thanh toán quá lâu, việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì thiếu vốn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thực chất việc đưa hàng vào siêu thị là sân chơi của các doanh nghiệp lớn. Điểm yếu của các doanh vừa và nhỏ khi đưa hàng vào siêu thị không phải ở mẫu mã, bao bì, giá bán… mà chính là tiềm lực tài chính không đủ để quay vòng nguồn hàng (nợ gối đầu).

Hỗ trợ doanh nghiệp

Trước những khó khăn về nguồn vốn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí “li ti”, phát biểu tại Hội nghị đối tác phát triển hàng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc Quản lý tiền mặt và Tài trợ thương mại - Ngân hàng Phát triển TP. Chí Minh HDBank cho hay về chính sách của HDBank: “Khi doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa vào siêu thị thì cứ mang hồ sơ đến HDBank sẽ được hỗ trợ ngay”.

Theo ông Nhật, HDBank luôn mong muốn hỗ trợ các giải pháp tài chính tối ưu cho các doanh nghiệp là nhà cung cấp, nhà phân phối của ngành hàng tiêu dùng nhanh của các công ty đầu mối, tập đoàn trên toàn quốc, đặc biệt các công ty đầu mối có liên kết với Hbank. Thông qua các giải pháp tài chính toàn diện cho các chuỗi cung ứng, HDBank giúp các đối tác trong chuỗi, từ nhà cung cấp, công ty đầu mối đến nhà phân phối “đến gần với nhau hơn”.

Nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết tại Hội nghị đối tác phát triển hàng Việt.Nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết tại Hội nghị đối tác phát triển hàng Việt.

Từ đó, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, HDBank không chỉ hỗ trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp này mà còn cung cấp các gói tài trợ trung dài hạn để phục vụ cho mục đích đầu tư cơ bản, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, phục vụ cho việc sản xuất và kinh doanh ổn định, lâu dài, ông Nhật khẳng định.

Về vấn đề khó khăn khi đưa hàng hóa vào siêu thị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có thương hiệu trên thị trường, các nhà phân phối lớn cũng đã đưa ra lời khuyên.

Khi doanh nghiệp muốn đưa hàng vào bán tại siêu thị cần nghiên cứu thị trường; tuân thủ chất lượng đăng ký từ đầu đến đi vào sản xuất kinh doanh, chất lượng phải đảm bảo; hình ảnh bao bì, nhãn mác đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường chưa, làm sao mẫu mã phải cạnh tranh được; các chính sách truyền thông, khuyến mãi, hậu mãi phải chuẩn bị kỹ càng. (Chính việc này giúp người tiêu dùng hiểu tốt hơn sản phẩm); Người chào hàng vào siêu thị phải hiểu rõ sản phẩm để giải trình về chất lượng và tính pháp lý của sản phẩm; đưa sản phẩm ra thị trường cần kiểm tra kỹ lưỡng...

Đồng thời, đối với các sản phẩm nông nghiệp, các hộ nông dân cần biết các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiến tới nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói phải tốt... Điều này sẽ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam./.

Vũ Lê