Kinh tế 8 tháng tăng trưởng tích cực

Đã đi được 2/3 chặng đường của năm 2018, dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đến từ cả trong và ngoài nước, nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam 8 tháng vẫn tăng trưởng tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn địn

Triển vọng đạt và vượt 12 chỉ tiêu

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra mới đây, người phát ngôn của Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đánh giá kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, tình hình tháng 8 tốt hơn tháng 7, với những điểm nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát: CPI tháng 8-2018 tăng nhẹ (0,45%) so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra.

Các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017.

Giải ngân vốn đầu tư phát triển được cải thiện rõ nét, 8 tháng ước bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ 2017 đạt 38,4% dự toán). Niềm tin của nhà đầu tư ngoại với nền kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định trong bối cảnh có những biến động của tình hình thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2018. Thủ tướng cho biết, khả năng 12/12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao có thể đạt được và vượt kết hoạch đề ra

Tính đến 20/8/2018, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 24,35 tỷ USD, số vốn FDI giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Có hơn 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%. Theo Chính phủ, tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5-7%).

Trên cơ sở kết quả thực hiện 8 tháng đầu năm, đánh giá bước đầu về tình hình cả năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài chính và các chính sách vĩ mô đã giúp giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo được động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, nhờ những nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ, việc cải thiện môi trường kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ rệt, tăng trưởng GDP vẫn duy trì được đà tăng khá qua các quý mặc dù năm 2017 đã tăng ấn tượng. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện tích cực so với năm 2017. Cơ cấu kinh tế đã có một số chuyển biến rõ nét…

Từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng cho biết, khả năng cả 12/12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt.

Không chủ quan với lạm phát

Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý đó là xu hướng tăng dần đều của CPI, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra khá lo ngại về mức CPI năm 2018 mà Quốc hội đã đề ra (4%) sẽ khó đạt được, nhất là trong tình hình thương mại quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp.

CPI bình quân có dấu hiệu tăng mạnh trong các tháng

Cụ thể, CPI tháng 8 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 3,98% so cùng kỳ năm trước; tăng 2,59% so với tháng 12 năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2018, CPI bình quân biến động theo hướng tăng dần qua các tháng từ mức 2,65% (tháng 1) tiến dần đến mức 3,01% (bình quân 5 tháng) và tăng với tốc độ nhanh hơn trong 2 tháng tiếp theo lên mức 3,45% (bình quân 7 tháng).

Mức tăng CPI bình quân có dấu hiệu tăng mạnh trong các tháng chủ yếu do mặt bằng giá của tháng 5, tháng 6, tháng 7 năm 2017 ở mức thấp trong khi mặt bằng giá các tháng 5,6,7 năm 2018 ở mức cao hoặc chỉ giảm nhẹ.

Sang tháng 8/2018, tuy CPI so với tháng trước có mức tăng khá cao (0,45%) nhưng do mặt bằng giá tháng 8-2017 cũng ở mức rất cao (tăng 0,92%) nên CPI bình quân không tăng đột biến, chỉ ở mức 3,52%.

Tuy vậy, nhìn chung lạm phát 8 tháng đầu năm diễn biến vẫn theo dự báo và nằm trong kịch bản của Bộ Tài chính báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá. Căn cứ diễn biến CPI 8 tháng đầu năm, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tính toán, để có thể hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 4% như Quốc hội giao, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng cuối năm cần được kiểm soát ở mức tăng tối đa 0,79% bình quân mỗi tháng (so với tháng trước).

Trong 4 tháng cuối năm 2018, các yếu tố chủ yếu tác động đến mặt bằng giá có thể kể đến như: Giá thực phẩm vẫn có thể tiếp tục tăng, tuy nhiên có thể đánh giá mức tăng sẽ không lớn như những tháng vừa qua; giá xăng dầu, nhiên liệu đốt (LPG) vẫn có thể có những diễn biến khó lường và thường có xu hướng tăng vào mùa lạnh; giá dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng trong tháng 9; giá các mặt hàng vật liệu xây dựng thường có xu hướng tăng vào mùa xây dựng cuối năm; tình hình thiên tai, bão lũ có thể diễn biến bất thường tác động cục bộ đến mặt bằng giá tại một số địa phương...

Dù nhận định việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2018 vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ, song công tác quản lý, điều hành giá vẫn cần hết sức thận trọng trước các diễn biến từ quốc tế như căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và tình hình thị trường tài chính – tiền tệ thế giới (Fed tăng lãi suất, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ)… Cục Quản lý giá dự báo CPI cả năm 2018 tăng trong khoảng 3,73%-3,95%.

Tín dụng tăng trưởng ở mức 8,18%

Theo công bố mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tín dụng trong tháng 8 chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới, tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt các chính sách, đã giữ được sự ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý, ở mức 8,18%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây: Nhiều ý kiến lo ngại tín dụng không đạt chỉ tiêu vì chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2018 nhưng mức 8,18% hiện nay mới chỉ được 50% so với chỉ tiêu 17% cả năm. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với tính toán hiện nay thì 17% có thể là một chỉ tiêu phù hợp để vừa đạt được tăng trưởng cũng như đảm bảo kiểm soát lạm phát, song có thể thấp hơn hoặc cao hơn tùy theo nhu cầu thực tế của nền kinh tế, nhưng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đặc biệt với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi, đều đã có kế hoạch và các ngân hàng thương mại luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moodys đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý III và năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu, từ tiến trình xúc tiến đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Moodys dự báo Việt Nam nhiều khả năng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,4% trong giai đoạn 2018 - 2022, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình 3,5% của một quốc gia được xếp hạng tín nhiệm Ba3 (như Việt Nam hiện nay). Mức tăng trưởng này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ sức cạnh tranh gia tăng, các dòng chảy thương mại mạnh mẽ và tiêu dùng tăng mạnh của Việt Nam.


Hạ Vũ