Kinh tế Việt Nam gặp những thách thức nào trong 3 tháng cuối năm

Những tháng cuối năm, nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối đồi với những thách thức: lạm phát, căng thẳng thương mại toàn cầu và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất cơ bản đồng USD.

Công nghiệp, nông nghiệp là điểm sáng. Dịch vụ tăng trưởng ấn tượng

Trong buổi họp báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam năm 2018, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, tăng trưởng kinh tế đạt được trên tất cả các lĩnh vực, với động lực là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt và đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, theo đánh giá cập nhật của ADB, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,1% trong nửa đầu năm 2018, so với mức 5,8% cùng kỳ năm 2017. Về phía cầu, thu nhập tăng đã nâng mức tăng trưởng tiêu dùng tư nhân lên 7,2% so với 7,0% của năm trước.

Trong đó, đầu tư tư nhân vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng cao và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh (FDI). Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,7% trong sáu tháng đầu năm so với 14,4% của năm trước. Tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu, tiêu dùng tư nhân trong nước và đầu tư bù đắp sự sụt giảm trong tiêu dùng của chính phủ và đầu tư công do các chính sách củng cố tài khóa.

Đặc biệt, báo cáo của ADB cũng chỉ rằng, hầu hết các ngành kinh tế trọng yếu tiếp tục đạt kết quả vững chắc. Sản lượng nông nghiệp và các ngành kinh tế liên quan tăng trưởng 3,9% trong sáu tháng đầu năm nay, so với 2,7% trong nửa đầu năm 2017. Nhờ thời tiết thuận lợi và nhu cầu xuất khẩu mạnh, sản lượng nông nghiệp tăng 3,3%, so với mức tăng 2,1% của sáu tháng đầu năm 2017, đồng thời lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng vững.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, Kinh tế Việt Nam tăng trưởng toàn diện trong thời gian qua. Trong đó công nghiệp, nông nghiệp là những điểm sáng, dịch vụ cũng tăng trưởng ấn tượngChuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng toàn diện. Trong đó công nghiệp, nông nghiệp là những điểm sáng, dịch vụ cũng tăng trưởng ấn tượng

Sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 9,3%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13% do sự tăng trưởng ấn tượng trong các ngành xuất khẩu như viễn thông, điện tử và dệt may.

Tăng trưởng mạnh của công nghiệp chế biến chế tạo bù đắp mức tăng trưởng chậm lại của ngành xây dựng, từ 8,5% nửa đầu năm ngoái xuống còn 7,9% trong năm nay do tác động của các biện pháp hạn chế cho vay của ngân hàng với bất động sản.

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách du lịch quốc tế, lĩnh vực dịch vụ tăng gần 7% trong nửa đầu năm 2018, tương đương tốc độ tăng trong 6 tháng đầu năm ngoái. Với số lượt khách du lịch tăng 27,2% trong sáu tháng đầu năm, các ngành khách sạn và nhà hàng, giao thông vận tải và thông tin liên lạc, bán buôn và bán lẻ đều tiếp tục tăng trưởng vững chắc.

Với những thành tựu kinh tế kể trên, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam đánh giá: “Kinh tế Việt Nam tăng trưởng toàn diện trong thời gian qua. Trong đó công nghiệp, nông nghiệp là những điểm sáng, dịch vụ cũng tăng trưởng ấn tượng”.

3 thách thức lớn nhất với kinh tế Việt Nam

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng đồng đều của các ngành kinh tế, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2018 cũng nhấn mạnh về một số rủi ro mà kinh tế Việt Nam đang đối đầu như: lạm phát, căng thẳng thương mại toàn cầu và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất cơ bản đồng USD.

Theo tính toán và công bố của ADB, nửa đầu năm 2018, lạm phát tại Việt Nam trung bình 3,3%, trong đó lạm phát cơ bản trung bình 1,35%. Nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng chính là việc giá dầu và giá lương thực thế giới tăng cao tác động đến giá cả trong nước. Ngoài ra phải kể đến việc tỷ giá cũng gây áp lực lên lạm phát.

Bên cạnh đó, giá dầu đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn rủi ro đẩy cao lạm phát, chính vì vậy cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, Giám đốc ADB lưu ý.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của ADB dự báo, trong những tháng cuối năm, Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức lớn: lạm phát, căng thẳng thương mại toàn cầu và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất cơ bản đồng USDCác chuyên gia kinh tế hàng đầu của ADB dự báo, trong những tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức: lạm phát, căng thẳng thương mại toàn cầu và việc lãi suất cơ bản đồng USD được nâng cao

Báo của của ADB cũng chỉ ra, căng thẳng thương mại toàn cầu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hiện tại vô cùng khó để lượng hoá được tác động của căng thẳng thương mại toàn cầu lên kinh tế Việt Nam, vì vậy cần theo dõi chặt chẽ diễn biến.

Khi mà căng thẳng thương mại tăng cao, có khả năng một số nhà sản xuất Trung Quốc sẽ chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, vì vậy cần có chính sách để ứng phó, ADB khuyến nghị.

Ngoài ra chiến tranh thương mại ngày một tồi tệ hơn, tổng cầu thương mại thế giới giảm, thương mại Việt Nam vốn có tỷ trọng đóng góp cực cao vào nền kinh tế, chắc chắn sẽ phải chịu tác động. Trên phương diện đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể sẽ cân nhắc lại chiến lược đầu tư của họ vào Việt Nam.

ADB đồng thời cũng khuyến nghị Việt Nam cẩn trọng với khả năng Mỹ sẽ áp thuế đối kháng với hàng Trung Quốc chuyển qua Việt Nam rồi sang Mỹ để tránh thuế.

Cuối cùng, là rủi ro đối với tỷ giá tiền Đồng Việt Nam khi mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cũng không hề nhỏ. Nửa đầu năm 2018, tiền đồng Việt Nam biến động ổn định, biến động trong ngưỡng 1% theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong khi đồng nội tệ của nhiều nước trong khu vực mất giá sâu, đây có thể coi như thành công chính sách của Việt Nam, ADB đánh giá.

Trong thời gian tới khi Fed điều chỉnh lãi suất đồng đôla, Việt Nam cần có đối sách phù hợp để cân đối. Tiền Đồng Việt Nam neo tỷ giá vào đồng đô la Mỹ, nếu Việt Nam không điều chỉnh tỷ giá thì Việt Nam sẽ mất đi lợi thế trong bối cảnh Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ.

Với tất cả những lý do trên, ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,9% trong năm 2018 và 6,8% trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng trên so ra vẫn là rất cao so với toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Hồng Hà