Kỳ họp lần thứ bảy Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật Việt Nam – In-đô-nê-xi-a

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thống nhất với phía In-đô-nê-xi-a, Kỳ họp lần thứ bảy Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật Việt Nam – In-đô-nê-xi-a đã được tổ chức

Đoàn Phân ban Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu, bao gồm đại diện các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan như Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; và một số doanh nghiệp liên quan khác.

Đoàn Phân ban In-đô-nê-xi-a bao gồm đại diện các Bộ: Thương mại; Tài chính; Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Thương mại In-đô-nê-xi-a Enggartiasto Lukita dẫn đầu. Đoàn đại biểu In-đô-nê-xi-a còn có sự tham gia của Ngài Ibnu Hadi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam.

Kỳ họp lần thứ bảy Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước được tổ chức trong bối cảnh quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – In-đô-nê-xi-a đang có những bước phát triển tốt đẹp. Tại Kỳ họp, trong không khí hữu nghị, thân thiện và hiểu biết lẫn nhau, hai Bên đã trao đổi, thảo luận và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực: thương mại, công nghiệp, năng lượng, tài nguyên khoáng sản, đầu tư, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, xây dựng, giáo dục, văn hóa, du lịch, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, …

In-đô-nê-xi-a có nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới (theo thống kê của Ngân hàng Thế giới – World Bank) và cũng là thị trường lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn và có nhiều diễn biến phức tạp, trao đổi thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển đáng khích lệ. In-đô-nê-xi-a hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam trong ASEAN. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm. Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam - In-đô-nê-xi-a lần lượt đạt 2,6 tỷ USD và 3 tỷ USD.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, đầu tư, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải… cũng đã có nhiều bước phát triển mới. Đặc biệt, các cơ quan Chính phủ của hai nước đang tích cực nghiên cứu, đàm phán xây dựng các khung khổ hợp tác mới để tạo nền tảng vững chắc cho việc củng cố, hiện thực hóa các nội dung hợp tác đã được hai Bên nhất trí từ khi thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – In-đô-nê-xi-a vào tháng 6/2013.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a, hai Bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển, nghiên cứu xây dựng các khuôn khổ hợp tác mới trên các nhiều lĩnh vực. Hai Bên cũng đã trao đổi và nhất trí cần hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quan hệ giữa hai nước. Hai Bên cũng đã trao đổi thực chất và nhất trí cùng khuyến khích, thúc đẩy kết nối thành phần kinh tế tư nhân của hai nước để phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a.

Chiều ngày 12 tháng 8 năm 2017, kết thúc Phiên họp toàn thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại In-đô-nê-xi-a Enggartiasto Lukita, thay mặt Chính phủ In-đô-nê-xi-a, đã ký Biên bản Kỳ họp lần thứ bảy Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học, Kỹ thuật giữa hai nước.

Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a đã diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần vào việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước./.