Kỹ sư Nguyễn Mai Anh: Luôn giữ lửa cống hiến

Đang công tác tại Phòng Phát triển mỏ thuộc Ban Phát triển khai thác (PTKT) của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), kỹ sư chính khai thác Nguyễn Mai Anh tham gia điều hành mỏ Sông Đốc tại L

Anh là một trong ba gương mặt dầu khí tiêu biểu năm 2014 của PVEP được Công đoàn Dầu khí Việt Nam tuyên dương.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã gặp kỹ sư Nguyễn Mai Anh trong những ngày đầu tháng 7 tại TP Hồ Chí Minh.

PV: Anh từng trải qua những công việc gì ở Vietsovpetro trước khi có bước chuyển công tác về PVEP?

Kỹ sư Nguyễn Mai Anh: Tính đến nay, tôi đã công tác trong ngành Dầu khí hơn 20 năm. Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro là nơi tôi bắt đầu làm quen và trưởng thành trong ngành Dầu khí cho đến khi chuyển công tác về PVEP vào năm 2013. Thời gian công tác tại Vietsovpetro tôi đã tham gia vận hành trên các giàn cố định MSP, giàn ép vỉa WIP - 40, tham gia giám sát lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu thiết bị trong các dự án (commissioning) các giàn nhẹ WHP trong vùng mỏ Bạch Hổ và Rồng. Đặc biệt, tôi có may mắn được tham gia Dự án commissioning và vận hành tàu FPSO Armada TGT1. Đây là tàu FPSO của chủ đầu tư BUMI ARMADA BERHAD, đặt tại mỏ Tê Giác Trắng - Hoàng Long JOC, được vận hành và bảo trì bởi đội ngũ nhân lực Vietsovpetro.

Từng là Trưởng nhóm Điện và Tự động hóa (E&I), sau đó là đại diện của Vietsovpetro tham gia điều hành các hoạt động vận hành và bảo trì tàu FPSO, 4 giàn đầu giếng (bao gồm H1, H4 của Hoàng Long JOC và Hải Sư Trắng, Hải Sư Đen của Thăng Long JOC) tôi đã học hỏi được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ dự án này. Đây cũng là nền tảng hết sức hữu ích cho tôi khi tham gia nhận chuyển giao và điều hành Dự án Sông Đốc của PVEP.

PV: Anh đã tích lũy được gì cho Sông Đốc?

Kỹ sư Nguyễn Mai Anh: Với thời gian nhiều năm vận hành trực tiếp tại các công trình biển, tham gia commissioning các dự án mới của Vietsovpetro tôi đã tích lũy được rất nhiều kinh ngiệm vận hành các dự án dầu khí. Thời gian tham gia dự án FPSO Armada TGT1 cũng giúp tôi rất nhiều khi tham gia Dự án Sông Đốc. Dự án Sông Đốc có nhiều điểm tương tự như Dự án FPSO Armada TGT1, cùng sử dụng FPSO và các giàn đầu giếng WHP trong hoạt động khai thác, chủ tàu FPSO MV19 tại mỏ Sông Đốc cũng là một công ty nước ngoài (Modec Inc - Nhật Bản)... Vì vậy tôi mất ít thời gian làm quen và nắm bắt các công việc khi tham gia nhận bàn giao và điều hành dự án.

Kỹ sư Nguyễn Mai Anh (thứ hai, bìa trái) trên tàu FPSO Armada TGT1, kỷ niệm 1 triệu giờ lao động an toàn trên mỏ Tê Giác Trắng (28/9/2013)

PV: Bản thân anh đã phải nỗ lực như thế nào để đáp ứng những đòi hỏi của công việc tại PVEP, thưa anh?

Kỹ sư Nguyễn Mai Anh: Thực tế công việc tại văn phòng và công việc ngoài offshore có những khác biệt nhất định, đó là trở ngại đầu tiên đối với tôi. Ngoài ra, khi chuyển sang một công ty mới, nhiều quy định, chính sách, hệ thống... khác với Vietsovpetro đòi hỏi mình phải có thời gian để làm quen. Tuy nhiên, được sự tạo điều kiện của lãnh đạo Ban PTKT cũng như sự hướng dẫn, giúp đỡ của đồng nghiệp trong Ban PTKT và các ban liên quan, tôi đã từng bước hòa nhập và tiếp cận được với nhiệm vụ được giao. PVEP có rất nhiều ban chuyên môn với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ khi mình có nhu cầu học hỏi và tham khảo. Đó là điều tôi cho rằng thuận lợi khi nhận nhiệm vụ ở PVEP.

PV: Xin anh cho biết vai trò của Phòng Phát triển mỏ, Ban PTKT trong tổng công ty nói chung, Dự án Sông Đốc nói riêng?

Kỹ sư Nguyễn Mai Anh: Phòng Phát triển mỏ - Ban PTKT chi nhánh TP HCM có khoảng 10 người. Tuy nhiên, với vai trò là một trong những ban chính của TCT cho nên việc điều động các nhân sự tham gia các dự án khác nhau của Ban PTKT hết sức linh hoạt và không cố định. Do đó nhân sự trong ban nói chung và các phòng trong ban nói riêng có cơ hội được tham gia nhiều dự án và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Với vai trò là ban đầu mối của TCT trong điều hành Dự án Sông Đốc, tổ Sông Đốc của Ban PTKT có trách nhiệm trực tiếp điều hành các hoạt động tại mỏ Sông Đốc hằng ngày như thực hiện kế hoạch sản xuất do TCT đề ra, phối hợp với bộ phận offshore các nhà thầu và đối tác trong dự án, đảm bảo dự án vận hành an toàn và liên tục. Ngoài ra chúng tôi còn điều động nhân lực, vật tư, phối hợp vận chuyển (tàu dịch vụ, trực thăng…) nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất tại mỏ. Trong công tác quản lý dự án, chúng tôi cũng là đầu mối với các ban Kỹ thuật, Thương mại, Quản lý dự án, Kế toán - Kiểm toán... của TCT nhằm đảm bảo dự án được vận hành và quản lý tuân thủ quy định của TCT.

PV:Tham gia điều hành mỏ Sông Đốc, bản thân anh có những sáng kiến, cải tiến hay đóng góp như thế nào ở Phòng phát triển mỏ trong thời gian qua?

Kỹ sư Nguyễn Mai Anh: Vì điều kiện mỏ Sông Đốc ở xa đất liền như thế nên công tác chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cho mỏ phải từ rất sớm, thường là trước một tháng. Sắp xếp rất chi tiết, cụ thể, đảm bảo đúng thời gian. Đối với đội ngũ nhân sự vận hành tại mỏ Sông Đốc, chúng tôi đã đề nghị với TCT và đã có các phần thưởng về công tác an toàn cho cán bộ, công nhân viên trong hằng tháng, hằng quý, hằng năm để động viên mọi người. Vào các dịp lễ, tết, lãnh đạo TCT đã ra giàn tặng quà cho người lao động. Đồng thời, Ban PTKT đang đề nghị với TCT có chính sách ưu đãi về lương bổng cho người lao động đang làm việc ở mỏ Sông Đốc.

Tuy mới nhận bàn giao mỏ Sông Đốc từ cuối tháng 11-2013, với tinh thần dám nghĩ, dám làm anh em trong tổ Sông Đốc đã có 2 sáng kiến trình lên hội đồng sáng kiến của TCT và đang hoàn thiện nhiều sáng kiến nữa. Đây là các sáng kiến có giá trị, làm lợi cho dự án hàng trăm ngàn USD. Bản thân tôi, do không làm việc trực tiếp tại mỏ nên chỉ đóng góp một phần nhỏ trong việc hỗ trợ anh em trên giàn về mặt tài liệu, góp ý cho các sáng kiến.

PV: Vừa qua, anh được Công đoàn Dầu khí Việt Nam tuyên dương là Người lao động dầu khí tiêu biểu năm 2014, cảm xúc anh như thế nào? Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm giữ lửa trong nghề?

Kỹ sư Nguyễn Mai Anh: Việc TCT chọn tôi là 1 trong 3 người lao động tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn người lao động PVEP, thực sự rất xúc động dù thời gian công tác tại đơn vị còn ngắn. Tuy nhiên với những kinh nghiệm vận hành và tham gia nhiều dự án dầu khí trước đó tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro tôi đã có những đóng góp nhất định cho TCT, nhất là trong dự án phát triển mỏ Sông Đốc. Tôi và đồng nghiệp trong Ban PTKT đã làm tốt các công tác được giao, vận hành mỏ an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Tính đến nay mỏ đã được PVEP vận hành tuyệt đối an toàn, không có bất kỳ tai nạn, sự cố nào. Mỏ đã vận hành liên tục, uptime 100%. Nhân đây tôi cũng chân thành cảm ơn sự tin tưởng của lãnh đạo Ban PTKT, lãnh đạo TCT và sự hợp tác của các đồng nghiệp tại PVEP đã động viên, giúp đỡ tôi thành công bước đầu trong việc tiếp nhận và điều hành dự án Sông Đốc. Ngoài ra, những kinh nghiệm thu thập trong thời gian còn công tác tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, đặc biệt là thời gian công tác tại Ban Dịch vụ - Vận hành, Xí nghiệp Khai thác Dầu khí đã giúp tôi trưởng thành và tự tin rất nhiều khi nhận nhiệm vụ mới tại PVEP.Nói giữ lửa trong nghề nghe to tát quá. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, có một công việc phù hợp, môi trường lao động tốt là cơ sở để mình gắn bó với công việc và hoàn thành tốt công việc được giao. Và dù làm việc ở đâu mình phải luôn tận tâm với công việc, không ngừng học hỏi.

PV: Xin cảm ơn anh!