Lại thêm một “quốc nạn” cho nông dân

Trong thời gian gần đây, giá cả và chất lượng phân bón đã trở thành vấn đề thời sự, gây bức xúc trong dư luận và bà con nông dân. Với nhu cầu phân bón phục vụ cho nông nghiệp ngày càng lớn, nhưng lại

 Điều này đã được các cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo từ lâu và được đăng tải trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Điều đáng nói ở đây là, tình trạng phân bón kém chất lượng (PBKCL) và phân giả tràn lan, không kiểm soát được đã mang lại lợi nhuận siêu ngạch cho những kẻ sản xuất, buôn bán phân giả, PBKCL, đồng thời cũng gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế, làm cho quyền lợi của bà con nông dân bị xâm hại, bị “móc túi” không thương tiếc. Sản xuất, buôn bán, lưu hành PBKCL, không đúng tiêu chuẩn, không đạt chất lượng đăng ký là một trong những hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật. Từ  đó cho thấy, việc quản lý chất lượng và giá cả các loại phân bón, đang đặt ra hết sức cấp bách. Cần phải coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục, đồng bộ của các cấp, các ngành để bà con nông dân yên tâm khi sử dụng phân bón phục vụ cho sản xuất.

Để thấy rõ hơn, chúng ta thử khảo sát giá phân bón đang được sản xuất trong nước hiện nay. Đầu tiên, chúng tôi đã đến một doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam hiện nay - đó là Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (thuộc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam ) để tìm hiểu. Công ty Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao là một DNNN, được xây dựng và đi vào sản xuất từ 1962. Trải qua 46 năm hoạt động, Công ty đã được Đảng và Nhà nước 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng. Trong suốt chặng đường tồn tại và phát triển, Công ty đã luôn luôn giữ chữ tín làm đầu, với mục tiêu và chính sách chất lượng nhất quán đó là, duy trì ổn định chất lượng phân bón, đúng tiêu chuẩn đăng ký. Để làm được việc đó, Công ty luôn đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, đưa thiết bị hiện đại vào làm việc. Chỉ tính riêng sản phẩm phân NPK, mỗi năm Công ty sản xuất gần 700.000 tấn. Tất cả đều được vận hành trên 4 dây chuyền hiện đại. Với mức đầu tư trên 20 tỷ đồng cho mỗi dây chuyền, công suất trên 150.000 tấn/năm, sản phẩm được quản lý bằng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001- 2000. Điều này được minh chứng bằng sản phẩm của Công ty luôn được bà con nông dân trong cả nước tin dùng, sản lượng tiêu thụ năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để làm được việc này, tập thể đội ngũ những người lao động ở đây đang gặp phải rất nhiều khó khăn và chịu rất nhiều sức ép do tình trạng hỗn loạn phân bón trên thị trường.

Được biết, để sản xuất sản được phân NPK đảm bảo chất lượng, đúng với tiêu chuẩn đăng ký và với định mức tiêu hao nguyên liệu đầu vào chuẩn như dùng urê ngoại nhập, kali nhập ngoại, Công ty Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao đã chi phí hết 1.900.000 đồng/tấn. Đó là chưa kể chi phí khác như quản lý, khấu hao tài sản, thuế giá trị gia tăng…Nếu cộng các chi phí này vào thì giá thành lên tới 2.200.000 đồng/tấn. Trong khi đó, Công ty hiện vẫn đang bán ra thị trường với giá khoảng 2.000.000 đồng/tấn. Theo đánh giá của một số cán bộ Công ty Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao thì đây là gía ưu đãi của Công ty dành cho người tiêu dùng là bà con nông dân, hay nói cách khác Công ty đang phải “thắt lưng buộc bụng “ tiết kiệm tối đa các chi phí khác để bù lỗ, để hỗ trợ cho bà con nông dân mua phân bón với giá rẻ mỗi tấn gần 200.000 đồng. Như vậy, không thể có đơn vị nào bán được với giá thấp hơn nữa, không thì cần phải xem xét lại về mặt chất lượng. Qua đây có thể thấy được, sự cố gắng của Công ty Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao đối với việc hạ giá thành sản phẩm, đưa phân bón cho bà con nông dân với giá cả hợp lý nhất.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, trên cả nước hiện nay có gần 200 cơ sở sản xuất ra trên 1.500 chủng loại phân bón NPK khác nhau, cho lưu hành trên thị trường thì có tới trên 150 đơn vị cơ sở sản xuất nhỏ với thiết bị lạc hậu, “công nghệ cuốc xẻng” trộn một số loại phân phụ gia vào với nhau rồi đóng bao, từ đó cho ra đời các loại phân NPK kém chất lượng, bán ra thị trường. Ngoài ra, vì lợi nhuận trước mắt, nên các cơ sở sản xuất này đăng ký hàm lượng dinh dưỡng một đằng thực tế làm một nẻo, thậm chí nhiều khi dùng cả đất sét nghiền nhỏ, đất đen, bùn phơi khô hoặc xỉ than độn vào, đóng bao lừa người tiêu dùng là loại phân “chất lượng cao” bán với giá rất rẻ. Đồng thời đưa ra chiêu bài bán hàng rất hấp dẫn: Bán chậm trả, cho nợ đầu vụ cuối vụ thu hoạch lấy tiền; trả hoa hồng cao hơn, từ đó được tiếng là “chơi đẹp” hơn, cơ chế “thoáng” hơn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các hãng phân bón có uy tín, nổi tiếng trong nước.

Số liệu của các đợt kiểm tra, thanh tra các ban ngành và báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trên thị trường nước ta hiện nay đang tràn lan các loại phân bón kém chất lượng. Có những lô hàng, khi kiểm tra thì trên 54% mẫu không đạt chất lượng đăng ký, trong đó số lô mẫu đạt dưới 50% hàm lượng dinh dưỡng đăng ký chiếm tỷ trọng cao nhất là loại phân vi sinh (72%). Cũng qua kiểm tra cho thấy tình trạng phân bón kém chất lượng ngày càng diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Năm 2003, tỷ lệ phân bón kém chất lượng là 30%; năm 2004 kiểm tra 11 công ty với 81 chỉ tiêu thì có 45 chỉ tiêu (chiếm 45,6%) không đạt chất lượng; trong đó có cả sản phẩm của một số những “tên tuổi” lớn. Rất nhiều ý kiến đều đồng tình với kết luận cho rằng: 60% số phân bón sản xuất trong nước hiện nay có vấn đề về chất lượng, với hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt từ 40% đến 50% so với tiêu chuẩn đăng ký. Đặt phép tính đơn giản, cứ 1% dinh dưỡng N+P2O5+K2O thì bình quân phải chi phí tối thiểu hết 120.000 đồng thì chúng ta thấy bà con nông dân đã bị các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng móc túi của mình rất nhiều tiền. Ví dụ, tổng hàm lượng dinh dưỡng đăng ký phân NPK8.10.3 là 21%, nhưng qua kiểm tra chỉ đạt 12,6% dinh dưỡng, bà con phải trả tiền khống (21-12,6) là 8,4% dinh dưỡng N+P2O5+K2O. Theo cách tính trên, bà con bị móc hầu bao mỗi tấn (8,4x120.000) là 1.008.000 đồng. Nếu một cơ sở sản xuất cả năm với số phân bón NPK là 40.000 tấn thì họ đã thu về một khoản lợi nhuận siêu ngạch là trên 40 tỷ đồng. Một con số thua thiệt không nhỏ đáng để chúng ta suy ngẫm, rất nhiều người đã coi đây là “quốc nạn” làm hại bà con nông dân nghèo. Nếu Nhà nước thắt chặt quản lý về phân bón kém chất lượng thì mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội, đặc biệt là bà con nông dân.

Dư luận cho rằng, giá phân bón hiện nay quá cao, nhưng qua khảo sát thực tế cho thấy, giá phân bón hiện nay cũng có tính hợp lý nhất định của nó. Đó là nếu làm phép tính so sánh giá phân bón và giá thóc. Lật lại thời kỳ trước đây vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi phân lân bán với giá 789 đồng/kg, giá thóc khi đó là 500 đồng/kg, như vậy mỗi kg thóc mua được 0,63 kg phân. Đến giữa những năm 90, mỗi kg thóc mua được 1,0 kg lân, cuối thập niên 90, mỗi kg thóc mua được 1,5 kg lân và đến nay với giá bán Supe lân Lâm Thao là trên khoảng 1.500 đồng/kg, giá thóc trung bình là 3.500 đồng/kg, thì mỗi kg thóc đã mua được tới trên 2,3 kg lân. Nếu so sánh như vậy, có thể thấy giá phân bón sản xuất trong nước như hiện nay vẫn đang ở mức hợp lý, không những không tăng mà so với giá thóc còn đang có xu hướng giảm, đồng nghĩa với việc bà con nông dân vẫn có thể chấp nhận để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Người được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ giá bán rẻ phân bón sản xuất trong nước chính là đông đảo bà con nông dân trên các địa phương. Đành rằng, vẫn đang có những ý kiến  chưa hoàn toàn thống nhất về sự so sánh giữa giá thóc và giá phân. Nhưng qua khảo sát trên, phần nào cũng có thể đánh giá được sự thua thiệt trong kinh doanh, những băn khoăn, trăn trở của các nhà quản lý trong cuộc chiến khắc phục tăng giá đầu vào và kết quả vượt khó của những doanh nghiệp chân chính, đang sản xuất phân bón - một trong những mặt hàng chiến lược, đầu tư cao nhưng lợi nhuận thấp. Trong khi luôn phải chịu những sức ép từ nhiều phía, như yêu cầu quản lý ngày càng phải chặt chẽ hơn của pháp luật nhà nước, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao hơn về chất lượng, giá cả, dịch vụ của bà con nông dân, đồng thời vẫn phải đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt của người lao động. Từ đó thấy được sự cố gắng của những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn trên lĩnh vực sản xuất phân bón đã và đang cùng với các ngành khác góp phần bình ổn giá cả, hạn chế bớt tốc độ tăng giá các mặt hàng, trong giai đoạn hiện nay.