Làm lợi 7.300 tỷ đồng nhờ các sáng kiến cấp cơ sở ngành Dầu khí

Giai đoạn 5 năm (2012 - 2017) từ phong trào thi đua lao động sáng tạo, ngành Dầu khí đã có hơn 1.700 sáng kiến cấp cơ sở, làm lợi trên 7.300 tỷ đồng, có 61 sáng kiến cấp tập đoàn, làm lợi hơn 3.600 tỷ

Ông Nguyễn Quỳnh Lâm - Phó Tổng giám đốc PVN


Ông Nguyễn Quỳnh Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN): PVN luôn xác định khoa học công nghệ là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh và sự phát triển bền vững theo chiều sâu, với quan điểm “sáng kiến, sáng chế là chìa khóa để nâng cao nâng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược phát triển của Tập đoàn. Trên cơ sở đó, PVN đã luôn quan tâm đầu tư cho KHCN và chú trọng đến phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Công tác quản lý hoạt động sáng kiến sáng chế quy mô Tập đoàn được thực hiện từ 2010. Tại Hội nghị Sáng tạo ngành Dầu khí Việt Nam lần thứ nhất, với 70 giải pháp/sáng kiến đại diện cho các gải pháp sáng kiến tiêu biểu giai đoạn 2005 – 2010 đã làm lợi 224 triệu USD và 1.118 tỷ động cho năm đầu tiên được áp dụng.

Ngay từ năm 2012, PVN đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động sáng kiến sáng chế đồng thời thường xuyên có các biện pháp cụ thể, thiết thực khen thưởng, động viên, khuyến khích người lao động tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, sáng tạo phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại các đơn vị thành viên. Rất nhiều sáng kiến sáng chế có giá trị làm lợi cao được công nhận và áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội thiết thực, góp phần phát triển bền vững của Tập đoàn.

Bà Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam

Bà Nghiêm Thùy Lan - Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Ngành Dầu khí có hơn 60.000 người lao động, phong trào thi đua lao động sáng tạo đã thu hút đông đảo người lao động tham gia tâm huyết và trách nhiệm. Thống kê từ 10 đơn vị tiêu biểu nhất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), trong 5 năm (2012 – 2017) đã có gần 2000 đề tài, sáng kiến giải pháp trong phong trào lao động sáng tạo đã được áp dụng vào thực tiễn trong các lĩnh vực: Tìm kiếm thăm dò – Khai thác dầu khí; Hóa – Chế biến dầu khí; Nhiệt và cơ khí chế tạo; Công nghệ thông tin – Tự động hóa - Điện tử với tổng giá trị làm lợi ước tính hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Điển hình là tại Liên doanh Việt – Nga Vietsopetro, đơn vị có 6.000 lao động, trong gai đoạn 2012 – 2017 đã có 3.900 người lao động tham gia và có sáng kiến sáng chế cấp cơ sở. Điều đó minh chứng rằng Phong trào thi đua lao động sáng tạo của ngành Dầu khí rất có hiệu quả và thiết thực, đã tạo được động lực mãnh mẽ làm chuyển biến nhận thức, tư tưởng hành động của đội ngũ CNVCLĐ Dầu khí lớn mạnh về mọi mặt.

Trong 2000 đề tài sáng kiến giải pháp (giai đoạn 2012 - 2017 ) của 7 đơn vị tiêu biểu ngành Dầu khí có 61 đề tài, sáng kiến, giải pháp được quyết định công nhận cấp Tập đoàn, có 1764 đề tài, sáng kiến, gải pháp cấp đơn vị công nhận. Có 178 cá nhân được tặng Bằng và huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Công đoàn Dầu khí Việt Nam khen thưởng 68 tác giả, đồng tác giả được công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn, có nhiều cá nhân được CĐ DKVN xem xét tặng Giấy chứng nhận Lao động sáng tạo năm 2017, nhiều cá nhân được cấp bằng sáng chế cấp đơn vị và các hình thức công nhận khen thưởng khác của các đơn vị trong Tập đoàn.

Đặc biệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Nhà nước trao tặng 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN cho các công trình: “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Việt Nam”, “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”; 1 Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cho công trình: “Nghiên cứu phương án tối ưu để chế tạo, hạ thủy và lắp đặt đế siêu trường siêu trọng ở vùng nước sâu hơn 100m phù hợp với điều kiện ở Việt Nam”.

Ông Vũ Công Quốc Pháp

Ông Vũ Công Quốc Pháp - Tổ trưởng Tổ giám sát kỹ thuật tàu, Công ty TNHH – MTV Dịch vụ khảo sát và Công trình ngầm, Tổng Công ty Dịch vụ và Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam: Giai đoạn 2012 – 2017, tôi đã đóng góp cho đơn vị 6 giải pháp sáng kiến sáng chế được công nhận và áp dụng vào thực tiễn, riêng với sáng kiến “Thay thế thiết bị phù hợp cho máy nén khí Seismic tàu Bình Minh 2” (năm 2014) đã làm lợi cho đơn vị 19.200 USD/năm. còn lại 5 giải pháp sáng kiến khác cũng đã làm lợi tổng số tiền 100.000 USD trong giai đoạn 2012 – 2017.

Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực làm việc đều có những khó khăn khác nhau, có những khó khăn cần phải giải quyết tới 2 năm mới tìm ra được giải pháp sáng kiến và cho thành công. Vì thế đòi hòi người lao động tham gia nghiên cứu SKSC phải có lòng nhiệt huyết, đam mê, nỗ lực làm việc hết mình và yêu thích công việc mình đang làm và trên nữa là cần một môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp, sự quam tâm động viên, chia sẻ của các cấp lãnh đạo trong đơn vị.

Ông Cao Tùng Sơn

Ông Cao Tùng Sơn: Phó Tổng giám đốc Liên doanh Việt – Nga Vietsopetro: Là một trong những đơn vị được PVN khẳng định có thành tích tốt nhất trong lĩnh vực hoạt độn sáng kiến sáng chế. Hàng năm đơn vị có từ 400 – 600 cán bộ khoa học, người lao động tham gia SKSC. Trong 150 – 200 đơn đăng ký SKSC thì có tới 100 – 150 đơn được công nhận là SKSC đem lại hiệu quả kinh tế cho Vietsopetro giá trị làm lợi hơn 10 triệu USD. Giai đoạn 2012 – 2017, Vietsopetro có 3.171 CBCNV đã được cấp bằng SKSC cải tiến kỹ thuật trong đó có 514 đề tài/giải pháp được áp dụng vào thực tế, đem lại lợi nhuận cho Vietsopetro trong giai đoạn 5 năm 2012 – 2017 khoảng 64 triệu USD, đặc biệt có những SKSC đã làm lợi được 12 triệu USD và có những cá nhân có tới 11 SKSC.

Bí quyết thành công của Liên doanh Việt – Nga Vietsopetro là ở chỗ lãnh đạo luôn quan tâm, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động tốt nhất có thể để họ tin tưởng đoàn kết gắn bó và phải tổ chức quản lý các sáng kiến sáng chế một cách chặt chẽ , khoa học đưa ra được các quy chế hoạt động định kỳ thường xuyên để khuyến khích khen thưởng xứng đáng các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào SKSC.


Bài và ảnh: Thu Hoài