Lê Thị Tuyết Nga - Dòng điện…dòng đời

3 ngày sau đám tang của anh Trần Văn Hương - Tổ trưởng Gia công cơ khí nhà máy phát điện Diesel Nhơn Thạnh, Điện lực Bình Định - chiều hôm ấy, chị Lê Thị Tuyết Nga mới gượng dậy được và lên thăm mộ ch

Chuyện xảy ra hồi cuối năm 2000, khi vợ chồng Trần Văn Hương và Lê Thị Tuyết Nga - 2 công nhân cùng công tác tại Phân xưởng Điện - Điện lực Bình Định. Anh Hương vừa là tổ trưởng sản xuất vừa kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn nhà máy điện diesel Nhơn Thạnh với hơn 180 công nhân. Chị Nga là kỹ thuật viên hóa nghiệm dầu - một công việc kỹ thuật thầm lặng góp phần bảo đảm an toàn và công suất vận hành của 32 tổ máy Diesel, trong thời kỳ Bình Định đang chờ nguồn điện quốc gia.

Cuộc sống còn nhiều bộn bề lo toan trong khu tập thể công nhân phía sau nhà máy, nhưng gia đình Hương - Nga luôn ngập tràn niềm vui như tên của 2 đứa con 1 gái, 1 trai - Hạnh và Phúc chăm ngoan, học giỏi và trưởng thành. Thế rồi, giông tố đã nổi lên với việc ra đi đột ngột của anh Hương sau 1 cơn bạo bệnh phát sinh trong chuyến công tác xa.

Vượt qua nỗi đau, trong sự quan tâm và đùm bọc giúp đỡ kịp thời của Công đoàn Điện lực, Lê Thị Tuyết Nga trở lại vị trí công tác và động viên 2 con tiếp tục học nghề điện, quyết đi theo con đường của ba má đã chọn.

Tháng 8/1993, dòng điện quốc gia đã về đến vùng “khát điện” miền Trung trong đó có Bình Định. Nhưng mãi đến năm 2003 thì các máy phát điện Diesel tại nhà máy điện Nhơn Thạnh mới thật sự ngừng vận hành. Ngành điện lại đang vào cuộc kinh doanh mới: Viễn thông điện lực. Thế là Lê Thị Tuyết Nga được chuyển nhiệm vụ mới: tham gia công tác tại cửa hàng viễn thông Điện lực Bình Định với nhiệm vụ nhân viên chăm sóc khách hàng.

Lê Thị Tuyết Nga cùng đồng nghiệp trao đổi kỹ thuật nâng năng suất hiệu chỉnh công tơ.

Nga tâm sự: -“Thực ra nghề chính em được đào tạo khi học cùng trường Cơ điện với anh Hương là nghề tiện. Anh Hương bảo: - “Con gái làm nghề tiện càng hay chứ sao, là con gái ngành điện, mình yêu nghề, khi ngành điện yêu cầu bất kỳ nhiệm vụ nào, mình phấn đấu học là làm được cả”. Vì vậy, trước yêu cầu cần 1 kỹ thuật viên hóa nghiệm dầu nhớt, phục vụ vận hành máy phát điện diesel, em đã được đào tạo cấp tốc và thích nghi ngay với công việc kỹ thuật mới mẻ này”.

Gần 14 năm cần mẫn trong phòng thí nghiệm tiếp xúc với các loại dầu nhớt để phân tích chúng ra các thành phần: nước, kiềm… xác định nhiệt độ chớp, cháy và kết luận các tiêu chuẩn kỹ thuật để cho vào sử dụng, Lê Thị Tuyết Nga luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thầm lặng mà quan trọng này. Hôm chia tay CBCNV Phân xưởng điện, với 32 tổ máy Diesel hoàn thành sứ mệnh lịch sử phục vụ điện thời kỳ khó khăn: “4 có – 3 không” trên địa bàn Bình Định, anh chị em vận hành máy đã đến tặng hoa và cám ơn “cô gái hóa nghiệm dầu” đã đồng hành cùng tiếng máy diesel thân thương một thời gian khó!.

Đứng trước nhiệm vụ kinh doanh viễn thông - giao tiếp khách hàng, Lê Thị Tuyết Nga như hoạt động trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, không như trước đây 1 mình 1 phòng, chỉ tiếp xúc với thiết bị kỹ thuật và dầu mỡ, nay phải “làm dâu trăm họ” để cùng đồng đội hoàn thành các mục tiêu kinh doanh viễn thông điện lực. Khó, khổ, áp lực… “nhưng vui vì yêu nghề và nghề cũng yêu mình”. Nga tâm sự và động viên đồng nghiệp như thế. Những tưởng như thế là dòng đời phẳng lặng. Ai ngờ…

Biến cố lại một lần nữa ập đến với 3 mẹ con chị Nga: Sau cơn bão số 8 đi vào Bình Định - năm 2009. Anh Trần Hồng Phúc - con trai chị Nga - lúc ấy là công nhân hợp đồng của Chi nhánh điện Quy Nhơn bị tai nạn điện khi đi khắc phục sự cố lưới trên địa bàn. Tin sét đánh này đến với chị Nga – người mẹ vốn cam chịu đau khổ - choàng tỉnh sau cơn ngất chị đã tức tốc xuống thăm con tại bệnh viện, nhưng không kịp nữa rồi, Trần Hồng Phúc đã vĩnh viễn bỏ mẹ Nga và chị Hạnh ở lại cõi đời!

Sức người có hạn khi chống chọi với số phận, nhất là những phụ nữ yếu đuối. Nhưng đối với người phụ nữ giàu nghị lực như Lê Thị Tuyết Nga, điều kỳ diệu đã đến: Tình cảm đồng đội, sự quan tâm của Công đoàn, lòng yêu nghề… đã đánh thức nội lực để chị Nga nén nỗi đau gượng dậy!.Chấp nhận đau thương, Nga lao vào dòng đời, công việc với niềm tin và lòng yêu nghề cháy bỏng.

Hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh viễn thông tại Điện lực Bình Định trong điều kiện cạnh tranh nghiệt ngã của thị trường viễn thông thời điểm này, đã đánh giá đúng sự nỗ lực vượt khó của CBCNV đặc cách chuyển sang làm công tác viễn thông! Lê Thị Tuyết Nga tâm sự: -“Em tưởng mình như quỵ xuống sau lần đứt ruột mất đứa con trai. Mất chồng rồi… mất con. Tưởng rồi bão táp sẽ lặn nhưng dòng đời vẫn cứ trôi qua những cái mốc định mệnh của nó. Gục ngã tức là đầu hàng số phận!. Là người công nhân trong ngành điện không cho phép em lùi về phía sau để gặm nhấm nỗi đau của riêng mình”.

Lại một lần nữa, Lê Thị Tuyết Nga đứng lên cùng đồng đội trong vòng tay chia sẻ của công đoàn Điện lực. Đầu năm 2012, khi nhiệm vụ kinh doanh viễn thông của ngành điện đã bàn giao, Nga lại nhận nhiệm vụ mới: kỹ thuật viên kiểm định công tơ - thuộc Đội thí nghiệm Công ty Điện lực Bình Định.

Cái khó lúc này đối với Lê Thị Tuyết Nga không phải là áp lực công việc cao, mà là phải tự học, tiếp thu kiến thức từ đồng nghiệp, nắm bắt nhanh nghiệp vụ, làm chủ phương tiện kỹ thuật, nâng tay nghề để đáp ứng nhiệm vụ mới với thiết bị kỹ thuật tự động và hiện đại. Đội thí nghiệm của Công ty Điện lực Bình Định - trong đó có Tổ sửa chữa hiệu chỉnh công tơ điện đã được Trung tâm đo lường chất lượng khu vực 2 cấp phép hoạt động. Độ chính xác, an toàn, năng suất cao… là những yêu cầu nghiệt ngã của nghề kiểm định, sửa chữa công tơ điện, không chỉ công tơ 1 pha, công tơ 3 pha mà còn đáp ứng tốt, kỹ thuật tinh vi với các loại công tơ điện tử đang đưa vào sử dụng trên lưới điện Bình Định.

Thời điểm này, Công ty Điện lực Bình Định triển khai đồng bộ kế hoạch tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Hàng tháng, số lượng công tơ định kỳ và lắp mới cho khách hàng từ 9 Điện lực khu vực đưa về Tổ sửa chữa, hiệu chỉnh công tơ lên đến hàng chục ngàn cái. Nhân lực trong tổ chỉ có 10 người, trong đó có đến 8 nữ. Chị em đã bảo nhau phấn đấu không kể giờ giấc, không để xảy ra sai sót kỹ thuật. Hình ảnh một Lê Thị Tuyết Nga gương mẫu, cần mẫn với công việc và tích cực hợp lý hóa nhân lực, nâng công suất bàn thử công tơ điện lên, đã như hiệu ứng dây chuyền đưa Đội Thí nghiệm đạt các tiêu chuẩn thi đua, hoàn thành nhiệm vụ trong toàn Công ty.

Nét đặc trưng của người nữ công nhân Lê Thị Tuyết Nga là sống chan hòa với đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn trong toàn PC Bình Định - với gần 150 nữ CNVC. Điều này đã giải thích được vì sao Lê Thị Tuyết Nga được tín nhiệm bầu vào chức vụ Trưởng Ban nữ công của Công đoàn Công ty Điện lực Bình Định từ nhiệm kỳ 2012-2015.

Tôi gặp Lê Thị Tuyết Nga sau buổi lễ tổng kết công tác nữ công năm 2012 và nhận Bằng khen của Công đoàn EVN. Trong nét mặt hân hoan tự hào về thành tích nữ công, Nga cho biết: cháu Hạnh - con gái lớn của chị đang công tác tại Điện lực Phú Tài và chuẩn bị sinh con đầu lòng. -“Em cũng chuẩn bị lên chức bà ngoại rồi đấy!. Số phận của em nó vậy, em cũng không biết mình đã chịu đựng và vượt qua nỗi đau ra sao, chỉ biết rằng bên cạnh sự đùm bọc sẻ chia của Công đoàn và đồng nghiệp, đã động viên em yêu ngành, yêu nghề và vượt lên hoàn cảnh, dù dòng đời có gập gềnh thế nào, khi mình đã xác định là công nhân ngành điện thì phải luôn phấn đấu, góp phần cho dòng điện được ổn định, an toàn - đó là hạnh phúc phải không anh?”.