Lĩnh vực việc làm chưa được truyền thông đúng mức

Truyền thông về lĩnh vực việc làm, quản lý lao động trên các cơ quan báo chí hiện nay chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến việc thông tin không có tính liên tục, người có nhu cầu phải tìm giữa “biển th

Truyền thông về việc làm còn mờ nhạt

Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong “Hội nghị truyền thông về việc làm với cơ quan báo chí” vừa khai mạc tại TP Hải Dương, hôm 17/5/2018. Chia sẻ tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận định, lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta trong những năm qua đã có những bước tiến, góp phần làm thay đổi nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về các chính sách giải quyết việc làm, cung cầu lao động, bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước.

Tuy nhiên, bà Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận, nước ta hiện có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó có hơn 700 cơ quan báo viết với hơn 1.000 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương; cùng với đó là hàng trăm báo, tạp chí điện tử, hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp... thế nhưng công tác truyền thông về việc làm cũng như quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Hà nhận định, lĩnh vực việc làm chưa được các cơ quan báo chí truyền thông đúng mức

Cụ thể, bà Hà chỉ ra, một bộ phận không nhỏ cán bộ và người dân vẫn chưa nắm bắt và hiểu đúng các chủ trương, chính sách về lĩnh vực việc làm; nội dung tuyên truyền, phổ biến chưa được chọn lọc, chưa sát với thực tế, chưa có trọng tâm trọng điểm; đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách ở cơ sở còn thiếu thông tin, chưa nắm rõ các nghiệp vụ để triển khai nhiệm vụ truyền thông...

“Nguyên nhân là do truyền thông về lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tuyên truyền cụ thể. Người dân chưa thấy hết được lợi ích lâu dài của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, về vai trò của các Trung tâm Dịch vụ việc làm, về các chính sách việc làm cho các đối tượng đặc thù như: thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật, người học nghề… Ở đâu đó, không ít người lao động còn hiểu biết mờ nhạt về quyền và nghĩa vụ bảo đảm việc làm là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội”, bà Hà chỉ rõ.

Việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về việc làm, quản lý lao động, thất nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội

Cùng chung quan điểm trên, ông Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho rằng, đa phần các loại hình báo chí đều dành dung lượng đáng kể để tuyên truyền về lĩnh vực việc làm, thông tin thị trường lao động, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp với nhiều nội dung phong phú, có chất lượng.

Nhưng trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0 hiện nay cùng những vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực trên thì việc tuyên truyền, phổ biến thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, việc tuyên truyền về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp trên các ấn phẩm báo chí còn một chiều, chỉ phản ánh đậm nét về lĩnh vực này khi có các vụ việc phát sinh.

“Nội dung tuyên truyền về việc làm chưa phản ánh sinh động thực tế, hình thức chưa phong phú, mới chỉ đưa tin phản ánh sự kiện, giới thiệu quan điểm, chủ trương, chưa có bài viết sâu sắc tổng kết, đánh giá, thiếu các loại bài bình luận, chuyên luận mang tính khái quát cao”, ông Trần Ngọc Diễn nhận định.

Lý giải về tình trạng trên, ông Diễn cho rằng, đó là do sự phối hợp chưa chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí tiếp cận, khai thác thông tin về việc làm, thị trường lao động... còn bị động, phụ thuộc vào thông tin từ các cơ quản lý, chưa có sự đào sâu khai thác từ thực tiễn.

Đẩy mạnh truyền thông bằng kiến thức và kỹ năng của nhà báo

Do vậy, để đổi mới thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực này, ông Trần Ngọc Diễn cho rằng cần có sự chủ động chia sẻ thông tin hai chiều giữa báo chí và các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, để truyền thông hiệu quả lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả, các phóng viên báo chí cần trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận vấn đề an sinh xã hội để có cách nhìn toàn diện, sâu sắc.

TS Trần Bá Dung nhận định, các phóng viên báo chí cần trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận vấn đề an sinh xã hội để có cách nhìn toàn diện, sâu sắc về vấn đề việc làm

Bên cạnh việc chuyển tải nội dung các chủ trương, chính sách, các cơ quan báo chí cần đăng, phát nhiều bài phản ánh, giới thiệu những tấm gương điển hình trong thực hiện chế độ, chính sách... từ đó nhân rộng những điển hình khác; kịp thời lên án những hành vi tiêu cực, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng vi phạm các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trục lợi bảo hiểm y tế, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Hình thức truyền thông cần sinh động, phù hợp với trình độ, thói quen, tâm lý tiếp nhận của người lao động, người sử dụng lao động... Nâng cao được nhận thức, sự biểu biết về chính sách việc làm, quản lý lao động, chính sách bảo hiểm cho chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ tạo sự đồng thuận xã hội, hướng tới hoàn thành các mục tiêu về việc làm, bảo hiểm cho người lao động, ông Trần Bá Dung nhấn mạnh.


Hồng Hà