Lung linh ký ức Thuận Thành

Những ai có mặt trong không khí lung linh ký ức sáng ngày 27/7/2017 rực rỡ nắng vàng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh hôm ấy, đều cảm nhận rất rõ những giá trị thiêng liêng làm

Trên thế giới, nhân dân các dân tộc đều chép sử bằng cách vun bồi ký ức, lưu truyền qua từng thế hệ. Nhưng mỗi dân tộc có cách viết nên những trang sử dựng xây đất nước của riêng mình. Với người Việt Nam ta, lịch sử dân tộc chủ yếu là lịch sử dựng nước và giữ nước, nên hơn ở đâu hết, mỗi một thế hệ đều cùng lúc lãnh nhận 2 trách nhiệm: “tiếp nhận” trước các bậc tiền bối và “trao truyền” cho hậu thế. Ý thức ấy sớm được hun đúc, định hình như một dòng chảy chính.

Tinh thần tiếp nhận và trao truyền này như một nguồn chảy bất tận, tiếp tục là dòng ý thức chủ đạo trong buổi Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đến thăm và tặng quà cho các thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017).

Nói chuyện trên hội trường, hay khi nắm chặt tay các thương binh nặng phải nằm liệt giường tại khu nhà ở, Bộ trưởng thực sự xúc động khi 96 thương binh, bệnh binh, dù tỷ lệ thương tật rất cao, từ 81% đến 100%, dù xuất phát từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng đều là những tấm gương sáng trong tiếp nhận những di sản của thế hệ cha anh đi trước.

Các bác thương binh Nguyễn Văn Sinh, quê ở Kinh Môn, Hải Dương, Nguyễn Văn Mão, quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc đều là con em những nông dân nghèo. Khi cải cách ruộng đất mới 4-5 tuổi, nhưng trong tâm thức vẫn nhớ y nguyên cái giây phút thiêng liêng cha mẹ mình, sau hàng ngàn đời làm tá điền, lần đầu tiên được nhận ruộng, nhận đất. Bởi thế khi đất nước còn chiến tranh, các bác sẵn sàng xách ba lô khi chưa đầy 20 tuổi.

Xách ba lô lên đường như một lẽ tự nhiên, về phép cưới vợ được 10 ngày rồi trở lại chiến trường như một lẽ tự nhiên, vượt qua lửa đạn quyết mang bằng được thân thể đồng đội hy sinh về như một lẽ tự nhiên… Những phẩm chất “tự nhiên” ấy, lung linh ở chiến trường, nay tiếp tục tỏa sáng trên xe lăn, trên giường bệnh.

Ở chiến trường dũng mãnh bao nhiêu, thì ở hậu phương, khi một phần thân thể, sức khỏe đã vĩnh viễn ra đi, tình yêu của các bác, các chú thơ mộng bấy nhiêu. Kể sao hết chuyện thương binh Nguyễn Văn Tư, một mình đẩy xe lăn 40 km từ Thuận Thành về Khoái Châu, Hưng Yên để thuyết phục nhà gái; thương binh Nguyễn Văn Yểng cũng tự mình đi xe lăn hơn 70 km từ Thuận Thành về Mỹ Đức xin cha mẹ chuẩn bị sính lễ; thương binh Hoàng Văn Uyên sẵn sàng làm đôi tay thứ hai cho vợ là thương binh Trần Thị Hồng bị cụt cả hai tay… Rồi, họ đã vượt qua tất cả vì sự chân thành và lãng mạn.

Sẵn sàng hy sinh tuổi xuân cho đất nước, các thương binh, bệnh binh đã làm tốt vai trò tiếp nhận di sản cha anh; ở một khía cạnh khác, các bác các chú còn là những tấm gương, truyền cảm hứng cho thế hệ con cháu. Theo thống kê của Trung tâm, con của các thương binh, bệnh binh tốt nghiệp các trường đại học: Bách khoa, Y khoa, Kinh tế quốc dân, Ngân hàng, Trường sỹ quan Lục quân, Trường Công an nhân dân… Nhiều người là thạc sỹ, tiến sỹ, giữ vai trò trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp.


Nói chuyện với các thương binh, bệnh binh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thực sự xúc động chứng kiến những nhân chứng của một thời trận mạc vì những giá trị thiêng liêng nhất của dân tộc là độc lập, tự do, sự phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.

Với tinh thần tiếp nhận và trao truyền, Bộ trưởng cho rằng, những lần được đến thăm Trung tâm không chỉ để tri ân, mà còn là dịp để cán bộ Bộ Công Thương tự soi lại mình, tự nhận thức lại làm sao để những giá trị độc lập, tự do, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ phải được tiếp nối, vun bồi bởi những giá trị ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, công bằng, văn minh.

Cũng với tinh thần tự nhận thức lại, Bộ trưởng thẳng thắn báo cáo với các thương binh, bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh, bên cạnh sự phát triển đi lên của đất nước, còn rất nhiều việc ở phía trước phải làm; còn nhiều điều khiếm khuyết, còn những vi phạm, sai phạm, và cả những khuyết điểm mà ngành Công Thương có vướng mắc.

Theo Bộ trưởng, cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực hết sức khắc phục, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm để khai thác tốt hơn mọi nguồn lực, trong đó có những di sản của thế hệ trước, cho sự phát triển đất nước.

“Ngày hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ niềm tin và mong muốn đó với các bác thương binh, bệnh binh; chúng ta sẽ hướng về phía trước, chúng ta sẽ đứng lên từ những khuyết điểm, vấp ngã”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những ai có mặt trong cái không khí lung linh ký ức sáng ngày 27/7/2017 rực rỡ nắng vàng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh hôm ấy, đều cảm nhận rất rõ những giá trị thiêng liêng làm nên sự trường tồn của dân tộc đang được tiếp nối, trao truyền, dù là trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, như “Hạt ngô nghiến chặt răng/Nảy mầm trên đá” với “Khát vọng trường tồn, phên dậu đá cao xanh” (Hà Giang, Trần Tuấn Anh).


Nguyễn Văn