Mô hình Làng Văn hóa - Du lịch cần được tiếp tục được duy trì

Tại buổi tổng kết mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi kết nối cộn

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được Chính phủ quyết định đầu tư với mục tiêu xây dựng một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa cho nhân dân và khách quốc tế. Tuy nhiên, sau gần 20 năm kể từ khi có Quyết định 667/1997/QĐ-TTg ngày 21/8/1997, phê duyệt quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, dự án vẫn chưa hoàn thành.

Do nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp hạn chế khiến tiến độ dự án Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam bị kéo dài, nhiều công trình chưa được đầu tư nên việc khai thác chưa đồng bộ. Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh tiến độ các dự án của Làng cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm nguyên tắc hoàn thành toàn bộ các dự án sử dụng ngân sách nhà nước vào năm 2020; kéo dài việc thực hiện Quyết định số 540/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển Làng.

Hình ảnh Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Nguyễn Công Trung cho biết: Kinh nghiệm đầu tư các làng văn hóa dân tộc của Trung Quốc là đầu tư thời gian ngắn, 10 năm thu hồi vốn. Song, các nhà đầu tư nước ta lại đầu tư quá kéo dài, giống như cái xe ô tô, không đi cũng hỏng. Đáng nói, Làng có mô hình nhà dân tộc để khách tham quan, nhưng không có nhiều mô hình để xem. Làng có trung tâm văn hóa, khu vui chơi nhưng thực tế không có gì để chơi, dịch vụ ăn uống thiếu nên không hấp dẫn được du khách. Thực trạng đó đòi hỏi Ban quản lý Làng cần lên kế hoạch làm sao sớm đáp ứng được nhu cầu xem, ăn, chơi của du khách.

Thực tế, trong giai đoạn vừa qua, việc thu hút khách tham quan, hệ thống dịch vụ chưa bảo đảm, nên chưa thấy rõ hiệu quả kinh tế - xã hội của Làng. Về hướng duy trì, phát triển Làng Văn hóa - Du lịch thời gian tới, bên cạnh trùng tu, chống xuống cấp công trình cơ sở vật chất đã đầu tư; đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị cơ sở vật chất đã được đầu tư, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng: Cần tạo sản phẩm thu hút khách du lịch. Đã bán vé thì phải có sản phẩm phong phú hơn, trước mắt là những sản phẩm vui chơi hấp dẫn, định kỳ tổ chức hoạt động điểm nhấn để tăng cường truyền thông, giúp nhiều công chúng biết tới Làng.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Đây là mô hình khu kinh tế - văn hóa đặc thù, chưa có tiền lệ, trong đó văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu. Vì vậy trong quá trình xây dựng, hoạt động, cần nghiên cứu kỹ và tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện và phát triển. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi kết nối cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, vừa thúc đẩy tình đoàn kết dân tộc, vừa tuyên truyền và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mô hình Làng Văn hóa cần được tiếp tục được duy trì để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan.