“Mỗi ngày tôi chỉ cho phép mình “mềm lòng” 3 phút”

Chị Liên chỉ tạm rời vòng quay 6 ca 24h trong 6 tiếng, từ 18h đến 24h. Nói tạm rời, vì trong 6 tiếng ấy, chị vẫn phải lăm lăm điện thoại di động, sẵn sàng trở lại Phân xưởng khi cần. Và trong 1 ngày,

Chắt chiu từng niềm vui

Khương, một nhân viên văn phòng của Công ty Than Nam Mẫu bảo, cho đến nay, nhiều người vẫn chưa hết ngạc nhiên về chị Trần Thị Bích Liên. Thuở sinh viên, chị học hóa chất, ra trường làm KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm) 19 năm. Tháng 6/2015 được bổ nhiệm làm Quản đốc Phân xưởng Đời sống, có nhiệm vụ nấu ăn, đảm bảo điều kiện tốt nhất về sức khỏe cho 4.500 lao động.

Ngạc nhiên vì học về hóa chất, 19 năm làm KCS chẳng dính dáng gì đến việc chăm lo dinh dưỡng cho người thợ, thế mà được phân công, chị làm cứ “ngon ơ”. Đem câu nói của Khương đến hỏi chị, chị trầm ngâm một hồi rồi bảo, thực ra trong chuyện này, cái khó nhất không chỉ là đảm bảo ca lo cho 4.500 con người, mà là làm thế nào để những “anh nuôi”, “chị nuôi” trong Phân xưởng nhiệt huyết với công việc này.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, chị giải thích, một kỹ sư nghiên cứu chế tạo hay cải tiến công năng một công cụ sản xuất có động lực rất lớn, vì thành quả thấy rõ ràng; một công nhân dù làm công việc đơn giản nhất cũng dễ say mê công việc vì cho ra kết quả cụ thể. Đó là động lực để người làm phấn đấu, ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua.

Nhưng với “anh nuôi”, “chị nuôi”, kết quả công việc dường như là một thứ vô hình, ít khi đong đếm được rành mạch. Vì thế, khi nhận nhiệm vụ Quản đốc Phân xưởng, chị trăn trở nhất làm sao để mọi người nhiệt huyết với công việc này. Nếu Than Nam Mẫu coi công nhân là tài sản quý giá nhất, thì người nấu ăn phải đi tiên phong trong chăm sóc khối tài sản ấy có đủ dinh dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau mỗi ca làm việc.

Tinh thần, việc làm của chị lan tỏa đến mọi người trong Phân xưởng, từ công nhân nấu ăn đến quản đốc từng ngày, từng giờ chắt chiu những niềm vui nho nhỏ. Họ vui khi người thợ ăn hết suất; họ vui khi người thợ cảm thấy thoải mái như ngồi bên mâm cơm của gia đình; họ vui khi tan ca, từ dưới lòng đất đi lên, những người thợ vẫn đủ sức trêu đùa vui vẻ…

Họ vui vì biết, trong từng thành tích tăng trưởng của Than Nam Mẫu, có một phần đóng góp của công tác hậu cần chăm lo đời sống, sức khỏe người thợ. Vì thế, không có gì ngạc nhiên, khi hỏi chuyện, một “chị nuôi” ở đây hãnh diện khoe: Trong 6 tháng đầu năm 2017, năng suất lao động của Than Nam Mẫu đạt 35,14 tấn/người/tháng, bằng 110,3% kế hoạch năm; thu nhập bình quân gần 12 triệu đồng/người/tháng, đạt 105,2% kế hoạch năm; tỷ lệ thợ lò chấm dứt hợp đồng giảm 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Điều hành dứt khoát

Về làm “nữ tướng” ở Phân xưởng Đời sống là một bước ngoặt hoàn toàn mới với chị. Công việc mới, cộng sự mới, đồng nghiệp mới, cách điều hành cũng hoàn toàn mới. 19 năm làm KCS, chị đã trải nghiệm sức ép công việc do phụ thuộc vào phương tiện, phụ thuộc vào khách hàng; nhiều khi “ca làm việc” kéo dài đến 2 giờ sáng.

Nhưng chưa thấm vào đâu so với ở đây, công việc gần như kéo dài cả ngày. Công nhân sản xuất làm 3 ca 24 giờ, thì Phân xưởng Đời sống phải bố trí 6 ca 24 giờ phục vụ. Mỗi ca làm việc của người thợ lò đều được phục vụ bữa ăn đầu ca, giữa ca và cuối ca.

Vì thế, chị Liên trăn trở từng thực đơn, từng khẩu phần, từng món ăn. Thời kỳ đầu mới nhận nhiệm vụ, mỗi khi người thợ ăn xong, chị ghi chép tỷ mỉ, món nào hết, món nào còn, rồi hỏi chuyện công nhân để điều chỉnh. Vì mấu chốt cho duy trì năng lượng trong suốt ca làm việc là người thợ phải ăn được hết suất, hợp khẩu vị.

Mối quan tâm “người thợ phải ăn được hết suất, hợp khẩu vị” cứ trở đi, trở lại, rồi sáng kiến lóe lên, chị đề xuất và được ban lãnh đạo đồng ý 3 thay đổi quan trọng. Một là có chè (đỗ) cho người lao động, vừa giải khát, vừa có chức năng thải độc. Hai là thêm món ăn tráng miệng. Ba là, trong khẩu phần bánh mì ăn giữa ca, giảm bớt bột, tăng trứng, giò để thêm ca lo, tăng sữa để thải độc.

Chị Liên vui vẻ trò chuyện với thợ lò tại nhà ăn

Nhưng chị biết, không thể nỗ lực một mình, mà từ quản đốc, phó quản đốc, đến công nhân sơ chế, nấu nướng đều phải là những mắt xích trong chuỗi liên hoàn phục vụ người thợ. Một mặt, chị khuyến khích mọi người phát huy sáng kiến chăm sóc sức khỏe người lao động; mặt khác, trong điều hành chị rất dứt khoát. Tiêu chí cao nhất đặt ra là làm sao để người thợ lò có đủ năng lượng, duy trì sức khỏe trong suốt ca lao động. Những ai làm chưa chuẩn, kể cả phó Quản đốc cũng phải nhận lỗi, kiểm điểm. Đích thân chị đưa ra thời hạn và theo dõi việc sửa chữa khuyết điểm.

Nói là Phân xưởng bố trí 6 ca 24 giờ phục vụ, nhưng mọi người làm theo ca, theo kíp. Riêng chị, vòng quay 6 ca 24 giờ ấy chẳng mấy khi rời xa. Hãy xem một ngày làm việc điển hình của chị: 5h20’ rời nhà; 6h10’ đến phân xưởng; 15h-16h về trụ sở Công ty; 18h về đến nhà; 24h đến 1h sáng xem camera theo dõi bữa ăn cuối ca 2 ở nhà ăn; ngủ từ 1h sáng đến 4h45’.

Như vậy, chị chỉ tạm rời vòng quay 6 ca 24h trong 6 tiếng, từ 18h đến 24h. Nói tạm rời, vì trong 6 tiếng ấy, chị vẫn phải lăm lăm điện thoại di động, sẵn sàng trở lại Phân xưởng khi cần.

Khi không khí đã thân tình, tôi hỏi, vòng quay 6 ca 24h chặt chẽ quá, chắc chị phải “cứng rắn” lắm mới duy trì được suốt 2 năm qua? Chị cười hồn nhiên bảo, nói thực, trong 1 ngày, chị chỉ cho phép mình “mềm lòng” 3 phút. Đồng hồ báo thức 4h45’ sáng, chị được phép “vật vã” đến 4h48’ là phải bật dậy khỏi giường.


Hương Giang