Một chuyến đi không thể quên

Tôi là một nhà thơ nhưng cũng là một nhà báo, một nhà báo hầu như được tự do lựa chọn đề tài cho mình. Thể loại mà tôi hay viết là ghi chép và là ghi chép về những chuyến lang thang trên thế giới của

Một buổi chiều, Tổng Biên tập Báo An ninh Thế giới, nhà văn Hữu Ước, hỏi tôi có thể đi cùng nhà báo Như Phong đến Pakistan rồi sau đó tìm cách đến Afganistan để viết phóng sự về cuộc chiến sắp nổ ra không. Lúc đó, tôi đang giúp nhà văn Hữu Ước tổ chức và thực hiện Tờ An ninh Thế giới Cuối tháng. Tôi đã đồng ý mà không một giây suy nghĩ. Vì sao vậy? Vì tôi thích khám phá những vùng đất mới.

Báo An ninh Thế giới gấp rút chuẩn bị tất cả những gì có thể cho chuyến đi của chúng tôi. Bộ phận hành chính trị sự của Báo mua ba lô, chuẩn bị máy vi tính xách tay, máy ảnh, tiền mặt đô la, thuốc men, mỳ tôm… rồi lo công văn giấy tờ, lo xin visa. Trong khi đó, nhà báo Như Phong phải tập huấn cấp tốc cách sử dụng internet để gửi bài và gửi ảnh. Tôi không tham dự khóa học ấy vì nhân vật chính của chuyến đi ấy là nhà báo Như Phong và chúng tôi cũng chỉ có một cái máy vi tính xách tay. Hơn nữa, nhiệm vụ của tôi là phiên dịch và có viết được gì thì viết chứ không bắt buộc. Bởi thế mà tôi chỉ mang theo một chiếc máy ảnh du lịch, dăm cái bút bi và một sấp giấy. Có lẽ tôi là một phóng viên chiến tranh duy nhất trong thế kỷ 21 đã lên đường tác nghiệp với trang bị như thế.

Trong ngày đầu tiên chúng tôi đến sứ quán Pakistan ở khách sạn Daewoo để xin visa, một nhân viên lãnh sự sứ quán Pakistan tiếp chúng tôi hờ hững. Ông tên là Moin Udin. Đó là người đàn ông da ngăm đen, cao to nhưng giọng nói và đôi mắt rất buồn. Phải chăng lúc đó ông đang mang mặc cảm về những người Hồi giáo của ông sau sự kiện 11/9. Tôi đoán thế. Sau này chúng tôi trở thành bạn thân của nhau nhưng tôi cũng không một lần hỏi ông rằng phỏng đoán của tôi có đúng hay không. Ngày đầu tiên, ông không hứa hẹn gì với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ có visa.

Chiều hôm sau chúng tôi trở lại sứ quán Pakistan. Tôi rất bất ngờ khi thấy nhà báo Như Phong rút trong túi khoác một cuốn Kinh Koran còn mới tinh khi bước vào cầu thang máy. Moin Udin bước ra tiếp chúng tôi. Ông sững sờ khi thấy trên bàn trước mặt chúng tôi là cuốn Kinh Koran. Rồi ông bước tới, cúi xuống và nâng cuốn Kinh lên. Ông xúc động hôn lên cuốn Kinh. Tôi thấy mắt ông rơm rớm. Rồi như sực tỉnh, ông vội pha trà mời chúng tôi. Ông nói đó là loại trà đặc biệt nhất của người Pakistan. Rồi ông hỏi tôi muốn hút thuốc cứ hút. Và tôi, một kẻ nghiện ngập đầy thói xấu đã được lời như cởi tấm lòng. Tôi lấy thuốc ra hút trong chính căn phòng có một tấm biển nhỏ: Không hút thuốc. Khi thấy tôi liếc mắt ngượng ngùng nhìn tấm biển đó, Moin Udin mỉm cười và đứng dậy cất cái biển đi. Điều gì đã đổi thay thái độ của ông? Cuốn Kinh Koran hay là sự chia sẻ từ những người không cùng Tôn giáo là chúng tôi trong lúc lòng ông đang hoang mang trống trải.

Moin Udin đã làm visa cho chúng tôi. Ông mang hộ chiếu cho chúng tôi nhưng đặt ở một góc bàn xa chỗ chúng tôi ngồi và nói bao giờ chúng tôi uống hết cốc trà đặc biệt tự tay ông pha thì ông mới cho chúng tôi nhận visa. Chúng tôi ngồi uống trà và nói chuyện về Pakistan. Ông dặn dò chúng tôi nhiều điều. Đặc biệt là những hành xử thông thường để chúng tôi khỏi bỡ ngỡ và tránh được những phiền phức không cần thiết. Ông còn dặn chúng tôi mỗi khi vào tiệm ăn ở Pakistan thì phải nói cho người nấu ăn biết để cho ít ớt thôi vì người Pakistan ăn rất cay. Ông có biết đâu rằng: những người mà ông đang lo sẽ phải ăn những món cay của xứ sở ông lại là những kẻ ăn ớt như ăn rau ghém. Quả thực là như thế. Sau này ở Pakistan khi thấy tôi gọi thêm ớt thì những người ở đó tròn mắt nhìn tôi. Họ không nghĩ lại có một xứ sở khác ăn cay nhiều hơn cả họ. Khi chia tay, Moin Udin đưa chúng tôi ra tận cầu thang máy của khách sạn. Ông ôm chúng tôi rất chặt và nói: “Hãy cẩn thận, người anh em. Thánh Ala sẽ phù hộ cho người anh em”.

Chuyến đi đó tôi đã giấu cha mẹ và các anh chị em tôi. Bởi chắc chẳng người thân nào của tôi lại muốn tôi đến nơi bom rơi đạn lạc như thế. Một đồng nghiệp lớn tuổi có vị trí đã ghé tai tôi và nói: “Thà chết bên cạnh một người đàn bà còn hơn chết ở một nơi vớ vẩn”. Lời khuyên ấy là thực lòng. Nhưng tôi đã quyết định thực hiện chuyến đi. Và chúng tôi lên đường. Chỉ sau khi báo chí và Truyền hình Việt Nam đưa tin về chuyến đi của chúng tôi thì cha mẹ, anh chị em và rất nhiều bè bạn của tôi mới biết. Tất cả đều lo lắng cho đến lúc chúng tôi trở về.

Sau khi chúng tôi đi, có người hỏi Tổng Biên tập Hữu Ước rằng nếu chúng tôi trúng đạn không về được thì ông sẽ làm gì. Nhà văn Hữu Ước nói nếu nhỡ có chuyện gì thì Báo An ninh Thế giới sẽ nuôi những đứa con chúng tôi đến lúc có công ăn việc làm và đề nghị Nhà nước công nhận chúng tôi là liệt sỹ. Một nhà văn nói như đinh đóng cột rằng chúng tôi có đi mà không có về. Những chuyện như thế chúng tôi được nghe kể lại sau khi trở về. Nếu chúng tôi nghe được những dự báo bi đát về số phận của chúng tôi trước khi đi thì liệu chúng tôi có dám đi không? Tôi phải xin thú thực rằng: Tôi không biết mình sẽ quyết định như thế nào. Vì không ai bắt chúng tôi phải đi chuyến đi này. Vì lúc đó, đất nước chúng ta đã sống trong hòa bình được gần 30 năm rồi.

Đến sân bay Nội Bài, nhiều nhân viên hàng không đã nhận ra chúng tôi. Họ được thông báo về hai hành khách đặc biệt này. Họ ân cần giúp chúng tôi làm thủ tục. Lần đâu tiên tôi được các nhân viên hàng không tận tình giúp đỡ như thế. Họ tiễn chúng tôi với giương mặt nhiều ái ngại và cảm thông. Hình như trong họ lúc đó có thấp thoáng một ý nghĩ rằng: hai vị hành khách này ra đi có thể mãi mãi không trở về.

Chúng tôi bay trên một chuyến bay của Hãng Hàng không Pakistan từ Bangkok đi Lahore, thành phố miền trung Pakistan vào lúc 8 giờ tối. Từ một tuần trước, tất cả các hãng hàng không nước ngoài đã hủy bỏ mọi chuyến bay đến Pakistan. Hầu hết các sứ quán nước ngoài ở Pakistan cũng đã nhận lệnh di tản. Họ đều biết cuộc chiến tranh đã đến rất gần. Tàu chiến của quân đội Mỹ đã trực chiến ở những vùng biển áp sát Pakistan và một số vùng lân cận và sẵn sàng phóng tên lửa vào những mục tiêu có dấu hiệu nghi ngờ.

Trên chuyến bay tối đó, chỉ có nhà báo Như Phong và tôi là người nước ngoài. Còn lại là những người Hồi giáo Pakistan. Đây là chuyến bay gây cho tôi một cảm giác mạnh nhất từ trước đến nay. “Một chuyến bay Hồi giáo” - Tôi đã gọi chuyến bay ấy như thế. Trước đó, tôi không biết gì về người Hồi giáo. Moin Udin là người Hồi giáo đầu tiên tôi tiếp xúc. Nhưng đó là một người Hồi giáo làm ở Bộ Ngoại giao Pakistan. Ông mang cho tôi một cảm giác đơn giản và lịch lãm. Còn những người Hồi giáo trên chuyến bay đó quả là rất Hồi giáo với râu tóc, quần áo và nói một thứ ngôn ngữ tôi không hề biết. Hơn nữa, một không khí của chiến tranh và những bí ẩn từ những cái nhìn và của những người Hồi giáo xa lạ trên chuyến bay bủa vây và kích động cảm xúc tôi.

Từ khi bước vào phòng đợi, tôi đã cố tình chào hỏi với một vài hành khách Hồi giáo và mỉm cười với họ. Nhưng có lẽ sự bắt quen và nụ cười của tôi là những thứ xa lạ và khó giải thích với các hành khách Hồi giáo nên họ chỉ nhìn tôi miễn cưỡng gật đầu. Một khách quan sát chúng tôi với vẻ cảnh giác. Có lẽ họ tự hỏi vì sao hai kẻ xa lạ này lại bay đến vùng đất mà mọi thứ khủng khiếp đang sắp ập tới. Từ sân bay Bangkok, nhà báo Như Phong bắt đầu bỏ cuốn Kinh Koran ra khỏi túi xách và ôm khư khư trên tay. Khi Như Phong tìm được ghế ngồi của mình trên máy bay, anh đã chỉ chỉ tay vào cuốn Kinh như giới thiệu với một hành khách Hồi giáo ở ghế bên cạnh. Ông ta gật gật đầu và nói một câu gì đó rồi cầm cuốn Kinh lên hôn. Như Phong bèn ôm lấy vai ông ta với những cử chỉ đầy cảm thông và chia sẻ. Nhưng chỉ ngay sau đó, vị hành khách Hồi giáo lại rơi vào im lặng cho đến hết cuộc hành trình.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay thành phố Lahore khoảng gần nửa đêm. Hoàn toàn khác với cảnh nhộn nhịp thường thấy ở các sân bay là một không khí vắng vẻ đầy căng thẳng. Sân bay Bangkok ngập tràn các cửa hàng miễn thuế và rực rỡ ánh đèn còn sân bay Lahore đầy cảnh sát và quân đội. Một số boongke cát được dựng ngay trong sân bay. Những khẩu súng máy với những băng đạn lắp sẵn. Chúng tôi như lạc vào một ổ phục kích. Một đợt khám xét mới bắt đầu. Quanh chúng tôi có đến hàng chục nhân viên cảnh sát và quân đội với vẻ mặt căng thẳng và tay lăm lăm súng tiểu liên. Khi vừa mở túi xách của nhà báo Như Phong thì cuốn Kinh Koran hiện ra. Viên cảnh sát súng ống đầy người vội nâng cuốn Kinh bằng hai tay và cúi xuống hôn như một nghi lễ đầy vẻ sùng tín. Rồi anh ta đặt cẩn thận cuốn Kinh sang một bên và bắt đầu lục soát hành lý của chúng tôi. Trước khi để cho chúng tôi nhập cảnh, viên cảnh sát nói với chúng tôi không được để cuốn Kinh trong túi xách như thế mà phải ôm vào ngực. Viên cảnh sát vừa nói vừa làm động tác như hướng dẫn chúng tôi.

Lahore chỉ là nơi chúng tôi nhập cảnh và chúng tôi sẽ trở lại sân bay này vào sáng mai để bay đi Islamabad, thủ đô Pakistan. Vì không có khách sạn ở sân bay, chúng tôi phải vào thành phố nghỉ qua đêm. Khi chúng tôi ra khỏi phòng khám xét và làm thủ tục thì sân bay Lahore như chẳng còn hành khách nào nữa. Chỉ còn lại hai ba chiếc taxi tróc sơn nham nhở như cố gắng đợi những hành khách cuối cùng là chúng tôi. Những người lái taxi quây lấy chúng tôi và hỏi chúng tôi bằng một thứ tiếng Anh rất khó nghe. Cuối cùng, một chiếc taxi với hai tài xế đưa chúng tôi rời sân bay. Đó là một chiếc taxi bẩn thỉu, ọp ẹp và đầy mùi thuốc lá. Họ nói sẽ đưa chúng tôi đến một khách sạn gần đó. Họ dựng ngón tay cái lên làm hiệu cho chúng tôi hiểu rằng đó là một khách sạn tuyệt vời. Chúng tôi chỉ còn biết đi theo họ. Chúng tôi không biết gì về thành phố này. Bởi thế, chúng tôi không có một lựa chọn nào khác.

Lahore tối tăm vì quá ít đèn đường. Chiếc xe chạy loanh quanh qua nhiều khu phố vắng lặng rồi cuối cùng đưa chúng tôi vào một ngõ sâu và dừng lại trước một ngôi nhà hai tầng xấu xí và cũ kỹ. Đó chính là một khách sạn ghi rõ bên ngoài: Khách sạn quốc tế ba sao. Người lái xe và một nhân viên khách sạn bàn tán gì đó rất lâu. Tôi tranh thủ đi loanh quanh trước cửa khách sạn để quan sát nơi vừa đến. Biết rằng chúng tôi sẽ có một đêm khó khăn trong cái khách sạn ba sao kỳ dị kia nhưng tôi thấy vô cùng cảm hứng. Với tôi, một đêm ngủ ở khách sạn năm sao ở Brisbain, Australia năm 1992 làm cho tôi luôn mang cảm giác quần áo mình rất bẩn và cái khách sạn ba sao ở Lahore mang cảm giác cái gì ở khách sạn này cũng làm cho tôi dính bẩn đều kích thích tính tò mò của tôi như nhau. Trong những chuyến đi như thế, sự khám phá những điều mới mẻ, khác lạ là hứng thú chủ đạo trong tôi.

Sau khi bàn bạc khá lâu với nhau, người lái xe taxi nói chúng tôi sẽ ở chung một phòng và giá mỗi chúng tôi phải trả là 70 USD. Nếu lúc đó, họ bắt chúng tôi phải trả 200 USD mỗi người thì chúng tôi cũng phải trả. Vì chúng tôi biết đi đâu trong cái thành phố xa lạ, vắng vẻ, khuya khoắt và không một người quen này. Trước khi bỏ chúng tôi lại với cái khách sạn ba sao kỳ dị này, người lái taxi hỏi chúng tôi có muốn họ đón chúng tôi ra sân bay vào năm giờ sáng mai không. Đương nhiên chúng tôi phải gật đầu đồng ý. Thực sự, cho đến lúc đó, người mà chúng tôi cần bám chặt ở cái chốn xa lạ này lại chính là người lái xe taxi. Ông ta bỗng trở thành người thân của chúng tôi. Tôi lấy thuốc lá mời ông. Ông bắt tay tôi rất chặt và dặn chúng tôi không được đi ra khỏi khách sạn trong đêm. Ông ta đưa tay lên làm động tác soẹt ngang cổ họng và lè lưỡi ngẹo đầu sang một bên. Tôi không nghĩ có chuyện gì xấu xảy ra. Nhưng động tác của người lái taxi đã đẩy không khí u uẩn và bí hiểm của cái khách sạn ba sao ấy vào sâu hơn bóng tối của đêm đang phủ quanh nó.

Khi nhận phòng, tôi thực sự choáng váng. Một căn phòng tồi tệ mà tôi chưa gặp ở bất cứ loại khách sạn nào. Những chiếc gối màu tối, ga giường nhợt nhạt, tường loang lổ vết ố, cửa kính bị vỡ, một chiếc quạt trần loạng choạng quay, bồn rửa mặt cũ kỹ và xám… Nhưng chúng tôi vẫn phải chuẩn bị cho giấc ngủ sau chặng bay không dài nhưng nhiều ám ảnh. Lúc đó, chúng tôi mới sực nhớ đồ dùng cá nhân như khăn tắm, bàn chải và thuốc đánh răng đã để tất cả trong va li gửi ở sân bay quá cảnh. Chúng tôi hỏi nhân viên khách sạn nếu họ có thể mua giúp chúng tôi bàn chải và thuốc đánh răng không. Người nhân viên khách sạn gật đầu và bỏ đi. Nửa tiếng sau ông mang về cho chúng tôi hai chiếc bàn chải và một hộp kem. Hai chiếc bàn chải không bao bì và hình như đã được dùng. Nhưng dù mang cảm giác ghê ghê thì chúng tôi vẫn phải sử dụng. Trước khi đánh răng, chúng tôi phải đánh sạch chiếc bàn chải bằng một cục xà phòng trong toilet nhỏ như một chiếc kẹo ngậm.

Chúng tôi không ngủ được dù rất mệt. Nhà báo Như Phong quyết định tắt quạt trần vì ông cảm thấy nếu nó chỉ quay thêm một chút nữa thì mỗi cánh sẽ văng ra một nơi. Bởi thế căn phòng càng thêm ngột ngạt và bầy muỗi tràn vào. Tôi ngồi thu lu ở góc giường hút thuốc và quan sát một góc khách sạn qua cửa sổ. Đêm ở Lahore vắng lặng lạ thường. Lúc đó chúng tôi lại thấy cần tiếng gầm rú như điên như khùng của các loại xe máy ở Hà Nội. Và thi thoảng, một cái đầu tóc rối bù và gương mặt đầy râu của nhân viên bảo vệ khách sạn lại thò vào nhìn chúng tôi. Tôi hỏi anh ta có việc gì không. Anh ta nói với tôi một tràng tiếng mẹ đẻ của anh. Nhưng tôi không hiểu được gì. Nhà báo Như Phong để cả quần áo mặc từ Hà Nội mà nằm và ôm khư khư chiếc máy ảnh mà Báo An ninh Thế giới mua cho chuyến đi của chúng tôi với giá ngày đó đã là 2.500 USD và chiếc vi tính xách tay. Nếu một trong hai thứ này bị mất thì chuyến đi của chúng tôi chẳng còn tác dụng gì.

Một đêm mất ngủ đầy ấn tượng. Năm giờ sáng, chiếc taxi đã chở chúng tôi từ sân bay về khách sạn đã đến và đưa chúng tôi trở lại sân bay Lahore. Trên đường ra sân bay, người lái taxi hỏi tôi có phải là người Hồi giáo không. Tôi trả lời tôi là một người Hồi giáo Việt Nam. Nhà báo Như Phong bèn lấy cuốn Kinh Koran đưa cho hai người lái taxi xem. Một người cầm lấy và cúi xuống hôn. Khi chia tay họ, dù đã bị bắt chẹt giá trong cả hai lượt đi, chúng tôi vẫn lấy một tờ 5 USD cho họ. Họ ôm lấy chúng tôi và nói: “Cẩn thận nhé, người anh em. Thánh Ala phù hộ cho người anh em”.

Trong khu vực làm thủ tục, chúng tôi lại bị khám xét vô cùng kỹ lưỡng. Và nhà báo Như Phong lại mang cuốn Kinh Koran ra. Ngay lập tức, cái người với bộ mặt lạnh, bí ẩn và đầy vũ khí quanh người lại cúi xuống hôn cuốn Kinh, rồi lại nở nụ cười và xin thánh Ala phù hộ cho chúng tôi.