Một mùa đại hội cổ đông không êm ả

Có đại hội cổ đông (ĐHCĐ) diễn ra êm ả từ đầu đến cuối, có đại hội gay gắt, ầm ĩ những lời phê phán, trách móc. Những ý kiến phát biểu dù đã chuẩn bị trước, hay tự phát đều xoay quanh chủ đề làm thế n

         Đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Quảng cáo và hội chợ thương mại (Vinexad) trong tháng 3 vừa rồi không quá gay gắt, nhưng đằng sau cuộc họp là cảm nhận xót xa về hình bóng đã phôi pha của một “anh cả” trong làng tổ chức hội chợ triển lãm và biển quảng cáo. Tổng kết 2 năm sau cổ phần hóa, nhiều hội chợ, triển lãm từng làm nên tên tuổi của Vinexad đã về tay người khác. Lĩnh vực biển quảng cáo cũng trở nên yếu thế rõ nét trong 2 năm trở lại đây. Như vậy, hai lĩnh vực chủ chốt, gắn cả vào tên gọi của doanh nghiệp này đều tụt lùi sau cổ phần hóa. Đại hội cổ đông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương (Techcombank) chỉ dành 20 phút cho phần hỏi đáp, nhưng không có sự chất vấn gay gắt. Bên cạnh tinh thần tiếp thu ý kiến, cách trả lời suôn sẻ các câu hỏi của cổ đông, tạo cảm giác đại hội đã được chuẩn bị rất chu đáo. Phải chăng, Techcombank rất có kinh nghiệm trong việc tổ chức đại hội và ứng phó với các câu hỏi của cổ đông? Hay cổ đông của Techcombank đã hài lòng với những gì Ngân hàng đã làm được cũng như định hướng phát triển của Ngân hàng? Đại hội cổ đông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lại có đến hơn 2 ý kiến ngắt lời ban chủ tọa, thậm chí có ý kiến đòi “cảnh cáo thành viên hội đồng quản trị vì cách điều hành không dân chủ”. Một cổ đông phát biểu: “Trong mỗi phần đưa ra bàn tại ĐHCĐ phải cho cổ đông có ý kiến, nếu không cho cổ đông nêu ý kiến là chúng ta đã tước quyền của cổ đông”. Tại ngân hàng này, Nhà nước nắm cổ phần chi phối tuyệt đối đến hơn 90% và đại diện quyền sở hữu nhà nước là 3 người trong hội đồng quản trị. Ông Nguyễn Hoàng Hải, một cổ đông của Vietcombank đề xuất: “Nên có tiêu chuẩn đối với thành viên HĐQT, đại diện cho phần vốn nhà nước và làm việc chuyên nghiệp tại doanh nghiệp. Chẳng hạn, chủ tịch HĐQT làm việc chuyên nghiệp tại ngân hàng, đề nghị nắm giữ tối thiểu 100 nghìn cổ phần, thành viên ban kiểm soát hoạt động chuyên nghiệp cũng nên nắm giữ khoảng 50 nghìn cổ phần. Đưa ra tiêu chuẩn như thế này  để mọi người cùng sống chết với doanh nghiệp, cùng có trách nhiệm.” Qua ĐHCĐ của Vietcombank và Techcombank, cổ đông không tránh khỏi tâm lý so sánh giữa hai ngân hàng này mặc dù sự so sánh này là rất khập khiễng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai ngân hàng này là, cổ đông nhà nước chi phối tuyệt đối s cổ phần trong Vietcombank với hơn 90%, trong khi đó, Techcombank là ngân hàng thương mại cổ phần “đúng nghĩa”, không có vai trò của cổ đông nhà nước. Đại hội cổ đông của Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) gay gắt với những ý kiến đóng góp của các cổ đông về quản trị tài chính của các dự án và phương án tăng vốn của doanh nghiệp. Gần nửa tháng sau, HĐQT của Công ty này đã có cuộc họp và thể hiện tinh thần tiếp thu ý kiến đóng góp bằng hững thay đổi được đánh giá là hợp lý hơn trong các kế hoạch kinh doanh. Bức xúc và ngán ngẩm vì cổ đông nhỏ thường bị yếu thế tại các cuộc họp với những công ty có cơ cấu cổ phần như thế này, cổ đông Văn Minh nói: “Vấn đề bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chi phối. Điều này Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nên nghiên cứu, vì nếu tiếp tục tình trạng này, các nhà đầu tư sẽ tẩy chay các cuộc IPO của các doanh nghiệp nhà nước”. Chính vì vậy, đề xuất cho một nhóm cổ đông nhỏ lẻ được có đại diện trong HĐQT tham gia biểu quyết các vấn đề tại những doanh nghiệp cũng là hợp lý, vì cổ phần nhà nước cũng là cổ phần của toàn dân. Giám sát hoạt động của đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này là lời khuyên của các chuyên gia dành cho cổ đông của các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước chiếm quá bán. Thế nhưng, việc giám sát cụ thể, rõ ràng với đầy đủ bằng chứng để khiếu nại là rất khó thực hiện.