1. Tình hình chung

Trong thời gian qua, nhằm phục vụ quá trình phát triển sản xuất và tiêu dùng, bên cạnh việc mở rộng các hoạt động nhập khẩu hàng hóa nói chung, Việt Nam đã chủ trương cho phép được nhập khẩu một số máy móc thiết bị, công nghệ cũ. Chủ trương này đã mang lại những lợi ích không nhỏ trong việc đáp ứng nhu phát triển sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, với những hạn chế nhất định trong việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng của máy móc thiết bị, công nghệ và hàng hóa nhập khẩu, nên không ít các máy móc thiết bị, công nghệ cũ không đảm bảo tiêu chuẩn, các thiết bị mà các quốc gia phát triển thải bỏ, các sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng... đã được nhập khẩu vào Việt Nam. Vấn đề này đã gây ra những tác động không chỉ với hiệu quả của bản thân quá trình sản xuất, mà hơn thế còn tác động không nhỏ tới tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, sức khỏe của người lao động từ việc sử dụng các loại thiết bị và sản phẩm này. Đã có không ít chuyên gia lo ngại rằng Việt Nam đang trở thành bãi thải của các nước phát triển. Ngoài các máy móc thiết bị, công nghệ cũ không đảm bảo chất lượng, việc nhập khẩu các sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng như các loại hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, phế liệu, các sản phẩm biến đổi gen… cũng là một vấn đề lớn đang đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết.

Qua tổng hợp, đánh giá về thực tế áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam thời gian qua cho thấy một số điểm tích cực và hạn chế cơ bản như sau:

1.1. Đối với nhóm máy móc thiết bị, công nghệ cũ

• Những tác động tích cực

Việc đưa ra các biện pháp quản lý nhằm kiểm soát nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng của Việt Nam thời gian qua đã tác động tích cực tới việc điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhập khẩu các loại máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất khác nhau. Việc sử dụng các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ thường có nguy cơ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường doanh nghiệp, do mức độ tiêu hao nguyên vật liệu của những loại máy móc thiết bị này thường ở mức cao. Chính vì vậy, khi các loại thuế/phí môi trường như phí nước thải, khí thải, phí xử lý chất thải rắn được áp dụng một cách chặt chẽ, kèm theo những chế tài nghiêm minh của Nhà nước khi các doanh nghiệp vi phạm những qui định trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng sẽ khiến doanh nghiệp phải cân nhắc trong việc lựa chọn nhập khẩu máy móc thiết bị. Trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu một dây chuyền thiết bị cũ với mức đầu tư ban đầu không cao, thì họ lại phải đối diện với nguy cơ phải trả khoản chi phí vận hành cao hơn những doanh nghiệp nhập khẩu những dây chuyền máy móc mới, hiện đại khi ngoài những khoản chi phí đầu vào có thể như nhau thì các doanh nghiệp sử dụng thiết bị cũ chắc chắn sẽ phải trả những khoản chi phí môi trường không nhỏ.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát nêu trên cũng đã tạo ra những khoản thu nhất định cho ngân sách nhà nước. Với khoản thu này, Nhà nước có thể tiến hành đầu tư cho những vấn đề môi trường và sức khỏe cộng đồng được quan tâm khác, đặc biệt là những việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho mục tiêu bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

• Những hạn chế và tồn tại

Với việc để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, các công cụ mệnh lệnh hành chính áp dụng trong việc nhập khẩu máy móc thiết bị cũ đã được loại bỏ. Thêm vào đó, các công cụ quản lý áp dụng vì mục tiêu môi trường và sức khỏe cộng đồng cũng không được xem xét trong khâu nhập khẩu, hay nói một cách khác là hành vi của doanh nghiệp đã không được điều chỉnh ngay trong khâu lựa chọn và đưa các máy móc thiết bị và công nghệ vào sử dụng trong nước. Đây có thể xem như một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nhập khẩu rất nhiều các máy móc thiết bị và dây chuyền công nghệ cũ của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã tạo ra những áp lực rất lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù việc áp dụng các công cụ quản lý vì mục tiêu môi trường và sức khỏe cộng đồng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp đã rất phổ biến, song hiệu quả mang lại chưa cao. Nguyên nhân của vấn đề này một phần do cách xác định mức thuế/phí môi trường chưa phản ánh đúng những tác động đến môi trường trong hoạt động của doanh nghiệp, một phần do các chế tài đi kèm chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện của cơ quan nhà nước chưa thực sự mang lại kết quả. Thêm vào đó, đến nay chỉ có phí nước thải là công cụ kiểm soát được áp dụng chính thức, còn các tác động đến môi trường và sức khỏe khác như: khí thải, tiếng ồn… vẫn chưa được kiểm soát. Do đó, doanh nghiệp chưa thực sự phải đối diện với những áp lực về chi phí môi trường và sức khỏe cộng đồng khi vận hành những dây chuyền máy móc, thiết bị cũ.

1.2. Đối với nhóm thực phẩm:

• Những tác động tích cực:

- Giảm bớt được một số lượng thực phẩm nhập ngoại chất lượng trung bình và thấp, thời gian sử dụng ngắn có ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng vào Việt Nam.

- Phát hiện và xử lý được một số vụ gian lận thương mại, về nhãn mác, thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm có chứa các hoá chất độc hại... đang tiêu thụ trên thị trường.

- Công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm trong thời gian gần đây đã góp phần nâng cao ý thức của một bộ phận người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm không ảnh hưởng đến môi trường và bảo vệ sức khoẻ cho bản thân cũng như cộng đồng.

• Những hạn chế và tồn đọng:

- Một số văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra, kiểm tra, ưu đãi thuế đối với sản phẩm nhập khẩu vẫn có kẽ hở cho các loại thực phẩm kém chất lượng, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng, ví dụ như:

+ Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân nước có chung biên giới: Chỉ kiểm tra đối với trường hợp qua giám sát thấy có khả năng vượt định lượng miễn thuế, có hàng lậu... (Thông tư số 47/2004/TT-BTC ngày 31 tháng 5 năm 2004 Hướng dẫn thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát Hải quan và chính sách thuế đối với hàng hoá buôn bán qua biên giới với các nước có chung biên giới theo Quyết định số 252/2003/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ).

+ Ưu đãi về miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Lào và Campuchia mà không quy định hàng nông sản sản xuất phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và không ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng: Hàng hoá nông sản chưa qua chế biến do các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ đầu tư, trồng (bằng các hình thức như: bỏ vốn, trực tiếp trồng hoặc đầu tư bằng tiền, hiện vật) tại các tỉnh của Campuchia giáp biên giới Việt Nam (như Gia Lai - Rattanakiri; Đắk Lắk - Mondonkiri; Bình Phước - Kratie; Tây Ninh - Kompông Chăm; Long An - Svay Riêng; Đồng Tháp - Prây Veng; An Giang - Ta Keo; Kiên Giang - Campôt) nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất hàng hoá tại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu và không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

- Chưa có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng các chế tài về thuế, phí môi trường đối với thực phẩm nhập khẩu có nguy cơ cao, khả năng ảnh hưởng môi trường và sức khoẻ cộng đồng lớn, chưa có các quy định bắt buộc về đặt cọc hoàn trả, ký quỹ, trích Quỹ môi trường đối với các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

- Thông tin tuyên truyền vẫn còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thực hiện triệt để; hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn yếu, bất cập về nhân lực, phân tán và phối hợp thiếu đồng bộ.

1.3. Đối với nhóm nguyên liệu, phế liệu phục vụ sản xuất trong nước

• Những tác động tích cực:

+ Việc đưa ra các qui định, chính sách nhà nước cho phép và tạo điều kiện hợp lý để nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng cũng như các loại nguyên liệu sản xuất là một trong những tiền đề góp phần giảm giá thành của sản phẩm, đưa các sản phẩm đủ sức đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới trong hoàn cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động về mặt nguyên liệu cho một số ngành sản xuất khác.

+ Việc cho phép nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng và một số loại nguyên liệu sản xuất rẻ hơn là khai thác nhằm tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên ngày càng khan hiếm ở trong nước.

+ Việc cho phép nhập khẩu và sử dụng một số loại nguyên liệu là phế liệu nhập khẩu sẽ tạo việc làm cho số lao động không nhỏ, góp phần thực hiện chính sách xã hội của đất nước.

• Những hạn chế và tồn đọng:

+ Quản lý hoạt động nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng và một số loại nguyên liệu phục vụ sản xuất của Việt Nam chủ yếu là những quy định điều chỉnh hành vi của các chủ thể liên quan đến hoạt động nhập khẩu. Đó là những quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của chủ thể nhập khẩu, quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động nhập khẩu cũng như các quy định xử lý những hành vi vi phạm. Những quy định trong quản lý hoạt động nhập khẩu ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở quy định các điều kiện tuân thủ, hay liệt kê các trường hợp được phép, thiếu các quy định pháp lý về tiêu chuẩn, sự thân thiện của hàng nhập khẩu.

Hiện nay, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn về kỹ thuật cụ thể, rõ ràng và thực tế đối với phế liệu nhập khẩu. Vì vậy, công tác phân tích, giám định chất lượng sản phẩm nhập khẩu vẫn rất khó khăn và gây nhiều tranh cãi do đặc điểm không đồng nhất. Điều này gây không ít khó khăn cho các nhà nhập khẩu cũng như đối với đội ngũ làm nhiệm vụ kiểm hóa ở các cửa khẩu. Bên cạnh đó, thiếu các tiêu chuẩn cụ thể dẫn đến việc chúng ta không có tiêu chí khách quan để cho phép nhập khẩu hay cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

+ Thiếu những quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động nhập khẩu như: cơ quan Hải quan, cơ quan môi trường, cơ quan công an, cơ quan thuế, cơ quan đo lường chất lượng sản phẩm... Vì vậy, chưa tạo được cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này khi xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa.

+ Các quy định về môi trường và sức khỏe cộng đồng liên quan đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa còn mang nặng tính hành chính, chưa có quy định thể hiện các biện pháp khuyến khích, động viên đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực hiện tốt các quy định về môi trường.

+ Mặc dù hiện nay chúng ta đã có những quy định về việc các nhà máy sản xuất phải đánh giá tác động môi trường, trong đó phải đánh giá về lượng chất thải rắn, khí thải, nước thải.... và quy định này cũng đưa ra những bộ tiêu chuẩn về nước thải, không khí, chất rắn... mà các nhà máy phải tuân thủ. Tuy nhiên, trong mỗi ngành có sử dụng hóa chất nhập khẩu lại thải ra những chất thải có nồng độ khác nhau, khí thải, chất thải khác nhau, vì vậy việc quy định một bộ tiêu chuẩn chung cho tất cả các ngành là chưa phù hợp.

+ Các quy định về môi trường và sức khỏe cộng đồng liên quan đến hoạt động nhập khẩu chưa có quy định thể hiện các biện pháp khuyến khích, động viên đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực hiện tốt các quy định về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hoặc khuyến khích họ sử dụng những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, không độc hại hoặc ít ô nhiễm môi trường hơn.

+ Việc khai báo nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu hay là phiếu các số liệu an toàn mà các hãng sản đều có trong hồ sơ nhập khẩu là rất quan trọng đối với việc quản lý hóa chất nhập khẩu. Ở Việt Nam quy định này mới về cơ bản chỉ áp dụng đối với hóa chất nguy hiểm còn các loại hàng hóa nhập khẩu khác thì chưa có quy định.

+ Công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa nghiêm và không được thường xuyên. Vì vậy, không thể phát hiện ngay những sai phạm để có sự chỉ đạo kịp thời cũng như kiến nghị với cấp có thẩm quyền những chính sách hợp lý.

2. Một số đề xuất về giải pháp đổi mới công tác kiểm soát nhập khẩu

2.1. Quan điểm chung:

Đặt trong bối cảnh và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, khi Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thế giới, nhu cầu nhập khẩu một số máy móc thiết bị, công nghệ và sản phẩm đã qua sử dụng để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước là nhu cầu thực tế và cần thiết. Tuy nhiên, cùng với yêu cầu về tăng trưởng kinh tế thì đòi hỏi về phát triển bền vững là vấn đề căn bản cần được đặt ra cần được bảo đảm trong quá trình này. Với tinh thần định hướng chung như vậy, một số quan điểm và định hướng chủ yếu cần được bám sát thực hiện trong quá trình triển khai áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng của Việt Nam trong thời gian tới như sau:

Một là, nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng vào Việt Nam phải bảo đảm phù hợp với khả năng tiếp nhận và trình độ khai thác, sử dụng của Việt Nam một cách có hiệu quả.

Hai là, việc xây dựng và áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng của Việt Nam phải bảo đảm phù hợp với các qui định quốc tế và cam kết hội nhập mà Việt Nam đã tham gia.

Ba là, nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng vào Việt Nam cần phải được thực hiện một cách có kế hoạch và lộ trình, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn của đất nước.

Bốn là, thực hiện việc kiểm soát nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng trên cơ sở khai thác, sử dụng đồng bộ các công cụ quản lý của nhà nước, trong đó lấy các công cụ kinh tế làm trọng tâm.

Năm là, tăng cường hiệu quả kiểm soát nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ cũ và các sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng thông qua phát huy vai trò và sự tham gia của cả cộng đồng, trong đó xác định vai trò đặc biệt quan trọng là các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức khoa học, tổ chức phản biện xã hội và của người dân.

2.2. Một số đề xuất cụ thể

2.2.1. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý làm cơ sở để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp quản lý nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ và các sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng vào Việt Nam.

Trước mắt, tập trung nghiên cứu xây dựng để ban hành hoặc sửa đổi, điều chỉnh các văn bản qui phạm pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới công tác quản lý nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, trong đó tập trung vào các nội dung cụ thể như sau:

- Xây dựng và ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về qui định thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động, đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Đây là Nghị định thay thế cho Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng háo quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và trước đó nữa là Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ ban hành qui định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001 - 2005.

Cho tới nay, để qui định và hướng dẫn chi tiết thi hành một số Điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP nêu trên, mới đây Bộ Công Thương đã nghiên cứu xây dựng và ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công Thương qui định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ qui định thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công Thương qui định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa.

Như vậy, yêu cầu đặt ra đối với một số Bộ, ngành là cần rà soát để xây dựng hoặc điều chỉnh, cập nhật các qui định để hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ bảo đảm kịp thời và đầy đủ, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc quản lý, kiểm soát nhập khẩu nói chung và kiểm soát nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ, sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong đó, cụ thể là các Bộ sau đây cần khẩn trương tiến hành việc xây dựng, ban hành hoặc điều chỉnh, cập nhật bổ sung để ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định 187/2013/NĐ-CP theo các lĩnh vực được phân công, gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và môi trường.

- Xây dựng và ban hành các văn bản qui phạm pháp luật nhằm hướng dẫn chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Liên quan tới vấn đề này, trước đây Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 3 năm 2011 hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Do vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các Bộ ngành khác có liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế và Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng ban hành các văn bản qui định hướng dẫn chi tiết để triển khai Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP nêu trên.

2.2.2. Rà soát, nghiên cứu và hình thành hệ thống đánh giá, cảnh báo kịp thời về tác động của những công nghệ, sản phẩm mới có liên quan tới môi trường, sức khỏe như các sản phẩm biến đổi gen, các sản phẩm sử dụng công nghệ cao, vật liệu mới... đối với các sản phẩm hàng hóa, máy móc thiết bị, công nghệ được nhập khẩu vào Việt Nam để có những biện pháp quản lý phù hợp và kịp thời.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết lập một hệ thống rà soát, đánh giá thông tin một cách thường xuyên về tác động của các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng được nhập khẩu vào Việt Nam để từ đó có những qui định phù hợp và kịp thời trong công tác quản lý nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ hoặc sản phẩm hàng hóa thuộc dạng này vào Việt Nam, đặc biệt là các loại sản phẩm hàng hóa sử dụng công nghệ mới như sản phẩm biến đổi gen, vật liệu mới...

Với đặc điểm của các loại máy móc thiết bị hoặc sản phẩm được tạo ra từ áp dụng các công nghệ mới, yêu cầu về khả năng cập nhật nhận biết về tác dụng cũng như tác động của chúng trong quá trình sử dụng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng là hết sức cần thiết. Nếu không thực hiện tốt công tác này, hệ quả tác động tới môi trường và sức khỏe cộng đồng có thể là rất lớn và lớn hơn rất nhiều so với chi phí cần phải bỏ ra trước đó để đầu tư cho công tác nghiên cứu, rà soát, đánh giá và cảnh báo sớm về những tác động này.

Hệ thống rà soát, đánh giá và cảnh báo sớm về những vấn đề nêu trên nên được thực hiện trên cơ sở tổ chức sẵn có của các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và môi trường... thông qua việc nâng cao năng lực và mức độ đầu tư từ phía Chính phủ cho các Bộ, ngành này để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

2.2.3. Tăng cường một bước căn bản năng lực của các cơ quan kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung và đối với các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nói riêng để bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa trong khâu nhập khẩu.

Nguyên tắc chung trong quản lý và kiểm soát nhập khẩu hàng hóa nói chung và các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ, sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng nói riêng là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa bảo đảm đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật... khi nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam. Vì vậy, đầu tư nâng cao năng lực cho khâu kiểm tra, kiểm định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam là một trong những khâu trọng yếu cần được tập trung thực hiện.

Thực tế thời gian qua cho thấy ở Việt Nam còn rất nhiều hạn chế trong hoạt động của các cơ quan thực hiện công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng hàng hóa nói chung và hàng hóa nhập khẩu nói riêng. Trong rất nhiều trường hợp, để kiểm định chất lượng hàng hóa nhập khẩu, các đơn vị kiểm định trong nước không đủ năng lực, trình độ và đặc biệt là trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện và qua đó dẫn tới việc buông lỏng hoặc kéo dài thời gian thực hiện hoạt động này đối với hàng hóa nhập khẩu. Mặc dù vấn đề này đã được nhìn nhận và thời gian qua đã được quan tâm đầu tư nguồn lực từ phía Nhà nước để xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động của một số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, một số trung tâm kiểm định khu vực... nhưng mức độ còn hết sức hạn chế so với yêu cầu, đòi hỏi của thực tế. Đây là vấn đề không mới nhưng trên thực tế lại rất thiếu những cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút phù hợp để tạo chuyển biến thực sự tích cực. Chính vì vậy, cần thiết có những quan tâm đầu tư đúng mức từ phía Nhà nước cũng như những cơ chế, chính sách phù hợp để có thể khai thác, huy động được các nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước... tham gia vào công tác này.

Bộ Khoa học và công nghệ cần đóng vai trò đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách và biện pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan kiểm tra, kiểm định chất lượng này của Việt Nam trong thời gian tới.

2.2.4. Tiến hành cải tiến công tác thống kê, báo cáo về tình hình nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ và các sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng của Việt Nam để làm cơ sở đánh giá, điều chỉnh chính sách quản lý một cách kịp thời và hiệu quả.

Thực tế hiện nay là công tác thống kê, theo dõi tình hình nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ và các sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng của Việt Nam còn hết sức hạn chế. Một phần quan trọng trong nguyên nhân của tình trạng này là công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với các cơ quan thống kê và hải quan còn hết sức mờ nhạt. Hầu hết các số liệu thống kê về hàng hóa nhập khẩu chỉ được thực hiện theo cách phân nhóm thông thường về hàng hóa tính thuế hải quan mà chưa chưa được đặt ra nhằm mục tiêu phân loại, thống kê theo các nhóm sản phẩm hàng hóa hoặc thiết bị đã qua sử dụng có thể gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng trong nước. Trong khi đó, đây là căn cứ hết sức quan trọng trong việc đánh giá và đề ra các chính sách, biện pháp cụ thể để quản lý, kiểm soát nhập khẩu các loại hàng hóa này.

Do vậy, cần khẩn trương có sự trao đổi, làm việc cụ thể giữa các Bộ quản lý chuyên ngành trong các lĩnh vực liên quan như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải... với Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan để có biện pháp thống kê được một cách chính thức và thường xuyên đối với các hàng hóa là máy móc thiết bị, công nghệ cũ và các loại sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng để làm căn cứ, đánh giá thường kỳ trong các lĩnh vực này.

2.2.5. Tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trong việc quản lý, kiểm soát nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng theo lộ trình hợp lý.

Yêu cầu đặt ra đối với việc kiểm soát nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, công nghệ cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng đòi hỏi phải kết hợp nhiều công cụ, biện pháp khác nhau mới có thể phát huy được hiệu quả chung. Trong đó, các công cụ kinh tế đóng vai trò trung tâm và cần được phát huy trong hoạt động này. Hiện tại các công cụ kinh tế được đưa vào áp dụng ở Việt Nam trong việc quản lý hoạt động nhập khẩu các loại máy móc thiết bị cũ, sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng còn khá hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới để có thể tiến hành đưa vào áp dụng các công cụ kinh tế trong lĩnh vực này, cần có một lộ trình và bước đi phù hợp để áp dụng từng bước các công cụ này một cách phù hợp với tính chất và điều kiện phát triển cụ thể ở Việt Nam.

Đề xuất được đưa ra ở đây là cần tiến xem xét, tiến hành áp dụng các hình thức quản lý sau đây để từng bước đưa công tác quản lý nhập khẩu các máy móc thiết bị cũ, sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng ở Việt Nam:

- Áp dụng công cụ thuế/phí môi trường đánh vào nguồn máy móc thiết bị cũ, sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng được nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam.

Các loại thuế/phí môi trường này có thể được xác định trên cơ sở nguồn gây ô nhiễm của thiết bị, sản phẩm nhập khẩu do tạo ra các chất gây ô nhiễm thải vào môi trường như: môi trường nước (như (BOD, COD, TSS, kim loại nặng...), khí quyển (như SO2, Cacbon, COx, CFCs...), đất (như rác thải, phân bón...), hoặc gây tiếng ồn (như máy bay và các loại động cơ...), ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Thuế/phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm có thể được xác định trên cơ sở khối lượng và hàm lượng (nồng độ) các chất gây ô nhiễm thải vào môi trường.

Ngoài ra, các loại thuế/phí môi trường cũng có thể được xem xét, áp dụng đối với các sản phẩm nhập khẩu có khả năng gây tác hại tới môi trường một khi chúng được sử dụng trong các quá trình sản xuất, tiêu dùng hoặc huỷ bỏ chúng. Loại phí này có thể xem xét, áp dụng đối với các loại sản phẩm có chứa chất độc hại cho môi trường như kim loại nặng, PVC, CFCs, xăng pha chì, các nguyên liệu chứa carbon và sulphat, pin/ắcqui có chứa chì, thuỷ ngân, các loại vỏ hộp, vỏ chai, giấy bao gói... Phí đánh vào sản phẩm có thể được sử dụng gây ô nhiễm nếu vì lý do nào đó, người ta không thể trực tiếp tính được phí đối với các chất gây ô nhiễm. Loại phí này có thể đánh vào sản phẩm là nguyên liệu đầu vào, sản phẩm trung gian hay thành phẩm, tuỳ theo từng trường hợp.

- Áp dụng công cụ đặt cọc - hoàn trả đối với việc nhập khẩu và sử dụng một số loại phế liệu, sản phẩm đã qua sử dụng vào Việt Nam, đặc biệt là những loại sản phẩm là phế liệu có thể tái chế hoặc tái sử dụng.

Về cơ bản, có thể xem xét để áp dụng công cụ này đối với các sản phẩm mà khi sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng nhưng có thể xử lý tái chế hoặc tái sử dụng; các sản phẩm làm tăng lượng chất thải, cần các bãi thải có qui mô lớn và tốn nhiều chi phí tiêu huỷ; hoặc các sản phẩm chứa chất độc, gây khó khăn đặc biệt cho việc xử lý; nếu tiêu huỷ không đúng cách sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ con người.

Vì vậy, trước mắt có thể xem xét để áp dụng công cụ đặt cọc - hoàn trả trong việc quản lý nhập khẩu và sử dụng các loại sản phẩm như vỏ lon, vỏ chai nhựa, thuỷ tinh, sắt, thép, nhôm phế liệu, ắcqui, săm lốp, dầu nhớt, giấy loại... Tuy nhiên, để áp dụng công cụ này, cũng cần lưu ý để xác mức đặt cọc một cách hợp lý để vừa bảo đảm được mục tiêu bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm yêu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước cho một số lĩnh vực sản xuất nhất định đang có nhu cầu nhập khẩu các loại sản phẩm này. Thực tế cho thấy, các mức đặt cọc thấp sẽ không tạo ra động cơ kinh tế đủ mạnh cho việc thu gom và tái chế phế thải. Ngược lại, các mức đặt cọc cao sẽ tạo ra sự sụt giảm quá mức lượng nhập khẩu cần thiết phục vụ cho nhu cầu trong nước. Ngoài ra, các yếu tố như nhận thức và ý thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với vấn đề thu gom phế thải, khả năng tổ chức, quản lý hệ thống thu gom cũng như vấn đề công nghệ tái chế đều có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hoạt động và thành công của hệ thống.

- Áp dụng công cụ kỹ quĩ môi trường đối với việc nhập khẩu các máy móc thiết bị cũ hoặc một số sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng nhưng khó khăn trong việc xử lý hoặc xử lý sẽ tốn phí nhiều chi phí.

Cơ chế áp dụng công cụ này cũng tương tự như đối với công cụ đặt cọc - hoàn trả như đã nêu ở trên. Để bảo đảm về mặt an toàn môi trường và sức khỏe cộng đồng, trước khi nhập khẩu một thiết bị hay sản phẩm, nhà nhập khẩu phải ký gửi một khoản tiền để bảo đảm sự cam kết về thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong trường vượt tiêu chuẩn cho phép. Sau khi nhập khẩu thiết bị hoặc sản phẩm, nếu tình trạng ô nhiễm không vượt quá mức cho phép thì họ sẽ nhận được nhận lại số tiền đã ký quĩ đó. Ngược lại, nếu bên ký quĩ không thực hiện đúng cam kết hoặc phá sản thì số tiền đã ký quĩ sẽ được rút ra từ tài khoản ngân hàng/tổ chức tín dụng để chi cho công tác khắc phục sự cố suy thoái môi trường. Ký quĩ môi trường tạo ra lợi ích cho Nhà nước vì không phải đầu tư kinh phí khắc phục môi trường từ ngân sách. Kỹ quĩ môi trường cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp sẽ có lợi ích do lấy lại được vốn khi không để xảy ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường.

Tuy nhiên, cũng do nguyên lý hoạt động như vậy, khi áp dụng công cụ này, cần phải nghiên cứu, tính toán để xác định số tiền ký quĩ ở mức phù hợp mới tạo được hiệu quả trong quá trình sử dụng. Rõ ràng số tiền ký quí phải lớn hơn hoặc xấp xỉ với kinh phí cần thiết để khắc phục môi trường nếu doanh nghiệp gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường. Nếu số tiền ký quĩ quá nhỏ so với chi phí bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng từ bỏ việc nhận lại số tiền ký quĩ đó và không thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của mình.

- Áp dụng công cụ nhãn sinh thái đối với các thiết bị cũ, sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng khi nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là đối với nhóm các sản phẩm là thực phẩm hoặc sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu tái chế.

Để thực hiện được việc áp dụng công cụ này, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải thiết lập được một hệ thống kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm một cách thống nhất và có khả năng áp dụng trên diện rộng. Máy móc, thiết bị kiểm tra chất lượng cũng được coi là yếu tố cơ bản để bảo đảm áp đụng được công cụ này.

Rõ ràng, với thực tế như hiện nay, việc áp dụng công cụ này ở Việt Nam không phải là đơn giản, đặc biệt là đối với các nguồn hàng là hoa quả, thực phẩm nhập khẩu từ các nước lân cận qua đường tiểu ngạch vốn vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm soát. Vì vậy, hiệu quả áp dụng công cụ này phụ thuộc rất nhiều việc kết hợp thực thi các biện pháp về quản lý thị trường, chống buôn lậu ngay từ khu vực biên giới cửa khẩu.

- Xem xét, áp dụng ở mức độ hợp lý công cụ trợ cấp môi trường trong việc nhập khẩu một số loại thiết bị cũ, sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

Để khuyến khích việc nhập khẩu các loại máy móc thiết bị cũ và sản phẩm có ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng ở dưới mức cho phép, đặc biệt là trong một số lĩnh vực, ngành nghề sản xuất theo định hướng của Nhà nước, cần nghiên cứu để áp dụng hình thức trợ cấp môi trường vào hệ thống quản lý môi trường ở Việt Nam. Có thể nghiên cứu khả năng ưu đãi về thuế để các doanh nghiệp có thể nhập khẩu các thiết bị sản xuất cũ nhưng có trình độ tiên tiến hơn mức tối thiểu được cho phép để khuyến khích sự phát rtiển của một số ngành sản xuất nhất định. Việc áp dụng công cụ này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ngân sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, trợ cấp có thể gây ra sự không hiệu quả. Các nhà sản xuất có thể đầu tư quá mức vào kiểm soát và xử lý ô nhiễm (làm giảm ô nhiễm nhiều hơn so với mức tối ưu cũng là không hiệu quả). Trường hợp ngược lại, trợ cấp không được hạch toán toàn bộ vào chi phí giảm ô nhiễm mà một phần được dùng để hạ thấp chi phí sản xuất cá nhân, làm tăng lợi nhuận. Vì vậy, có thể xem xét áp dụng trợ cấp môi trường như là một biện pháp tạm thời, nếu vận dụng không thích hợp hoặc kéo dài sẽ dẫn đến phi hiệu quả kinh tế, vì trợ cấp đi ngược với nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền", nó tạo ra sự thay đổi số công ty (vào - ra tự do đối với một ngành), thay đổi mức hoạt động của ngành mà mục đích giảm ô nhiễm lại không đạt được./.