Một số điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là trụ cột quan trong trong hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam. Định hướng Nghị quyết Đại hội XI Đảng CSVN nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng

Ngày 20/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 (thay thế Luật số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

BHXH là trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Luật BHXH năm 2014 gồm 9 Chương, 125 Điều (Luật BHXH năm 2006 gồm 11 Chương, 141 Điều), trong đó có nhiều nội dung bổ sung, sửa đổi phù hợp với quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối tượng áp dụng tham gia BHXH bắt buộc mở rộng hơn cho "người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 3 tháng" và "người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam…".

Thêm quy định mới về chế độ thai sản

Điều kiện hưởng chế độ thai sản ngoài các đối tượng đã quy định, Luật BHXH năm 2014 thêm đối tượng là "Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ" và "Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con". Người lao động đủ điều kiện theo quy định khi chấm dứt HĐLĐ, HĐ làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Lao động nam được nghỉ 5 ngày làm việc khi vợ sinh con, 7 ngày nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi, trường hợp sinh đôi được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày, nếu vợ sinh đôi trở lên phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ manh thai hộ. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Quy định mới về chế độ hưu trí

Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động yêu cầu cao hơn: Phải có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi nếu suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Mức lương hưu hàng tháng được tính như sau: Từ ngày 01/01/2016 đến trước ngày 01/01/2018 mức lương hưu tính bằng 45% mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Từ 01/01/2018 mức lương hưu tính bằng 45% lương bình quân tương ứng với lao động nam nghỉ hưu 2018 là 16 năm, 2019 là 17 năm, 2020 là 18 năm, 2021 là 19 năm, 2022 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ 2018 là 15 năm. Người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tiính theo số năm đóng BHXH cao hơn, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương hàng tháng của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu:

- Tham gia BHXH trước 01/01/1995 tính bình quân 5 năm cuối

- Tham gia BHXH từ 01/01/1995 đến 31/12/2000 tính bình quân 6 năm cuối

- Tham gia BHXH trước 01/01/2001 đến 31/12/2006 tính bình quân 8 năm cuối

- Tham gia BHXH trước 01/01/2007 đến 31/12/2015 tính bình quân 10 năm cuối

- Tham gia BHXH trước 01/01/2016 đến 31/12/2019 tính bình quân 15 năm cuối

- Tham gia BHXH trước 01/01/2020 đến 31/12/2024 tính bình quân 20 năm cuối

- Tham gia BHXH từ 01/01/2025 tính bình quân của toàn bộ thời gian

Người lao động có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ Nhà nước quy định vừa có thời gian do người sử dụng lao động quyết định thì tính tiền lương bình quân tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính như trên.

Nguyễn Xuân Thái