Một số vấn đề lý luận cơ bản và sự tác động kinh tế - xã hội của du lịch

ThS. Nguyễn Thu Phương (Giảng viên Khoa Quản lý Nhà nước về xã hội - Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:
Những năm gần đây và nhất là 6 tháng đầu năm 2018, du khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao. Theo số lượng thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính chung 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017, doanh thu từ khách du lịch tới Việt Nam đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là những tín hiệu đáng mừng, song cũng cần nhận thức làm rõ nội hàm của du lịch, kinh tế du lịch. Bài viết phân tích một số vấn đề lý luận cơ bản và sự tác động kinh tế - xã hội của ngành Du lịch nước ta, nhằm khai thác có hiệu quả hơn và hạn chế những tác động không tích cực đến kinh tế - xã hội của du lịch.
Từ khóa: Lý luận cơ bản, tác động kinh tế - xã hội, du lịch.

1. Các khái niệm cơ bản về du lịch và kinh tế du lịch
1.1. Khái niệm về du lịch
Quan niệm về du lịch và cách tiếp cận về du lịch hiện nay ở trên thế giới và ở nước ta còn có nhiều quan niệm và cách tiếp cận khác nhau, chưa có sự thống nhất cao về một quan niệm hay định nghĩa về du lịch. Mặc dù, hoạt động du lịch đã có nguồn gốc hình thành từ rất lâu và phát triển với tốc độ nhanh, song đến nay khái niệm du lịch vẫn còn có sự khác nhau về nội hàm.
Ngày nay, du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến và là một trong những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của con người. Từ đó, thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu hình thành nội hàm khoa học về thuật ngữ du lịch. Qua nghiên cứu các khái niệm về du lịch từ trước đến nay có thể nhận thấy mỗi khái niệm về du lịch đều gắn với một giai đoạn lịch sử, thể hiện trình độ phát triển của ngành Du lịch giai đoạn đó. Có khái niệm xem xét về khía cạnh “khách du lịch”, có khái niệm lại xem xét về “du lịch”, có khái niệm lại xem xét sâu về góc độ “kinh tế”, cũng có những xem xét sâu về mức độ “kinh doanh” của hoạt động du lịch.
Với cách tiếp cận trên góc độ của người đi du lịch, có thể khái niệm: “Du lịch là cuộc hành trình và lưu trú tạm thời ở ngoài nơi cư trú thường xuyên của cá thể, nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau, với mục đích hòa bình và hữu nghị”. Theo khái niệm này, hoạt động du lịch được xem như một cơ hội tìm kiếm những kinh nghiệm sống, thỏa mãn một số các nhu cầu về vật chất và tinh thần của người đi du lịch.
Trên góc độ kinh doanh du lịch, có thể nêu khái niệm: “Du lịch là quá trình tổ chức các điều kiện về sản xuất và phục vụ nhằm thỏa mãn, đáp ứng các nhu cầu của người đi du lịch”.
Một khái niệm do ông Michael Coltrman (Mỹ) thì du lịch được định nghĩa như sau: Du lịch là sự kết hợp và tương tác của 4 nhóm nhân tố trong quá trình phục vụ du khách bao gồm: (1) Du khách,(2) Nhà cung ứng dịch vụ du lịch, (3) Cư dân sở tại và (4) Chính quyền nơi đón khách du lịch.
Mối quan hệ đó thể hiện ở Sơ đồ 1: Sự quan hệ tương tác 4 nhóm nhân tố. Theo sơ đồ 1, sự kết hợp mang ính hữu cơ trên cơ sở nhu cầu của du khách, có sự kết nối của nhà cung ứng dịch vụ du lịch, sự tham gia cung cấp dịch vụ của cư dân nơi sở tại và sự chấp thuận, tạo điều kiện và sự đảm bảo của chính quyền địa phương nơi đón tiếp du khách. Sự kết hợp hình thành mối quan hệ tương tác, hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và thỏa mãn nhu cầu của con người và nhóm người thực hiện chuyến đi du lịch.
Như vậy, có thể nhận thấy các khái niệm về du lịch nêu trên chủ yếu mang tính định tính, cơ bản phản ánh những lợi ích mà hoạt động du lịch mang lại và tùy từng đối tượng khác nhau mà khái niệm “du lịch” đưa ra chỉ phản ánh lợi ích của hoạt động du lịch với các đối tượng cụ thể đó. Các khái niệm này không giúp cho việc lượng hóa hoạt động du lịch để có thể phân biệt hoạt động du lịch với các hoạt động đi lại khác.
Tại Hội nghị quốc tế về Thống kê du lịch ở Otawa., Canada vào tháng 06/1991, thuật ngữ du lịch được định nghĩa như sau: “Du lịch là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môi trường thường xuyên (Nơi ở thường xuyên của mình), trong một khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được các tổ chức du lịch qui định trước, mục đích của chuyến đi không phải là để tiến hành các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng tới thăm”.
Khái niệm này không chỉ đảm bảo yêu cầu mô tả hoạt động du lịch mà còn là cơ sở để lượng hóa được các hoạt động du lịch giúp cho việc nghiên cứu thống kê về hoạt động du lịch. Từ đó, có thể nhận thấy hoạt động của các cá nhân tới hoạt động cụ thể của các cá nhân được xem là khách du lịch. Đây được coi là đối tượng chính của hoạt động du lịch, vì nhờ có khách du lịch mà hoạt động du lịch mới tồn tại. Vì thế, việc phân tích làm rõ khái niệm “du lịch” sẽ liên quan tới việc phân tích khái niệm “khách du lịch”.
Với định nghĩa nêu trên, du lịch là hoạt động liên quan đến nhu cầu, nhưng không phải mọi nhu cầu đều là du lịch. Chỉ có hoạt động nào dẫn đến thỏa mãn nhu cầu về tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định mới được gọi là du lịch.
Luật Du lịch năm 2005 định nghĩa về du lịch và hoạt động du lịch như sau: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến các chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”và “Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch”.
Du lịch là một hoạt động có nhiều đặc thù, gồm nhiều thành phần tham gia, tạo thành một tổng thể hết sức phức tạp. Hoạt động du lịch vừa có đặc điểm của ngành kinh tế vừa có đặc điểm của ngành kinh tế - xã hội. Từ đó, có thể nghiên cứu trên cơ sở các công trình đã công bố về kinh tế du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.
1.2. Khái niệm về kinh tế du lịch
Cho đến nay đã có nhiều công trình công bố về quan niệm kinh tế du lịch và cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau, có thể nêu lên một số khái niệm tiêu biểu như sau:
Theo tác giả Nguyễn Đình Sơn: “Kinh tế du lịch là một phạm trù phản ánh bước tiến mới của lực lượng sản xuất trong quá trình tổ chức khai thác các tài nguyên du lịch của đất nước thành sản phẩm du lịch, nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tổ chức buôn bán xuất khẩu tại chỗ hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng cho du khách, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.
Một cách tiếp cận khác về góc độ kinh tế và kinh doanh của du lịch, Khoa Du lịch và Khách sạn - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã đưa ra một định nghĩa trên cơ sở tổng hợp những lý luận và thực tiễn của hoạt động du lịch trên thế giới và ở Việt Nam trong những năm gần đây như sau: “Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu khác của khách du lịch. Các hoạt động đó phải đem lại lợi ích kinh tế, chính trị - xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và bản thân doanh nghiệp”.
Theo các nhà quản lý nhà nước về kinh tế, du lịch có thể được hiểu là: “Việc tổ chức các điều kiện về hành chính, về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ du khách. Du lịch là tổng hợp các hoạt động kinh doanh đa dạng, được tổ chức nhằm giúp đõ việc hành trình và lưu trú tạm thời của cá thể. Du lịch là cơ hội để bán các sản phẩm địa phương, tăng thu ngoại tệ, tăng các nguồn thu nhập từ các khoản thuế gián tiếp và trực tiếp, đẩy mạnh cán cân thanh toán và nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương”. Khái niệm này cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế coi hoạt động du lịch là cơ sở để tăng nguồn thu nhập và nâng cao mức sống về tinh thần và vật chất cho người dân.
Luật Du lịch năm 2005 đã xác định: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao”.
Như vậy, có thể nhận thấy các khái niệm về du lịch nêu trên chủ yếu mang tính định tính, cơ bản, phản ánh những lợi ích mà hoạt động du lịch mang lại và tùy từng đối tượng khác nhau mà khái niệm “du lịch” đưa ra chỉ phản ánh lợi ích của hoạt động du lịch với các đối tượng cụ thể đó. Các khái niệm này không giúp cho việc lượng hóa hoạt động du lịch để có thể phân biệt hoạt động du lịch với các hoạt động đi lại khác.
Ở nước ta, du lịch đã có vai trò to lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở hệ thống làm rõ một số khái niệm về du lịch nêu trên, có thể nhận thấy, du lịch và hoạt động du lịch có sự tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và vùng kinh tế nói riêng.
1.3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thứ nhất, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ hai, phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.
Thứ ba, phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu, khám phá cảnh quan, di sản thiên nhiên và văn hóa của đất nước; tôn trọng và đối xử bình đẳng đối với khách du lịch từ tất cả các thị trường.
Thứ tư, phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thứ năm, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch..
Trên thế giới nhiều nước đã coi kinh tế du lịch là ngành công nghiệp không khói, mang lại lợi ích vô cùng to lớn, kinh tế du lịch không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước mà còn tạo động lực phát triển các ngành kinh tế khác, tạo nhiều cơ hội về việc làm và thu nhập cho người dân, là phương tiện quảng bá hiệu quả hình ảnh đất nước.
Ở nước ta, ngành Du lịch đã được hình thành và phát triển từ những năm 1960, đặc biệt từ những năm 1990 được coi là ngành kinh tế và từ đó đến nay đã phát triển nhanh chóng và đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây đối với ngành Du lịch, kinh tế du lịch có nhiều triển vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới theo định hướng và mục tiêu của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị.
Sự hình thành và phát triển của kinh tế du lịch là kết quả của quá trình phát triển tất yếu khách quan của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội. Tuy nhiên, cần làm rõ tác động kinh tế - xã hội của du lịch nhằm khai thác có hiệu quả sự tác động kinh tế - xã hội của du lịch ở nước ta nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
2. Những tác động kinh tế - xã hội của du lịch
Những tác động kinh tế - xã hội chủ yếu của du lịch đối với phát triển bao gồm các yếu tố như sau:
Thứ nhất, phát triển du lịch góp phần đóng góp vào quá trình hình tạo ra thu nhập quốc dân (sản xuất ra đồ lưu niệm, chế biến thực phẩm, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật…), làm gia tăng tổng sản phẩm quốc nội. Du lịch tác động tích cực vào việc làm, làm cân đối thu nhập và chi tiêu của nhân dân các vùng (thường thì các vùng phát triển mạnh du lịch lại là những vùng kém sản xuất ra của cải vật chất, dẫn đến thu nhập của người dân tại những vùng đó từ sản xuất là thấp).
Thứ hai, du lịch là một ngành “xuất khẩu tại chỗ” những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản… theo giá bán lẻ cao hơn (nếu như bán qua xuất khẩu sẽ theo giá bán buôn). Được trao đổi thông qua con đường du lịch, các hàng hóa được xuất khẩu mà không chịu hàng rào thuế quan mậu dịch quốc tế.
Thứ ba, du lịch là ngành “xuất khẩu vô hình” hàng hóa du lịch. Đó là, các cảnh quan thiên nhiên, những giá trị của những di tích lịch sử - văn hóa, tính độc đáo trong phong tục, tập quán…, mà không bị mất đi qua mỗi lần bán, thậm chí giá trị và uy tín của nó ngày càng tăng lên qua mỗi lần đưa ra thị trường nếu như chất lượng phục vụ du lịch cao.
Thứ tư, tác động của du lịch vào quá trình củng cố và phát triển các mối quan hệ kinh tế quốc tế của các quốc gia. Mở rộng du lịch quốc tế gắn liền với tăng lượng khách phục vụ, trong đó, sự đi lại, tìm hiểu thị trường của khách du lịch quốc tế là thương nhân được chú trọng, từ đó, du lịch tác động vào quá trình thúc đẩy đầu tư, buôn bán quốc tế. Bản thân hoạt động kinh doanh du lịch cũng phát triển theo hướng quốc tế hóa, vì khách du lịch thường đến nhiều nước trong một chuyến đi du lịch nhiều ngày. Hình thức liên doanh, liên kết ở phạm vi quốc tế trong kinh doanh du lịch đem lại lợi ích kinh tế cao, từ đó, kích thích đầu tư nước ngoài vào du lịch và tăng cường chính sách mở cửa ở các quốc gia phát triển du lịch.
Thứ năm, hoạt động kinh doanh du lịch đòi hỏi sự hỗ trợ liên ngành. Sự hỗ trợ liên ngành là cơ sở cho các ngành khác như: (giao thông vận tải, tài chính, bưu chính viến thông, công nghiệp và nông nghiệp) phát triển. Tác động của du lịch sẽ tạo ra cơ hội mở mang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế như: mạng lưới giao thông, mạng lưới điện nước… phát triển.
Thứ sáu, về mặt xã hội, phát triển du lịch sẽ góp phần vào giải quyết công ăn việc làm cho người dân, góp phần giảm quá trình đô thị hóa ở đô thị ở các quốc gia kinh tế phát triển. Du lịch làm tăng thêm tầm hiểu biết chung về xã hội của người dân thông qua người ở địa phương khác, khách du lịch nước ngoài về (phong cách sống, khiếu thẩm mỹ, ngoại ngữ…).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Giáo trình (2008), Kinh tế du lịch. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
2. Luật Du lịch (2005). Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
3. Nghị quyết số 08/NQ của Bộ Chính trị khóa XII.
4. Tổng cục Du lịch (2006), Đề xuất hệ thống Phương pháp luận. Bản tin quí III và IV/2006.
5. Phạm Ngọc Thắng (2012), Phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo ở Lào Cai, Luận án tiến sỹ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

SOME BASIC THEORETICAL ISSUES AND THE SOCIO-ECONOMIC IMPACT OF TOURISM

MA. Nguyen Thu Phuong

Lecturer of Faculty of State Management of Social Affairs

ABSTRACT:

In recent years and especially in the first 6 months of 2018, international tourists to Vietnam has increased drastically. According to statistics from the Vietnam National Administration of Tourism, in the first half of 2018, Vietnam welcomed nearly 8 million visitors, up 27.2% over the same period in 2017, revenue from tourists to Vietnam Nam reached 312,000 billion, up 22.5% over the same period in 2017. Despite positive signs, it is necessary to to clarify the meaning of tourism and tourism economy. The paper analyzes some basic theoretical issues and socio-economic impacts of Vietnam's tourism industry in order to exploit more effectively and limit the negative impacts on the socio-economy of travel.

Keywords: Basic theory; socio-economic impacts, tourism.