Năm 2013: Giải pháp nào hỗ trợ thị trường chứng khoán?

Sau những tín hiệu từ các chính sách vĩ mô của Nhà nước làm cho thị trường chứng khoán đã có sự khởi sắc ngay từ những phiên giao dịch đầu năm 2013, với những nhà đầu tư trên thị trường thì có lẽ đây

Tuy vậy, để thị trường có sự phục hồi ổn định và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, thiết nghĩ các cơ quan quản lí cần đưa ra các giải pháp có tính lâu dài để định hướng cho thị trường chứng khoán trở thành một địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giảm lãi suất để thúc đẩy thị trường đi lên

Trong quá khứ, thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy chưa có lần nào lãi suất giảm mà thị trường chứng khoán lại không phản ứng tích cực dù tăng ít hay tăng nhiều. Đầu năm 2012, các cơ quan quản lí đã quy định mức trần lãi suất và kết quả đã kích thích thị trường tăng trưởng lên tới 40% trong gần 5 tháng. Với tình hình sản xuất kinh doanh như hiện nay, mức lãi suất huy động của các ngân hàng nên ở mức 8% cộng với lãi từ 3 - 4%, khi đó lãi suất cho vay ra khoảng 11 - 12% nhằm khuyến khích sản xuất, kết hợp với chính sách kiềm chế lạm phát ở mức một con số thì hy vọng thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định là có cơ sở.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đối với các tổ chức niêm yết nhằm nâng cao tính minh bạch.

Chất lượng của các cổ phiếu niêm yết, chất lượng của các tổ chức kinh doanh chứng khoán chịu sự tác động không nhỏ từ sự quản lí của các Sở giao dịch. Có lẽ đối với các nhà đầu tư thì sự minh bạch trong công bố thông tin của các tổ chức niêm yết là vấn đề hết sức quan trọng bởi đại bộ phận các nhà đầu tư đều cần thông tin trước khi thực hiện đầu tư, sự chậm trễ hay che giấu thông tin của các tổ chức phát hành ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích cũng như niềm tin của nhà đầu tư. Sở giao dịch chứng khoán với tư cách là đơn vị quản lí trực tiếp cần có các biện pháp cũng như các chế tài xử phạt thật nặng đối với các tổ chức niêm yết khi sai phạm trong việc công bố thông tin. Chẳng hạn như Công ty cổ phần Chứng khoán SME đã không công bố báo cáo tài chính đầy đủ đến hết quý 3/2012 và làm ăn thua lỗ, nhưng phải đến tháng đầu quý 4 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới quyết định hủy niêm yết; qua đây cho thấy Sở Giao dịch Chứng khoán còn buông lỏng trong công tác kiểm tra và chưa có biện pháp xử lí kịp thời. Mặt khác khi sự minh bạch trong các báo cáo tài chính chưa cao làm cho thị trường chứng khoán sẽ biến động tiêu cực trước những tin đồn không chính xác hay những tin đồn thất thiệt. Cho nên, các Sở giao dịch cần có sự kiểm tra, giám sát hơn nữa sự biến động của thị trường do ảnh hưởng của tin đồn tiêu cực và có biện pháp kịp thời để giảm thiểu thiệt hại cho các nhà đầu tư. Phiên giao dịch gần đây vào ngày 26/2/2013 khi HNX-Index giảm 3,4%, chỉ còn trên 62 điểm. Vn-Index cũng giảm gần 19 điểm (3,85%), tuột mốc 470 điểm, xuống còn 465,05 điểm, một trong những nguyên nhân mà nhà đầu tư kháo nhau đó là việc một số nhà đầu cơ trong đợt vừa qua đã bị cơ quan chức năng dò ra thông tin, do vậy những người này buộc phải xả hàng để “chạy” trước, còn trước đó là phiên giao dịch ngày 21/2/2013 khiến thị trường mất gần 35.000 tỉ đồng vốn hóa trước tin đồn Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ông Trần Bắc Hà bị bắt rộ lên.

Nâng cao kiến thức kinh doanh chứng khoán và đa dạng hóa các loại hình nhà đầu tư

Có thể nói kiến thức hay sự hiểu biết trong đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân còn thiếu và yếu dẫn đến việc đưa ra quyết định đầu tư chưa chính xác, chưa đúng địa chỉ, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực tài chính của các công ty còn thiếu tính chuyên nghiệp, nên khi thị trường chứng khoán lâm vào khủng hoảng, sẽ tác động đến tình hình tài chính của công ty và ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh. Đồng thời Nhà nước cần sớm xây dựng các khuôn khổ hành lang pháp lí, các chế tài để hình thành và phát triển các quỹ bất động sản, quỹ đầu tư chỉ số… để cùng với các quỹ đầu tư hiện có làm đa dạng hóa các loại hình nhà đầu tư nhằm phát triển thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó cần hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút một lượng vốn lớn các nhà đầu tư nước ngoài, cần đơn giản hóa thủ tục đăng kí đầu tư, ưu đãi về thuế, phí để tạo điều kiện và khuyến khích họ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta cần có cơ chế giám sát, tăng cường tính minh bạch trong chế độ báo cáo thống kê hoạt động lưu chuyển của vốn ngoại và cần có biện pháp phản ứng kịp thời khi dòng vốn đảo chiều. Đồng thời để tăng tính thanh khoản cho thị trường các cơ quan quản lý cần điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ ở mức 50:50 thay vì 40:60 như hiện nay, qua đó để nhà đầu tư vay được nhiều hơn từ các công ty chứng khoán.

Giám sát năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các công ty chứng khoán

Năm vừa qua vấn đề năng lực tài chính các công ty chứng khoán được các cơ quan quản lí nhà nước “chăm sóc” hơn bao giờ hết, cụ thể là sự ra đời thông tư số 52/2012/TT-BTC ngày 05/4/2012 về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Theo đó, các công ty kinh doanh chứng khoán phải cập nhật định kì thông tin về tỉ lệ an toàn tài chính, những công ty có tỉ lệ an toàn tài chính thấp được đánh dấu kiểm soát đặc biệt, qua đó giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn tình trạng “sức khỏe” của công ty mà mình chọn để thực hiện đầu tư. Sự giám sát này sẽ giúp các cơ quan quản lí sàng lọc, sáp nhập những công ty yếu kém nhằm tăng quy mô, chất lượng hoạt động, giảm số lượng cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Điều này sẽ phát triển các công ty chứng khoán theo mô hình kinh doanh đa năng và chuyên doanh, từ đó từng bước nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ chứng khoán. Đồng thời các công ty chứng khoán cần phát triển hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên hành nghề chứng khoán, ứng dụng công nghệ thông tin trên hệ thống theo dõi thị trường, nâng cao chất lượng nghiệp vụ không chỉ ở kĩ năng, kiến thức mà cần đề cao đạo đức nghề nghiệp. Năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi tiến hành thanh tra các công ty chứng khoán đã phát hiện ra hàng loạt các hành vi bán khống, xuất hiện ở mọi cấp độ từ những cá nhân đơn lẻ cho tới cả tổ chức, qua đây cho thấy sự buông lỏng của các cơ quan quản lí nhà nước và ý thức đạo đức nghề nghiệp yếu kém của các cá nhân trong công ty kinh doanh chứng khoán.
ThS. Lưu Huỳnh - TCCT