Nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý thị trường

Hiện nay, các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái… nhìn chung vẫn đang diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và qui mô hơn. Đặc biệt thường tập trung

Thông tin trên được đưa ra tại "Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác quản lý thị trường năm 2015 và quán triệt Chỉ thị số 30/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá" vừa qua.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong hoạt động buôn lậu, các khu vực biên giới là nơi có nhiều diễn biến phức tạp nhất và luôn là điểm nóng. Các thủ đoạn điển hình thường được áp dụng, như: Ở biên giới phía Bắc, các đối tượng áp sát hàng hóa ngay đường biên giới, mở thêm đường mòn mới để chờ thời cơ là tuồn hàng vào nội địa, sau đó được hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng để tiêu thụ. Ở tuyến biên giới phía Tây Nam, các đối tượng lại chuyển hướng sang vận chuyển bằng đường thủy và hàng nhập lậu thẳng vào TP. Hồ Chí Minh là khá lớn. Ở khu vực biên giới Việt - Lào, các mặt hàng thuốc lá ngoại, rượu, bia… nhập lậu được xé lẻ, tháo rời và vận chuyển bằng thuyền nhỏ dọc theo sông Sepon, gùi qua đường mòn phụ cận, gia cố trên các phương tiện vận chuyển để về sau trong nội địa; viết hóa đơn khống, hóa đơn quay vòng với giá trị trên hóa đơn thấp hơn giá trị thực. Các đối tượng rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng với mức độ nguy hiểm. Trong năm 2014, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, xử lý 16.826 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với giá trị 191,7 tỷ đồng. Nổi bật về gian lận thương mại là kinh doanh hàng đóng gói sẵn không đủ định lượng chi trên bao bì, ghi nhãn hàng hóa sai hoặc không đủ nội dung bắt buộc; các vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất thủ công, các doanh nghiệp hoạt động có qui mô nhỏ, lẻ. Năm 2014, lực lượng QLTT đã phát hiện 59.056 vụ vi phạm với giá trị 121 tỷ đồng. Nổi cộm những vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là tình trạng hàng Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những hàng giả, sở hữu trí tuệ này không chỉ sản xuất ở Việt Nam, mà còn cả ở nước ngoài, sau đó tuồn vào Việt Nam qua các cửa khẩu. Năm 2014, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 17.393 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ với giá trị 36 tỷ đồng.

Trong các hoạt động buôn lậu thì tình trạng buôn lậu thuốc lá đang ở mức báo động. Hoạt động này đã kéo dài nhiều năm với qui mô rất lớn, gây nhức nhối cho các nhà quản lý và đây là loại hoạt động điển hình về buôn lậu. Theo ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, những thiệt hại từ hoạt động buôn lậu thuốc lá rất khủng khiếp. Trong năm 2013, thuốc lá nhập lậu gây thất thu cho NSNN 6.500 tỷ đồng, năm 2014 có thể thất thu đến 8.000 tỷ đồng và Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá hàng đầu trong số 14 quốc gia châu Á. Không chỉ có vậy, thuốc lá nhập lậu còn gây tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh thuốc lá của Việt Nam, làm giảm sản lượng tiêu thụ hơn 20% và mất 30% thị phần; hàng trăm nghìn lao động mất việc làm; trên bao thuốc lá nhập lậu không phải in cảnh báo sức khỏe, không bị kiểm soát về hàm lượng độc tố…

Ông Cường còn cho biết, trước đây, thuốc lá lậu chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh miền Tây Nam bộ (45%), nhưng hiện đã lan tràn hầu hết trên cả nước và chủ yếu là Hero, Jet. Thời gian qua còn xuất hiện nhiều thuốc lá giá rẻ, chất lượng kém như: League, Luxury, Gem… với giá chỉ từ 4.000 - 18.000. Cũng vì nguồn siêu lợi nhuận, bọn buôn lậu đã hình thành những đường dây xuyên quốc gia với nhiều mô hình và thủ đoạn tinh vi; sẵn sàng mua sắm những trang thiết bị rất hiện đại như tàu cao tốc cánh ngầm, xe ôtô loại sang trọng, thậm trí cả vũ khí… để phục vụ cho các hoạt động buôn lậu. Năm 2014, lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 13.367 lượt, xử lý 8.905 vụ với số tiền xử phạt là 25 tỷ đồng, tịch thu 2 triệu bao thuốc lá, thu giữ 12 ôtô, 716 xe máy, 8 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan công an khởi tố 32 vụ.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp trong các hoạt động buôn lậu, vi phạm hàng giả..., Ban chỉ đạo Quốc gia 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được thành lập ngày 19/3/2014, nhằm nâng cao tầm quản lý nhà nước trong họat động này; huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng cũng như có sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng từ Trung ương đến địa phương, qua đó đã nâng cao hiệu quả rõ rệt. Trong năm 2014, Ngành đã kiểm tra 168.837 vụ, tăng 7.598 vụ (4,7%) so với năm 2013; xử lý 93.278 vụ, tăng 8.785 vụ (10,4%) so với năm 2013; nộp ngân sách 396,7 tỷ đồng, tăng 67,7 tỷ đồng (20,6%) so với năm 2013; giá trị hàng tịch thu chưa bán 89,3 tỷ đồng, giảm 33,6 tỷ (27,3%) so với năm 2013; đã làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công Thương để ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo kịp thời, thiết thực; đã triển khai 1.933 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến pháp luật cho 30.174 tổ chức, cá nhân kinh doanh…; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ… cho 4.198 cán bộ, công chức Ngành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành QLTT hiện cũng đang gặp một số khó khăn như: Vướng mắc về giao quyền và xử phạt hành chính bởi một số văn bản; có những đội QLTT chỉ có từ 2 - 3 người, nhưng phụ trách đến 2,3 huyện, vậy sẽ khó khăn khi xử lý các vụ việc xảy ra; trang thiết bị thiếu trầm trọng cùng với việc thiếu nguồn kinh phí khi phải xử lý tiêu hủy hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa có tính độc hại cho môi trường; trong vấn đề kiện toàn bộ máy, đang vướng mắc Thông tư liên tịch giữa Bộ Công Thương và Bộ Nội Vụ.

Hội nghị trực tuyến tại 3 thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà nẵng

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực, khó khăn và vất vả của lực lượng QLTT; Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Công Thương đã hoàn thiện Dự thảo Pháp lệnh về QLTT để trình Thủ tướng Chính phủ, và coi đây là văn bản rất quan trọng giúp ngành QLTT giải quyết được rất nhiều vướng mắc hiện nay trong hoạt động; ngoài ra, với quân số 62 cán bộ của Cục QLTT là quá ít, qua đó rất khó có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ nặng nề được giao.

Cũng trong Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, do hoạt động của ngành QLTT phải dựa vào rất nhiều loại văn bản, nên các đơn vị cần chủ động, tích cực đề xuất với các cấp lãnh đạo để xây dựng các văn bản được hoàn thiện, tránh hiện tượng văn bản không rõ ràng gây khó khăn trong công tác xử lý; trong tình hình Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng với quốc tế, từ đó các âm mưu, thủ đoạn cũng ngày càng tinh vi, vì vậy các cán bộ cố gắng nâng cao năng lực để phát hiện những âm mưu đó; để tạo sức mạnh và tầm kiểm soát có chất lượng, cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, hình ảnh của lực lượng QLTT luôn có tính nhạy cảm trong đời sống xã hội, vì vậy các chương trình, kế hoạch khi đã thực hiện cần triệt để, tránh hiện tượng làm theo chiến dịch rồi sau đó lại để tình trạng như cũ; mặt khác, các cán bộ của Ngành cần phải hoàn thiện về đạo đức, nâng cao nghiệp vụ để tạo lòng tin trong nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trao bằng khen của Bộ trưởng cho các đơn vị và cá nhân

Ghi nhận những nỗ lực của lực lượng QLTT, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trao bằng khen cho 10 đơn vị và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động./.