Nâng cao năng lực và đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước gắn với đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế

Tóm tắt:
Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng theo chiều rộng dần tiệm cận mức tới hạn, Việt Nam xác định mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, trong đó chú trọn

Tóm tắt:
Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng theo chiều rộng dần tiệm cận mức tới hạn, Việt Nam xác định mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, trong đó chú trọng yếu tố thể chế, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và con người. Để hoàn thành được kế hoạch 2016 - 2020, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, cần phải tăng cường và nâng cao năng lực của nguồn nhân lực, một trong những yếu tố còn có dư địa để đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức là người trực tiếp thực thi các chính sách, kế hoạch của cơ quan, tổ chức, các mục tiêu quốc gia. Việt Nam cần phải nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước không chỉ có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội; có như vậy, mới có thể có điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công.

Từ khóa: Nâng cao năng lực nguồn nhân lực, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, hội nhập quốc tế, tái cơ cấu nền kinh tế…

1. Xu thế hội nhập và dịch chuyển kinh tế thế giới

Thời gian những năm gần đây, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia nhất là các nước lớn ngày càng tăng. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Cục diện thế giới theo xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh mẽ đến cục diện toàn thế giới và các khu vực. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế.

Quá trình tái cấu trúc kinh tế toàn cầu đã hình thành lên các khối, các không gian, địa kinh tế đang trở thành hiện hữu. Xu hướng hợp tác phát triển và liên kết toàn cầu vì tương lai của loài người trên trái đất, nhiều hình thức và nội dung liên kết mới trong từng lĩnh vực và từng khu vực sẽ xuất hiện. Xu hướng các nước đẩy mạnh đàm phán và ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương (FTA) sẽ tiếp tục phát triển, nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản. Các quan hệ hợp tác đa phương, các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực như ASEAN, APEC, OPEC, WTO, các nền kinh tế mới nổi (Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ)… sẽ tăng cường liên kết, củng cố trong từng khối liên minh cạnh tranh và phát triển. Xu hướng này sẽ tác động vào khả năng hợp tác kinh tế quốc tế, làm cho các hoạt động về thu hút vốn, trao đổi hàng hóa ngoại thương, trao đổi công nghệ… thêm sôi động. Hệ thống phân công lao động quốc tế được tổ chức lại và vận hành theo một nguyên lý mới, nguyên lý “chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu”. Khi tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế, các quốc gia buộc phải tuân thủ chuẩn mực, nguyên tắc và luật chơi do các định chế kinh tế lớn sắp đặt và vận hành. Tác động mang tính chiến lược và lâu dài làm cho vai trò của Việt Nam trong các tổ chức kinh tế quốc tế và khu vực như ASEAN, APEC, OPEC, WTO sẽ được phát huy, tạo thế thuận lợi cho hợp tác phát triển. Các hiệp định hợp tác song phương của nước ta với các nước, đặc biệt là các nước lớn và các nước trong khu vực sẽ được tiếp tục ký kết và nâng lên tầm chiến lược mới, tạo ra cho Việt Nam có nhiều thuận lợi để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, hiệu quả và bền vững; tạo điều kiện cải thiện và nâng cao mặt bằng các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, trong đó đặc biệt là cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời tăng khả năng xuất nhập khẩu và tăng khả năng thu hút vốn đầu tư.

Trong bối cảnh đó, nền hành chính của thế giới nói chung và các quốc gia nói riêng chưa đáp ứng được trước những yêu cầu biến động, tình trạng đói nghèo, bệnh tật, việc làm, phát triển dân số, quản lý dân cư, các thiết chế văn hóa, thể chế về kinh tế đang hoàn thiện bằng các hiệp định hiệu quả còn thấp, sẽ tạo ra cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước nói chung và việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác quản lý hành chính nhà nước nói riêng.

2. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, các hiệp định thương mại cơ hội và thách thức

Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã nhận thức rõ hơn, kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường là phương thức, điều kiện tất yếu để xây dựng chủ nghĩa xã hội; từ chỗ áp dụng cơ chế thị trường tiến tới phát triển kinh tế thị trường, chúng ta đã từng bước cụ thể hóa mô hình và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưới sự tác động của các chính sách, các yếu tố thị trường và các loại thị trường đang hình thành, phát triển, cơ bản đã có sự liên thông, gắn kết thị trường trong nước với thị trường khu vực và quốc tế. Giá cả hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ đã vận hành theo giá thị trường, được xác định theo quan hệ cung - cầu trên thị trường. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường thế giới. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong quá trình hội nhập quốc tế của nước ta. Chúng ta đã thực sự bắt đầu triển khai mạnh việc tham gia hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 11 Hiệp định thương mại tự do gồm: WTO; TPP, Việt Nam - EU (FTA VN - EU), ASEAN; ASEAN - Ấn Độ; ASEAN - Australia/New Zealand; ASEAN - Hàn Quốc; ASEAN - Nhật Bản; ASEAN - Trung Quốc; Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Chile... Với việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại trong quá trình hội nhập, nước ta ngày càng năng động tiếp thu khoa học và công nghệ, kỹ năng quản lý, góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ quản trị kinh doanh. Hội nhập kinh tế quốc tế còn đưa lại thành tựu đáng chú ý từng bước đưa hoạt động của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vào môi trường cạnh tranh, tạo tư duy phát triển mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

3. Một số yêu cầu của đổi mới kinh tế, chú trọng tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn hiện nay

Giai đoạn 2016 - 2020, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới. Những cải cách về thể chế của nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả, hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có chuyển biến to lớn trong những năm tiếp sau. Năm 2016 sẽ là năm khởi đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, một khởi đầu của tiến trình phát triển mới của nền kinh tế. Thêm vào đó, đây cũng là năm khởi đầu một tiến trình hội nhập mới khi hàng loạt các cam kết hội nhập có hiệu lực. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần quan tâm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh, bền vững trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của nội lực trong nước, của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), nhập khẩu công nghệ mới tiên tiến; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tiềm năng con người và khuyến khích phát triển mạnh mẽ các thị trường sản xuất gắn kết chặt chẽ với thị trường thương mại, phát động tinh thần sản xuất kinh doanh của mọi người lao động để chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị và năng lực cạnh tranh quốc gia và tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quảvấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Cơ cấu lại nông nghiệp; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, phát triển công nghiệp gắn với đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích khởi nghiệp doanh nghiệp và doanh nghiệp với sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân.

Đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển mạnh mẽ công nghiệp vật liệu và vật liệu mới tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao, gắn thị trường sản xuất với thị trường công nghệ, với thị trường thương mại. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng bình quân khoảng 7,5%/năm; đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong GDP khoảng 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 25%, trong đó công nghiệp chế tạo khoảng 15%.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ trở thành ngành công nghiệp dịch vụ, tạo động lực cho công nghiệp hóa. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 7,5%/năm. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 45% vào năm 2020. Ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.

Phát triển các vùng và khu kinh tế. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tạo điều kiện phát triển các khu vực còn nhiều khó khăn, nhất là miền núi, biên giới, hải đảo, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và phía Tây các tỉnh miền Trung; lựa chọn một số khu có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế với thể chế vượt trội, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh quốc tế,...

Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động theo cơ chế thị trường, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực quan trọng và địa bàn chiến lược. Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hợp tác, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cơ cấu và định hướng lại các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp dịch vụ, công nghiệp du lịch, đô thị và môi trường... trở thành các ngành công nghiệp hỗ trợ quan trọng thúc đẩy tạo động lực cho công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Từ những vấn đề nêu trên đòi hỏi công tác quản lý nhà nước cần đổi mới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong giai đoạn hiện nay. Vai trò của các cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ công chức trong hội nhập là một yêu cầu cấp bách để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào những năm hai mươi trong thập niên tới, đồng thời góp phần hoàn thiện và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Đổi mới phương thức đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước giai đoạn 2016 - 2020

4.1. Mục tiêu nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức quản lý nhà nước

Phát huy nhân tố con người với chất lượng trí tuệ cao, sáng tạo, có phẩm chất đạo đức, nhân cách trung thực, trách nhiệm, nhân ái. Đây là cốt lõi của văn hóa, tạo sức mạnh nội sinh quan trọng của quá trình phát triển.

Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và quy hoạch các cấp có trình độ, phẩm chất đạo đức, tận tụy với công vụ và sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cán bộ quản lý nhà nước phải thực sự là “công bộc của dân”, vì nhân dân phục vụ.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học: đổi mới chương trình, nội dung giáo dục; đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo.

Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý.

4.2. Quan điểm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước

Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã khẳng định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nội dung trọng yếu, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động. Vì vậy, trong công tác đào tạo cần quán triệt một số quan điểm sau:

- Đảng lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp.

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được đào tạo cơ bản. Đối với cán bộ chủ chốt cấp huyện trở lên phải có bằng đại học chuyên môn, bằng cao cấp lý luận chính trị và được cập nhật kiến thức mới thường xuyên.

- Gắn bó chặt chẽ quy hoạch cán bộ với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thực hiện chủ động đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch cán bộ; hạn chế tối đa tình trạng bổ nhiệm trước, đào tạo sau.

- Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân. Đây là một nhiệm vụ lớn, đòi hỏi công tác cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam phải được đổi mới toàn diện, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ cần có sự đổi mới về cách thức, nội dung và phương pháp; cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

4.3. Nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ quản lý nhà nước

Đào tạo bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.

Bảo đảm tính tự chủ của cơ quan quản lý, đơn vị sử dụng cán bộ trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Kết hợp cơ chế phân cấp và cơ chế cạnh tranh trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.

Thường xuyên đổi mới chương trình; đổi mới nội dung đào tạo theo sát tình hình mới; đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các đối tượng bồi dưỡng.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Đề cao vai trò tự học và quyền của cán bộ trong việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm.

Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Tăng cường thảo luận, khảo sát và tổng kết thực tiễn.

4.4. Những nội dung cơ bản đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức trong thời gian tới cần xây dựng theo các chương trình phù hợp với các thế hệ lãnh đạo (chương trình đào tạo nâng cao cho thế hệ kế cận; chương trình cho cán bộ lãnh đạo mới; chương trình dành cho cán bộ lãnh đạo đã ở vị trí lãnh đạo lâu năm) và được phân định theo 2 nhóm: đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

a) Nội dung đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước: Lý luận chính trị - hành chính; Chuyên môn, nghiệp vụ; Kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành; Tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc.

b) Nội dung bồi dưỡng ở ngoài nước: Kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước và quản lý chuyên ngành; quản lý vùng lãnh thổ, biên giới hải đảo...; Kiến thức, kinh nghiệm hội nhập quốc tế.

4.5. Các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nhận thức của cấp ủy đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời kỳ mới. Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cả ở dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh kế hoạch, giải pháp cụ thể để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước nói chung và cho từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng, với những giải pháp đồng bộ; trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, viện - trường đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Khuyến khích thành lập viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong nhà trường; thí điểm chuyển mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý, đầu tư.

Tăng cường quản lý nhà nước về nguồn nhân lực, gắn kết cung - cầu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo điều kiện hỗ trợ dịch chuyển lao động và phân bố lao động hợp lý, hiệu quả.

Rà soát, đánh giá đúng trình độ đội ngũ cán bộ, công chức và công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua. Từ đó xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể theo từng năm và cả nhiệm kỳ. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và nhu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cụ thể, phù hợp với từng chức danh, ngạch, bậc. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn với việc bố trí, sử dụng.

Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, chú trọng giáo dục hướng nghiệp, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

3. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Ngày nhận bài: 15/12/2015

Ngày chấp nhận đăng bài: 15/01/2016

Thông tin tác giả:

TS. Phạm Xuân Đương

Ủy viên Trung ương Đảng,

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương

Improving capacity and changing training method for the States managers in the context of international integration and economic restructuring

Dr. Pham Xuan Duong

Member of the Central Committee of the Communist Party of Vietnam

Permanent Deputy Head of the Central Economic Commission

Abstract:

In the context of the growth dynamics in width gradually approaching limit level, Vietnam is targeting to restructure growth model towards improving quality which focuese on institutional, science, technology and human resources factors. It is necessary to improve capacity of human resources in order to achive goals of 2016 - 2020 plan, contributing to do successfully socio-economic development strategy for the 2011 - 2020 period. Human resources is considered as an important factor which still has room for major contributions to economic growth. The improve capacity of human resources should focues on training and enhancing capacity of cadres and civil servants who directly implement the policies, plans of the State.

Keywords: Improving capacity of human resources, training the States manager, international integration, restructuring the economy.