Nâng cao vị thế thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam

Việc bảo đảm an toàn thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn. Nên rất cần những biện pháp đồng bộ để tháo gỡ những rào cản giúp cho doanh nghiệp rộng đường xuất khẩu.

Đó là chủ đề Diễn đàn chính sách thương mại “An toàn vệ sinh thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” vừa được Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 25/11/2016 tại Hà Nội.

Theo thống kê, sản phẩm thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã có một số mặt hàng xuất khẩu đứng trong top 10 như gạo, cà phê. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu thực phẩm hiện đang gặp nhiều thách thức liên quan đến chất lượng và an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành nông sản, thực phẩm chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về quy mô vốn và công nghệ nên việc đáp ứng được những yêu cầu hợp chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu cũng như các tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại còn rất hạn chế. Số lượng doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm hiểu và có khả năng chuẩn bị cho hội nhập kinh tế chiếm tỷ lệ ít so với tổng số doanh nghiệp.

Theo ông Đặng Công Hiến, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương): Đến nay, chính sách liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm được tiếp cận theo hướng mới, chuyển từ phương thức quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm; từ quản lý theo phương thức kiểm tra theo công đoạn sang quản lý quá trình theo chuỗi cung cấp thực phẩm; đã xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm đáp ứng với yêu cầu quốc tế; hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra về an toàn thực phẩm trên thực tiễn; việc phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm tương đối cụ thể,...

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo, mỗi thị trường khác nhau sẽ có tiêu chuẩn khác nhau. Do vậy, doanh nghiệp cần lập kế hoạch tổ chức, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi thay vì chỉ kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng. “Mỗi doanh nghiệp có thể chọn một phân khúc trong công đoạn sản xuất như cung cấp nguyên liệu, chế biến, hay hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Từ mối liên kết đó, doanh nghiệp sẽ giải quyết được vấn đề xuất khẩu vào các thị trường lớn. Còn nếu riêng rẽ từng doanh nghiệp làm đầy đủ các công đoạn thì sẽ rất khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu chứ chưa nói đến vấn đề vốn, công nghệ”, ông Hòa nhận định.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc bảo đảm an toàn thực phẩm chỉ có thể giải quyết được tốt thì phải có những biện pháp mang tính đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất đến người tiêu dùng... từ đó thực phẩm tiêu dùng nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam mới có thể có được vị thế vững chắc trên thị trường.

Về phía nhà sản xuất, đối với các mặt hàng xuất khẩu bắt buộc phải tuân thủ những quy định về chất lượng sản phẩm của nước nhập khẩu đã được công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; không được sử dụng các nguyên liệu ngoài danh sách cho phép, không có nguồn gốc rõ ràng.

Về phía quản lý nhà nước, cần xem xét lại phương thức tổ chức quản lý nhằm giảm bớt chồng chéo, có những biện pháp buộc người sản xuất, người buôn bán tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các nguyên vật liệu thực phẩm đang đang được bày bán trên thị trường.

Theo các diễn giả, doanh nghiệp tham gia diễn đàn, trong thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần thực thi hàng loạt giải pháp trong đó có việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Đồng thời nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bám sát và tiếp cận được tiến bộ của thế giới trong sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cần quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm cơ hội, bạn hàng, nắm bắt được chính xác, thực tiễn nhu cầu thị trường đối với hàng hóa của mình từ đó xây dựng, triển khai phương án kinh doanh sát với thực tế, phù hợp với thị trường.

Minh Anh