Nền tảng vững chắc của sự phát triển ở Petrolimex

Xây dựng vững chắc uy tín thương hiệu, lấy con người làm trung tâm chính là chiến lược tồn tại và phát triển lâu dài, bền vững của Petrolimex. Nhân dịp Xuân về và cũng là dịp kỷ niệm 60 năm thành lập,

PV: Thưa ông, trong số các tập đoàn kinh tế Việt Nam, Petrolimex là doanh nghiệp có bề dày lịch sử đáng tự hào: Petrolimex vững vàng trong gian khó và vững chắc trong phát triển. Xin ông khái quát đôi nét về Petrolimex và cho biết điều gì là nền tảng vững chắc của Petrolimex trong 60 năm qua?

Ông Trần Văn Thịnh: Vâng. Đúng là như vậy. Các thế hệ CBCNV-NLĐ Petrolimex luôn tự hào về truyền thống lịch sử của mình. Lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển của Petrolimex có thể khái quát như sau:

Thứ nhất là từ khi thành lập (12/01/1956) đến 30/4/1975 - là giai đoạn Petrolimex cùng cả nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa góp phần đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tiếp theo là giai đoạn từ 01/5/1975 đến Đại hội VI của Đảng (năm 1986), Petrolimex tiếp tục phát triển hệ thống cơ sở vật chất ở phía Bắc; tiếp quản, khôi phục hệ thống cơ sở vật chất tại phía Nam để bảo đảm xăng dầu cho tất cả nhu cầu của đất nước.

Nhiệm vụ chính của Petrolimex trong cả 2 giai đoạn trên là tiếp nhận, bảo vệ và bảo quản xăng dầu, cung cấp cho các nhu cầu theo chỉ tiêu pháp lệnh. Xăng dầu lúc bấy giờ được coi là vật tư chiến lược. Khái niệm “quý xăng như máu” (như giọt máu đào của con người) cũng ra đời trong giai đoạn này.

Tiếp đó là giai đoạn đổi mới theo Nghị quyết VI của Đảng (từ năm 1986 đến nay), Petrolimex từng bước chuyển sang hạch toán kinh doanh, phát triển mạnh mẽ hệ thống cơ sở vật chất theo hướng hiện đại và phát triển toàn diện các lĩnh vực ngành nghề xoay quanh xăng dầu: dầu mỡ nhờn, gas, vận tải viễn dương, bảo hiểm, thiết kế - xây lắp, tin học - tự động hóa v.v… Nhiều đơn vị thành viên Petrolimex đã tiên phong thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và các quyết định của Chính phủ.

Kể từ ngày 01/12/2011 Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã hoàn thành cổ phần hóa, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trở thành công ty đại chúng; Petrolimex bước sang một giai đoạn phát triển mới về chất theo Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 31/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong giai đoạn mới này, Petrolimex đã ứng dụng thành công hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), triển khai phần mềm quản lý cửa hàng xăng dầu (Egas); đầu tư thiết bị hiện đại và công nghệ tiên tiến, tự động hóa trong nhiều lĩnh vực, nhiều khâu sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả. Các hoạt động liên doanh, liên kết được duy trì và phát huy hiệu quả, địa bàn kinh doanh từng bước vươn ra các nước trong khu vực và thế giới. Petrolimex đã xây dựng hệ thống quản trị thương hiệu theo quy chuẩn hiện đại, sẵn sàng hội nhập kinh tế thành công.

Có nhiều yếu tố làm lên sự thành công của doanh nghiệp, nhưng theo tôi: Nền tảng vững chắc của Petrolimex trong suốt 60 năm qua chính là yếu tố con người. Hơn 28.000 CBCNV-NLĐ Petrolimex hiện nay luôn tự hào về lịch sử của mình, trân trọng công lao của các thế hệ cha anh; từ đó, luôn nỗ lực xây dựng Petrolimex ngày càng phát triển lên một tầm cao mới. Đó cũng là một cách tri ân của chúng tôi - Tri ân theo văn hóa Petrolimex.

PV: Trong số những nền tảng ông vừa nói, điều gì là quan trọng nhất, thưa ông?

Ông Trần Văn Thịnh: Con người luôn là nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển.

Trong giai đoạn 1956-1986, con người Petrolimex là trung thành, kiên cường, dũng cảm. Từ năm 1986 đến nay có thêm tính năng động, sáng tạo.

Đây là tựu trung những tính cách rất quý cho sự ổn định vững vàng và phát triển vững chắc. Có thể chưa được nhanh như mong muốn, nhưng cơ bản là vững chắc.

PV: Petrolimex có chủ thuyết “lấy con người làm trung tâm” của sự phát triển. Nghị quyết Trung ương 9 cũng nói “văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển bền vững”. Xin ông vui lòng cho biết một vài ví dụ cụ thể về văn hóa và con người Petrolimex?

Ông Trần Văn Thịnh: Chủ thuyết này được thế hệ lãnh đạo trước đây đề ra ở nhiều thời kỳ và chúng tôi tiếp tục kế thừa bởi nó đúng.

Nó đúng ở cả phương diện doanh nghiệp, tình người và Đảng ta đã có Nghị quyết Trung ương 9 về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam.

Về ví dụ thì có rất nhiều. Có thể gặp rất nhiều gương mặt trên trang web Tập đoàn, các đơn vị đã đăng; báo chí đã tôn vinh, hội nghị tổng kết phong trào thi đua hàng năm, các giai đoạn cũng đã nêu và tôn vinh.

Ở mỗi giai đoạn, Petrolimex vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng quý báu để ghi nhận công lao của CBCNV-NLĐ trong giai đoạn đó. Petrolimex có nhiều cá nhân được tôn vinh là Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc,…; trong đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - nguyên Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Petrolimex Tiền Giang là nữ Anh hùng Lao động Petrolimex trong thời kỳ đổi mới. Đó là niềm tự hào của chúng tôi.

Anh Lưu Bá Vang - Bí thư Chi bộ, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu Xa La (Petrolimex Hà Sơn Bình) được đặt biệt danh “Ở đâu khó - ở đó có anh Vang”; ông Nguyễn Quyết Thắng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Petrolimex Thái Bình được tôn vinh là “Ông Giám đốc Carter-CI4”; chị Hoàng Thị Hoa - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch kiêm Giám đốc Petrolimex Quảng Trị nổi tiếng với “Giám đốc cũng trực tiếp ra quân”.

Đó là các ví dụ cụ thể trong rất nhiều câu chuyện về người lao động Petrolimex trong môi trường kinh doanh khó khăn đã nỗ lực vươn lên, không ngại khó khăn gian khổ, biết cách tìm khâu đột phá để phát triển tiến lên.

Đó là kết quả của sự trăn trở, nghĩ suy và hành động vì doanh nghiệp, vì tập thể; và, có thể nói rộng ra là vì đất nước chúng ta.

PV: Tôi muốn hỏi một câu cụ thể hơn: Trong mối quan hệ “Người đứng đầu - Cấp quản lý trung gian - Cửa hàng trưởng - Người lao động trực tiếp”, khâu nào là quan trọng nhất và tại sao?

Ông Trần Văn Thịnh: Bốn khâu trên bao trùm toàn bộ các vị trí của doanh nghiệp. Bốn khâu này, khâu nào cũng quan trọng và có quan hệ biện chứng và mật thiết với nhau.

Người đứng đầu quan trọng ở đường hướng, quyết sách, động viên cả hệ thống tiến tới mục tiêu.

Cấp quản lý trung gian quan trọng ở hiện thực hóa các đường hướng, quyết sách của người đứng đầu, là cấp tham mưu và chấp hành.

Cửa hàng trưởng là chức danh cán bộ, nhưng gắn liền với một cửa hàng cụ thể, gắn bó mật thiết với người lao động trực tiếp - là nơi nói đi đôi với làm, cọ sát với thực tiễn phong phú của thị trường với người dân, đưa ra các quyết định cụ thể.

Người lao động là nguồn lực đông đảo quan trọng tiếp xúc hàng ngày trực tiếp với hàng hóa, với tiền bạc, với khách hàng; là hình ảnh đại diện Petrolimex đọng lại trên thương trường trong tâm trí khách hàng khi sử dụng hàng hóa và dịch vụ của chúng tôi.

Vì vậy, theo tôi, tất cả đều quan trọng.

Đường hướng mà không đúng, không trúng thì “sai một li đi một dặm”. Đường hướng đúng mà không có cấp triển khai, không có người thực hiện thì đường hướng chỉ là lý thuyết và chỉ là lý thuyết mà thôi.

Các hoạt động thực tiễn thì phải có định hướng đúng, có quản lý lãnh đạo sâu sát, tận tâm tận lực thì mới đi vào thực tiễn, tạo thành tổ chức mạnh, đồng tâm đồng hướng về tư duy và hành động, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tất cả 4 yếu tố nói trên là nhân tố bên trong. Theo tôi, trong sự phát triển của doanh nghiệp còn có những yếu tố quan trọng nữa, đó là: sự tin yêu của đối tác, khách hàng, người tiêu dùng; là sự ủng hộ của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương; là sự thấu hiểu và chia sẻ của công chúng nói chung.

Vì vậy, trong mỗi bước đường phát triển của mình, tập thể CBCNV-NLĐ Petrolimex luôn dành sự quan tâm thiết thực, với các hành động cụ thể cho công tác xã hội từ thiện, công tác an sinh xã hội, các hoạt động tri ân và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai,... và các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội mà điển hình là bảo đảm xăng dầu, các hàng hóa/dịch vụ khác của Petrolimex tại những vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Petrolimex đã cổ phần hóa, thành công ty đại chúng. Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, sắp tới đây là TPP. Trong bối cảnh như vậy, Petrolimex tiếp tục định hướng phát triển vững chắc hay sẽ có những đột phá cho sự phát triển mạnh mẽ hơn, đột phá đó là gì, thưa ông?

Ông Trần Văn Thịnh: Ở thời điểm hiện nay, có thể nói, Petrolimex luôn sẵn sàng cho hội nhập, cạnh tranh. Trên thực tế, Petrolimex đã và đang hội nhập, cạnh tranh.

Phát triển vững chắc là tiền đề cho sự đột phá. Ví như xây nhà, cái nền móng có vững chắc thì mới có thể xây cao được.

60 năm qua Petrolimex đã luôn vững vàng, vững chắc trong dựng xây và phát triển. Trong tương lai, công cuộc này tiếp tục được duy trì, phát huy. Đây là cái gốc của sự tồn tại và phát triển.

Sắp tới chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hoàn cảnh mới, điều kiện mới đặt ra cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có Petrolimex cơ hội để hợp tác tiến lên trên cơ sở tiếp thu các kinh nghiệm và nguồn lực của bạn bè, đối tác đến với Tập đoàn chúng tôi. Hội nhập và hợp tác sẽ đem lại bước đột phá cho sự phát triển của Petrolimex trong giai đoạn phát triển mới, trong thời gian tới.

Chúng tôi đã và đang phát động phong trào thi đua sâu rộng để chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XII và tiến tới kỷ niệm 60 năm thành lập Petrolimex. Phong trào thi đua đã tạo ra nhiều động lực trong sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đạt được nhiều kết quả rất khả quan kể cả về chỉ tiêu cụ thể lẫn các nhân tố mới điển hình tiên tiến với nhiều cách làm hay và sáng tạo. Mỗi người đều nỗ lực, cả tập thể luôn cố gắng, cùng đồng tâm nhất trí sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn cho sự phát triển.

ông Trần Văn Thịnh - Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trực tiếp thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm của Petrolimex tại triển lãm tuần nhận diện hàng Việt Nam

PV: Ngày 12/01/2016 Petrolimex tròn 60 năm xây dựng & trưởng thành. Là người trưởng thành từ thực tiễn, trải nghiệm ở nhiều vị trí công tác, lĩnh vực và vùng miền khác nhau, ông vui lòng chia sẻ những đúc rút sâu sắc nhất của mình trước sự kiện quan trọng này của Petrolimex.

Ông Trần Văn Thịnh: Ở Petrolimex, cán bộ đều trưởng thành từ thực tiễn, tôi cũng là một trong số đó tương tự như các anh lãnh đạo tiền nhiệm hiện nay.

Thực tiễn rất đáng quý, rất đáng trân trọng. Thực tiễn cho chúng ta trải nghiệm bổ trợ, hoàn thiện nhân sinh quan của mình. Đương nhiên là phải biết trân trọng thực tiễn và có tính cầu thị. Thực tiễn có thể là khó khăn với người này nhưng có khi lại là cơ hội phát triển của người khác. Phát triển mà tôi nói ở đây bao gồm cả kiến thức chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp.

Điều tôi tâm đắc nhất là luôn biết trân trọng con người. Trong một tập thể, mỗi người có một hoàn cảnh, một tính cách, một công việc, một nhiệm vụ. Nếu ai cũng phấn khởi thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, gắn bó gắn kết với nhau qua công việc thì chúng ta sẽ có một tập thể mạnh để thực hiện tốt nhất các mục tiêu đã đề ra.

Tôi trân trọng công sức đóng góp của các thế hệ CBCNV-NLĐ; sự góp sức của các cổ đông, đối tác, bạn hàng, khách hàng, người tiêu dùng Việt Nam và ở nước ngoài đang ngày đêm sát cánh, nỗ lực cùng Petrolimex trong từng bước đi.

Tôi trân trọng sự thấu hiểu và ghi nhận của bạn đọc, công chúng, phóng viên báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, các địa phương trong các chặng đường xây dựng và phát triển của Petrolimex.

Bên cạnh sự tự nỗ lực là chính, bất kỳ một sự thấu hiểu và/hoặc một hành động hỗ trợ nào trong bước đường phát triển của chúng ta đều rất đáng trân trọng.

Nhân dịp 60 năm Petrolimex tôi xin được gửi lời biết ơn sâu sắc đến tất cả mọi người. Chúng tôi sẽ tiếp tục lao động với tinh thần “đổi mới, sáng tạo - để tiến xa hơn”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!