Nét riêng Công đoàn Vàng Danh

Có thể nói ngoài những nét chung trong hoạt động công đoàn và phong trào công nhân viên chức như các đơn vị khác thì với bề dày truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, Công đoàn Than Vàng Danh c
Hai biết, hai bàn, hai không
 
Đây là phong trào bắt đầu được Công đoàn Công ty CP Than Vàng Danh triển khai từ năm 1998 nhằm tạo gắn kết giữa các thành viên trong đơn vị giúp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động, xây dựng Than Vàng Danh ngày càng phát triển, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới của đất nước. Thông qua phong trào "Hai biết, hai bàn, hai không" đã giúp Công đoàn Công ty nắm bắt được hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của CBCNV, người lao động, từ đó biết cách giúp đỡ nhau trong cuộc sống; cùng bàn bạc, tham gia hiến kế để nâng cao hiệu quả SXKD; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; ngăn chặn vi phạm chính sách pháp luật và không vi phạm các hủ tục, tệ nạn xã hội.
 
Thêm đó, Công ty đã xây dựng và ban hành "5 điều quy ước nếp sống văn hóa thợ mỏ Vàng Danh" để quy định những tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, trách nhiệm và nghĩa vụ của CBCNV trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công gắn với nhiệm vụ xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa của mỗi người thợ mỏ Vàng Danh. Đưa quy định này thành một trong những tiêu chí để xét thi đua hàng năm của cá nhân và tập thể. Đặc biệt, Công ty còn ban hành quy định về xây dựng và suy tôn các đơn vị văn hóa, trong đó quy định cụ thể 5 tiêu chuẩn và 18 thông số chấm điểm để làm căn cứ cho các đơn vị phấn đấu. Từ đó đến nay, việc chấm điểm và suy tôn các đơn vị văn hóa được tiến hành định kỳ 6 tháng một lần, mang lại những hiệu quả thiết thực, số đơn vị đạt đơn vị văn hóa ngày càng tăng và được Công ty thưởng hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 
 
Tôn vinh "lao động giỏi - thu nhập cao"
 
Cùng với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, việc duy trì tôn vinh "Lao động giỏi, thu nhập cao", danh hiệu "thợ mỏ ưu tú, cán bộ quản lý giỏi" giờ đây đã trở thành thương hiệu của Công đoàn Than Vàng Danh. Đến nay, phong trào ngày càng được triển khai bài bản, đi vào chiều sâu, là một trong những biện pháp hữu hiệu để thu hút thợ lò đến với Vàng Danh cũng như tạo động lực mạnh mẽ để thợ lò Vàng Danh phấn khởi, yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị.
 
Mới đây nhất, tại Hội nghị tuyên dương lao động giỏi, thợ mỏ ưu tú, cán bộ quản lý giỏi năm 2013 của Than Vàng Danh đã có  68 "thợ mỏ ưu tú" và 18 "cán bộ quản lý giỏi" được tôn vinh. Ngoài ra, chỉ tính riêng trong năm 2013, Công ty có 1.048 công nhân có thu nhập cao và 100% số công nhân đó đều thuộc các phân xưởng khai thác và đào lò. Trong đó, công nhân Hoàng Văn Hanh - Phân xưởng KT7 có thu nhập cao nhất Công ty với mức bình quân đạt 23.539.000 đồng/tháng.
 
Tham gia câu lạc bộ "Lao động giỏi - thu nhập cao" chính là niềm vinh dự của CNCB, đồng thời cũng là cơ hội để họ phấn đấu là những người gương mẫu, có ý thức trách nhiệm trong công việc.
Mô hình hoạt động Cụm văn hóa thể thao
 
Song song với các phong trào trên, thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh, trên khu vực Vàng Danh đã thành lập một CLB Văn hóa - Thể thao (VHTT) gồm 12 công đoàn cơ sở do Công đoàn Than Vàng Danh làm trưởng khu vực. Đến nay, CLB VHTT khu vực Vàng Danh luôn duy trì và có nề nếp hoạt động; mỗi quý tổ chức sinh hoạt tập trung một lần. Qua đây, CNCB các cơ sở có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
 
Qua các năm hoạt động, CLB luôn được LĐLĐ thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đánh giá là Cụm hoạt động xuất sắc nhất. Công đoàn Công ty CP Than Vàng Danh được LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh, Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cờ "Công đoàn cơ sở có phong trào VHTT xuất sắc nhất". 
 
Như vậy, những phong trào đặc trưng ấy của Công đoàn Than Vàng Danh có ý nghĩa thiết thực, tạo tiền đề vững chắc góp phần xây dựng Than Vàng Danh ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững.