Ngành Công Thương Lào Cai lớn mạnh sau 25 năm tái lập Tỉnh

Lào Cai là địa phương có rất nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất công nghiệp (SXCN), thương mại, du lịch. Ngay từ khi tái lập tỉnh (năm 1991), ngành Công Thương Lào Cai (trước đây là ngành Công ngh

Thời kỳ 1991-2000

Ngành Công nghiệp và ngành Thương mại và Du lịch cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai bắt tay ngày vào khắc phục khó khăn do lịch sử để lại, tập trung phát triển kinh tế - xã hội với một tinh thần quyết tâm cao độ. Hoạt động SXCN đã khai thác tốt tiềm năng để phát triển với việc thành lập nhiều doanh nghiệp quốc doanh như: Công ty Khoáng sản Lào Cai (tháng 12/1991); Xí nghiệp Liên doanh Đồng (tháng 6/1992); Xí nghiệp cơ khí Lào Cai (tháng 3/1993); Xí nghiệp Liên doanh Vật liệu xây dựng (tháng 4/1993); Nhà máy Nước giải khát Lào Cai (tháng 12/1993) và Xí nghiệp In Lào Cai, Công ty cấp thoát nước, Công ty Chế biến lâm sản...

Tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp trong 10 năm đầu tái lập tỉnh cao hơn nông nghiệp và dịch vụ, bình quân đạt 17,9%/năm. Tỷ trọng giá trị SXCN trong GDP của Lào Cai tăng từ 16,92% (năm 1991) lên 19,58% (năm 2000). Giá trị SXCN: Năm 1991 đạt 15.817 triệu đồng, năm 2000 đạt 95.532 triệu đồng, tăng 6,04 lần năm 1991.

Hoạt động thương mại, dịch vụ giai đoạn này có sự thay đổi căn bản, bước đầu thực hiện được vai trò đòn bẩy thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và đặc biệt khởi sắc sau năm 1999.

Giai đoạn 2001-2007

Toàn tỉnh Lào Cai bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII, đặc biệt là việc triển khai thực hiện 7 chương trình công tác trọng tâm với 29 đề án, nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Đảng bộ tỉnh. Ngành đã triển khai có hiệu quả các quy hoạch, đề án liên quan đến phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001-2005. Từ năm 2006, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện Đề án phát Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và Đề án phát triển Thương mại - Dịch vụ giai đoạn 2006-2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.

Do vậy, nhiều dự án công nghiệp lớn trong lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, hóa chất, phân bón, luyện kim, thủy điện… đã được xây dựng và đi vào hoạt động tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh; các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, mở rộng, đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để tăng cường thu hút đầu tư. Giá trị SXCN (giá cố định 1994) có tốc độ tăng trưởng cao, đến năm 2007 đạt 1.051 tỷ đồng; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP của tỉnh ngày càng tăng, năm 1991 mới đạt 12,1%, năm 2007 là 30,5%; ngành công nghiệp đã đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng.

Ngành Thương mại và Du lịch trong giai đoạn này có sự tăng trưởng cao, chất lượng không ngừng được cải thiện. Đến năm 2007, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.350 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần so với khi mới tái lập tỉnh; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có tốc độ tăng trưởng cao, nếu năm 1993 kim ngạch XNK trên địa bàn mới chỉ đạt 7,8 triệu USD thì đến năm 2001 là 210 triệu USD và năm 2007 đạt 955 triệu USD (tăng trưởng bình quân giai đoạn 2002-2007 đạt 28,7%/năm); hàng năm thực hiện đưa đón hơn 650.000 lượt khách trong nước và quốc tế.

Giai đoạn từ năm 2008 đến nay

Sau khi thực hiện hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại và Du lịch thành Sở Công Thương Lào Cai, ngày 01/4/2008, Sở Công Thương Lào Cai chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, ngành Công Thương Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về phát triển công nghiệp: SXCN đã và đang khẳng định là khâu “đột phá” trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đưa Lào Cai trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim, hóa chất của vùng và cả nước. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác. Các sản phẩm cuối cùng của hoạt động chế biến sâu khoáng sản gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Hạ tầng công nghiệp được quan tâm đầu tư; nhiều dự án công nghiệp trọng điểm đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và làm tăng thu ngân sách địa phương. SXCN phát triển kéo theo sự hình thành, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ tại khu vực thực hiện dự án, khu vực vùng sâu, vùng xa.

Giá trị SXCN (giá cố định 1994) năm 2015 đạt 7.403,2 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2010 (2.169 tỷ đồng); tăng 45,2% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (5.100 tỷ đồng); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 27,8%/năm. Cơ cấu ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 41,3% trong GDP của tỉnh, tăng 5,8% so với năm 2010.

Về phát triển thương mại, dịch vụ và hoạt động XNK: Tỉnh đã phát huy tối đa lợi thế về kinh tế cửa khẩu và vị trí “cầu nối” của tỉnh trên tuyến Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thị trường nội tỉnh được mở rộng với sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế; ở thành thị hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn phát triển khá mạnh. Thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP của tỉnh. Hoạt động ngoại thương diễn ra sôi động, trở thành động lực thúc đẩy nội thương phát triển. Khu vực cửa khẩu đã xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ hiện đại phục vụ hoạt động XNK, như: Logistics; giám định hàng hóa; kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa; tạm nhập tái xuất... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng cao, năm 2015 đạt 14.892 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2010 (5.626 tỷ đồng); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 21,5%/năm. Giá trị hàng hóa XNK qua các cửa khẩu năm 2015 đạt 2.144,3 triệu USD, gấp 2,6 lần so với năm 2010 (822 triệu USD); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 21,1%/năm.

Định hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Với những tiềm năng, thế mạnh về SXCN, Lào Cai định hướng phát triển công nghiệp tập trung theo hướng hình thành các cụm liên kết công nghiệp; Nghiên cứu thành lập các khu, cụm công nghiệp mới và tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp hiện có; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu sử dụng nguyên liệu là tài nguyên khoáng sản, tập trung vào các ngành khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện, phân bón, hóa chất; Tiếp tục duy trì năng lực khai thác và chế biến các mỏ đang hoạt động.

Về hoạt động thương mại, Tỉnh tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hệ thống cửa khẩu biên giới, trọng tâm là Khu thương mại - công nghiệp Kim Thành, Bản Vược; nghiên cứu hình thành khu hợp tác kinh tế qua biên giới để thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc về phía Bát Xát; đồng thời mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, cũng như hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ trong Khu, tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ cửa khẩu.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam trên đà hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, ngành Công Thương Lào Cai đang có nhiều cơ hội, vận hội mới nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Toàn Ngành đang phấn đấu, tốc độ tăng trưởng giá trị SXCN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,5%/năm, đến năm 2020 đạt 33.500 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010); 98% thôn, bản có điện lưới quốc gia và 96% số hộ được sử dụng điện; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13,9%, đạt 28.500 tỷ đồng vào năm 2020; giá trị XNK hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh đến năm 2020 đạt 4.600 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 16,5%/năm.

Phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được, tiếp tục khắc phục khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp, cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương Lào Cai đang nỗ lực hết mình cho sự phát triển của Ngành và xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng giàu đẹp.