Ngành Than: Cần thêm thời gian để khôi phục sản xuất

Những cơn mưa cuối tháng 7 vừa qua được đánh giá là trận mưa lũ lịch sử trong vòng 40 năm nay mới diễn ra ở Quảng Ninh đã gây ra những tổn thất hết sức nặng nề cho ngành Than.

Thiệt đơn, thiệt kép

Toàn TKV đến thời điểm hiện nay ước thiệt hại vật chất trực tiếp khoảng 1.200 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hư hỏng phải củng cố đường lò 450 tỷ đồng, sửa chữa thiết bị 250 tỷ đồng, bơm thoát nước 100 tỷ đồng, sửa chữa đường 50 tỷ đồng...

Ngoài những thiệt hại về vật chất thì hiện nay, các đơn vị của ngành Than bị ảnh hưởng đã phải ngừng sản xuất để ứng phó với mưa lũ, không có sản phẩm, không bố trí việc làm được cho 50-80% công nhân... là những con số khó đo lường, nhưng chắc chắn không dưới 1.000 tỷ đồng.

Không những vậy, khả năng sinh lời, lợi thế của doanh nghiệp được thể hiện trên sàn giao dịch chứng khoán cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Chỉ trong mấy ngày mưa lũ, vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp thuộc TKV đã bốc hơi hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty cổ phần Than Mông Dương, mã chứng khoán MDC, vốn đã bị thiệt hại nặng nề nhất TKV với 485 tỷ đồng, lại bị “bồi” thêm cú nữa trên TTCK: Ngày 27/7 tức là sau mưa lũ vài ngày, MDC đã giảm 500đ xuống còn 9.000đ/CP; đến 24/8 xuống còn 8.300đ/CP, giảm hơn 13% so với trước cơn lũ lịch sử.

Tương tự như vậy, Than Vàng Danh từ 9.300đ xuống 8.700đ và ngày 24/8 còn 4.800đ/CP, vốn hóa thị trường giảm trên 25 tỷ đồng. Các công ty Than Cọc Sáu, Than Cao Sơn, Than Núi Béo, Than Hà Tu, Than Hà Lầm... cũng mất đi hàng chục tỷ đồng vốn hóa thị trường.

Trong câu chuyện này, nhiều chuyên gia ngành Than còn tiếc thêm ở chỗ, sau một thời gian dài khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành Than vừa mới phục hồi được, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ thì lại vướng vào cơn bão lũ lịch sử. Minh chứng cho sự phục hồi là số liệu công bố của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp ngành Than đạt trên 12.300 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 111,52 tỷ đồng tăng 2,4 lần so với 6 tháng đầu năm 2014.

Vượt qua 3 vấn đề lớn

Cơn mưa lũ lịch sử đã khiến hơn 20 doanh nghiệp TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phải ngừng sản xuất. Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cần phải mất một thời gian nữa cho công tác khắc phục hậu quả thì nhiều mỏ than mới có thể trở lại sản xuất kinh doanh như trước khi xảy ra thiên tai. Hiện ngành Than đang quyết tâm vượt qua 3 vấn đề lớn không chỉ vì ngành Than mà còn cho xã hội.

Trước hết, điều mà dư luận hết sức lo lắng là trong tình hình này, liệu TKV có cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, vốn chiếm 40% công suất cả nước?

Rất may là ngành Than vẫn có lượng dự trữ chiến lược để cung cấp cho ngành Điện trong những tình huống xảy ra như vừa qua. Tại cuộc họp mới đây giữa TKV và lãnh đạo hai tập đoàn PVN và EVN, phương án huy động nguồn điện trong bối cảnh thiếu than cũng đã được thống nhất. Theo đó, ưu tiên số 1 cung cấp than cho nhiệt điện Duyên Hải 1, tiếp theo là Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng...

Ước tính, sau khi khắc phục hậu quả mưa lũ, hồi phục sản xuất của các mỏ, cộng với lượng than dự trữ trên 7 triệu tấn thì tổng thể cả năm 2015, có thể TKV vẫn đáp ứng đủ nhu cầu than cho điện. Nhưng trước mắt, nhất thời tháng 7, tháng 8, tiến độ cấp than cho điện sẽ chậm và gián đoạn. Vì thế, phương án khai thác tối đa thủy điện để bù cho nhiệt điện cũng được tính đến.

Thứ hai, các đơn vị của ngành Than vừa phải ngừng sản xuất do mặt bằng, máy móc bị hư hỏng; vừa lo không có sản phẩm trong khi phải đôn đáo bố trí việc làm cho 50 - 80% công nhân, tương ứng với trên 30.000 người, với tinh thần tuyệt đối không sa thải bất kỳ lao động nào, kể cả những lao động phải ngừng việc cũng được hưởng mức lương tối thiểu để tìm việc khác phù hợp.

Để làm được việc này, các đơn vị đã “nhường cơm, xẻ việc” cho nhau. Toàn bộ hệ thống hầm lò của Than Mông Dương ngập sâu trong nước. Phải mất 3 - 4 tháng nữa mới khắc phục xong, nghĩa là 4.200 CBCNV sẽ tạm thời mất việc. Cho đến nay, trên 500 thợ lò của Than Mông Dương đã được Than Khe Chàm, Than Quang Hanh, Than Thống Nhất tiếp nhận. Gửi được trên 500 thợ lò, cùng với số thợ lò ở lại khắc phục hậu quả, nhưng Than Mông Dương vẫn còn khoảng 300 - 400, chủ yếu là lao động gián tiếp, không thể bố trí việc do các đơn vị bạn không có nhu cầu.

Nhìn trên toàn ngành còn 4.000 lao động phải ngừng việc. TKV và các đơn vị thành viên bố trí cho nghỉ phép, nghỉ mát theo chế độ đối với thợ lò hằng năm; hoặc đi học nâng cao trình độ về an toàn trong khai thác, chuyển giao công nghệ đào lò; một số thợ lò đến tuổi được nghỉ chế độ. Số còn lại do không bố trí đủ công việc, trước mắt giải quyết cho ngừng việc và hưởng mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Theo đánh giá phải đến hết năm nay mới có thể lo đủ việc cho người lao động.

Cuối cùng, đối với các đơn vị ngành Than đã khôi phục sản xuất thì TKV chỉ đạo phải triển khai với tinh thần tốt hơn, năng suất hơn để bù lại cho các đơn vị chưa sản xuất được; đẩy mạnh tiêu thụ than nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đảm bảo cung cấp đủ than cho các hộ tiêu thụ theo hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, sau mưa lũ, nguy cơ bục túi nước, sập hầm lò, hay sạt lở bãi thải là rất lớn.

Công ty Than Quang Hanh tập trung nhân lực khôi phục mặt bằng sản xuất

Vì thế, trong buổi làm việc với Tập đoàn Than, ngày 5/8, tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu ngành Than phải rà soát, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; có phương án thiết kế, quy hoạch các bãi thải, về quy mô, đường sá và quy hoạch các khu dân cư, di dời dân đến nơi an toàn. Không để các hộ dân sống ở khu vực chân bãi thải, gần kênh thoát nước.

Chỉ nửa tháng sau, trong ngày 20/8/2015 xảy ra bục nước ở khai trường Thành Công - Công ty Than Hòn Gai, làm 1 người tử vong, 1 người mất tích và 10 người bị thương, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng dẫn đầu đã yêu cầu TKV chỉ đạo tất cả các đơn vị trong toàn Tập đoàn rà soát các vị trí, các điểm có nguy cơ xảy ra bục nước, sạt lở để có biện pháp khắc phục.

Cho đến nay, TKV và các doanh nghiệp thành viên đã tập trung cao độ về nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, nhưng có lẽ, để vượt qua 3 vấn đề lớn nêu trên sau trận mưa lũ lịch sử, ngoài tinh thần quả cảm, quyết liệt của ngành Than, sự đùm bọc của xã hội còn cần thêm một khoảng thời gian khá dài nữa.


Nguyễn Văn