Người chinh phục việc khó

Tôi gặp Tạ Minh Đức trong Lễ tổng kết và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, trong đó, anh là một trong số 45 công nhân tiêu biểu của ngành Hóa chất vin

Tốt nghiệp Trường Công nhân Cơ khí Hóa chất tại Bắc Giang chuyên ngành Cơ khí Hóa chất, năm 1992, Tạ Minh Đức đầu quân cho Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao. Ban đầu, anh là công nhân của phân xưởng đóng bao, sau đó phân xưởng chia thành Supe 1 và Supe 2 và anh về công tác tại Xưởng Supe 2.


Là công nhân cơ khí sửa chữa đóng bao tự động, hơn 20 năm qua, anh Đức đã thuộc lòng tính nết của những chiếc máy và chưa bao giờ chịu khuất phục trước chứng bệnh của chiếc máy nào. Gắn bó với Công ty từ khi các dây chuyền đóng bao còn lạc hậu, công đoạn thủ công nhiều, đến nay, Công ty đã hiện đại hóa sản xuất, các công đoạn xưa kia phải dùng sức người thì nay máy móc đã làm thay. Chất lượng sản phẩm được nâng cao, đòi hỏi máy móc và con người phải đáp ứng được. Vì thế, công việc của Đức cũng đòi hỏi cao hơn về trình độ tay nghề.

Ăn nói nhỏ nhẹ, vóc dáng thư sinh, nụ cười hiền khô, trông anh không giống dáng vẻ của một công nhân sửa chữa cơ khí ăn to, nói lớn. Càng khó hình dung anh đang một mình quản lý cả 6 dây chuyền đóng bao, 28 máy khâu bao và các băng tải chuyển bao lên phương tiện ô tô, tàu hỏa. Áp lực công việc với anh không hề nhỏ. Vì thế, ngay đầu mỗi tháng, anh phải lập bảng nhu cầu vật tư, dự trù hỏng hóc trong tháng để mua sẵn thiết bị dự trữ. Bên cạnh đó, phải lên kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, báo lên ban lãnh đạo để bố trí kế hoạch sản xuất phù hợp. Nhờ kiến thức được đào tạo khá bài bản trong thời gian học nghề, cộng với kinh nghiệm thực tế, Tạ Minh Đức đã luôn vượt qua được những khó khăn trong công việc. Bám sát sản xuất, đam mê nghiên cứu sửa chữa nên Tạ Minh Đức biết được máy nào hay hỏng, hỏng ở đâu để bố trí thời gian sửa chữa sao cho nhanh nhất và bảo dưỡng thế nào để tuổi thọ máy móc đạt cao nhất.

Anh Đức tâm sự, công việc của anh không đòi hỏi nhiều sức lực mà chủ yếu là tốn thời gian. May mắn là người bạn đời của anh là giáo viên, hiện là hiệu trưởng một trường tiểu học nên việc giáo dục con cái chị giành hết, anh có nhiều thời gian chuyên tâm cho những cỗ máy.

Tạ Minh Đức nhớ lại hồi Công ty mới bắt đầu công cuộc hiện đại hóa sản xuất. Từ dây chuyền lạc hậu, tiếp nhận công nghệ mới đóng bao tự động, anh đã phải lao tâm khổ tứ mất thời gian đầu. Có những dây chuyền anh phải tháo ra để nghiên cứu nguyên lý hoạt động như thế nào, phán đoán khả năng hỏng hóc để có phương án sửa chữa phù hợp. Được lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện, anh em đồng nghiệp hết lòng hỗ trợ, Tạ Minh Đức đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Anh chia sẻ, từ nhỏ anh đã thích và say mê với các loại máy móc. Bây giờ niềm đam mê của anh cũng là được nghiên cứu các cỗ máy. Đầu tiên là để phục vụ cho công việc, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu suất máy móc. Trong công việc, anh luôn để ý quan sát, nếu thấy điều gì bất hợp lý trong sản xuất là cảm thấy không vui, lại tự mình nghiên cứu để tìm ra giải pháp cải tiến sao cho hiệu suất máy móc đạt cao nhất, sản xuất hiệu quả nhất. Ngoài thời gian làm việc với máy móc, anh cũng dành thời gian để sang các phân xưởng bạn, đặc biệt là Xưởng Supe 1 để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Theo anh, mỗi người có một kinh nghiệm riêng, nên cần liên tục cập nhật thông tin để học cái hay của bạn, trao đổi với bạn cái hay của mình, có như vậy mới có sự đoàn kết để cả công ty cùng phát triển và thu nhập của mình, cũng như người lao động khác được đảm bảo.

Năm nào anh cũng có rất nhiều sáng kiến, trong đó có những sáng kiến đem lại hiệu quả rất cao cho Công ty, được Công ty xét thưởng. Với nhiều người, khi có ý tưởng thì phải nhờ đến các kỹ sư để tính toán xem có thể phát triển ý tưởng ấy thành sáng kiến hay không. Còn với anh, có ý tưởng là có sáng kiến. Nhờ kiến thức được đào tạo cộng với kinh nghiệm công tác, anh có thể tự vẽ thiết kế, đến tự triển khai chế tạo những thiết bị cần thiết để phục vụ cho sáng kiến của mình. Có những sáng kiến làm là được ngay, nhưng cũng có những sáng kiến phải làm đi, làm lại rất nhiều lần mới thành công. Anh kể, năm 2009, trong quá trình theo dõi sản xuất, anh nhận thấy, bàn răng của máy khâu bao rất nhanh bị mòn. Bàn răng này mua ngoài rất đắt và không chủ động được nguồn thiết bị dự trữ thay thế. Thế là hình dung chiếc bàn răng như cái lưỡi cưa, với chiếc máy mài bằng tay, anh Đức đã tỉ mẩn mài dũa rất nhiều lần, cuối cùng tìm ra phương pháp để sửa chữa mài phục hồi chi tiết bàn răng, làm lợi cho Công ty 30 triệu đồng/năm. Bình thường, bàn răng mòn là phải bỏ, nhưng với sáng kiến của anh Đức, tuổi thọ của chiếc bàn răng đã tăng lên đáng kể, mỗi chiếc bàn răng có thể dùng tới 4 lần mới hết vòng đời.

Lần khác, khi quan sát hệ thống cân của dây chuyền đóng bao tự động, anh Đức nhận thấy, vị trí lắp đặt theo chiều dọc của pít tông mở cửa thùng cân là nguyên nhân chính khiến lân bám dính, nên thường xuyên phải có một công nhân vận hành đứng phía trên cân để nạo chống dính, dẫn đến vất vả cho thợ vận hành và hạn chế năng suất rất nhiều. Anh đã có sáng kiến chuyển vị trí lắp đặt pít tông sang nằm ngang, hoạt động rất tốt, góp phần tăng năng suất đóng bao, tăng tuổi thọ của thiết bị khí nén trong dây chuyền đóng bao tự động… và còn rất nhiều ý tưởng khác đã được anh và các đồng nghiệp phát triển thành sáng kiến, đem lại giá trị làm lợi lớn cho Công ty.

Tạ Minh Đức bảo, anh may mắn và rất tự hào vì công tác tại một doanh nghiệp có truyền thống về lao động sáng tạo nên rất được lãnh đạo Công ty hỗ trợ. Đức quan niệm, mình là người công nhân, làm ở một vị trí hạn hẹp, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, phải có sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo thì mới có thể đạt được kết quả đó. Và với anh, trong công việc, niềm vui của anh là chiến thắng việc khó, bất kỳ hỏng hóc nào của những cỗ máy cũng bị anh khuất phục. Được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 vừa qua, chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của anh trong hơn 20 năm là người thợ sửa máy.


Lê Nam