Người mở cảng Dung Quất

Có một câu chuyện đến nay đã trở thành huyền thoại về một nhà khoa học đi mở cảng nước sâu gắn liền với sự hình thành và ra đời Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

 Ông là TS Trương Đình Hiển, chuyên gia vật lý hải dương - là tác giả của các công trình cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp Dung Quất - Chân Mây - Nhơn Hội và là tiền đề của sự ra đời vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, dẫn đến sự hình thành trục kinh tế biển hùng mạnh này. Con đường để miền Trung bước ra đại dương hội nhập với thế giới bên ngoài đã mở nên người ta gọi ông là: Người mở đường ra biển lớn.

Hay nhưng không thật

Những người quan tâm đến cụm từ "Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung" đều biết ông Trương Đình Hiển là cha đẻ của các dự án nghiên cứu xây dựng cảng biển nước sâu và khu công nghiệp phức hợp tại dải đất miền Trung nóng rát của nắng, gió Lào. Và ông là người đầu tiên chứng minh xu thế phát triển kinh tế của miền Trung là xây dựng cảng biển nước sâu với hình thành các khu kinh tế tổng hợp và chuỗi đô thị.

Là chuyên gia về vật lý hải dương và công trình biển, TS Trương Đình Hiển chính là người đã tìm ra các cảng biến lớn ở miền Trung, gắn liền với những khu kinh tế quan trọng như Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây…

 

TS Trương Đình Hiển

Nhiều người biết ông và cộng sự từng đoạt giải thưởng khoa học của Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia 1995 về đề tài Dung Quất. Nhưng ít ai biết nhóm các nhà khoa học này từng phải vay 20 lượng vàng để thực hiện đề tài. TS Trương Đình Hiển nhớ lại: "Chúng tôi vay mượn của người thân, bạn bè, hùn lại được gần 20 lượng vàng. Phần lớn khoản tiền này được dùng để mua 2 dàn máy vi tính, 2 máy in và 1 máy quét (scaner), phần còn lại để mua số liệu và làm công tác phí cho những chuyến khảo sát thực địa. Trong quá trình thực hiện đề án, may mắn là chúng tôi nhận được một hợp đồng tính toán các dẫn liệu đầu vào về các điều kiện tự nhiên cho việc thiết lập đường ống dẫn khí từ mỏ Rồng Bạch Hổ về Nhà máy gas Dinh Cố (Thủ Đức). Sau đó không lâu chúng tôi không những đã trả hết nợ vay để nghiên cứu Dung Quất mà còn có thêm tiềm lực để triển khai ý tưởng của mình ở miền Trung. Kết quả đó đã dẫn đến sự hình thành vùng trọng điểm kinh tế miền Trung từ Chân Mây- Dung Quất - Nhơn Hội. Điều còn nợ đó là nợ đối với tiền nhân nuôi dạy dẫn dắt mình và nợ đối với tấm lòng ủng hộ, che chở của nhân dân trên con đường nghiên cứu".

GS.TS John Le Van - Chủ tịch Qũy Mỹ - Việt Nam khi tham gia Hội thảo về Dung Quất đã phân tích và kết luận: "Ngay từ đầu khi Dự án Dung Quất được triển khai sẽ có nhiều cơ hội lớn về kinh tế - xã hội mở ra cho thị xã Quảng Ngãi, cũng như các tỉnh miền Trung. Việc phát triển Dung Quất thành một trung tâm kinh tế công nghiệp lớn của Việt Nam là nhằm giảm đi sự tụt hậu về mặt kinh tế - xã hội của miền Trung Việt Nam và thu ngắn sự chênh lệch về thu nhập bình quân theo đầu người giữa vùng này với các vùng phồn vinh khác trong cả nước. Thật là lạc quan nếu không nói kỳ vọng rằng ảnh hưởng của nhà máy lọc dầu và khu hóa dầu Dung Quất sẽ thay đổi cảnh quan kinh tế - xã hội của miền Trung Việt Nam".

Có một câu chuyện xúc động về sự thay đổi lựa chọn nghề nghiệp của TS Trương Đình Hiển. Năm 1967, khi nghe TS Hiển chọn lựa cho mình đề tài Giải bài toán phi tuyến về dòng chảy biển, Giáo sư Stockman đã góp ý với ông rằng: "Nếu đi theo hướng này anh có thể nổi tiếng về mặt lý thuyết. Nhưng Việt Nam đang rất cần những nhà khoa học giỏi giải quyết các vấn đề thực tiễn". Nghe xong, nghiên cứu sinh Trương Đình Hiển đã thay đổi con đường nghiên cứu khoa học của mình. Với đề tài "Cấu trúc cỡ trung bình của dòng chảy trong đại dương", ông đã xác lập cho mình một nền tảng ban đầu cho trên 146 công trình nghiên cứu về động lực học biển sau này.

Những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, ông có một công việc ổn định với mức thu nhập khá cao trong Liên doanh Dầu khí Việt - Xô, nhưng ông đã không làm việc ở đó nữa để về làm việc tại Phân viện Vật lý Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ đây, cùng với những cộng sự đầy nhiệt huyết, TS Trương Đình Hiển đã tiến hành những chuyến khảo sát dọc ven biển miền Trung để tìm ra những vùng kinh tế biển mới.

Một ngày năm 1992, đến vịnh Dung Quất, ông thấy thiên nhiên phong cảnh nơi đây đẹp quá. Lúc đó, ông đã reo lên: "Ô, trời ơi! Ta thấy nó tỏa hào quang". Xúc động trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cộng thêm giao cảm về một vùng đất tốt cho phát triển cảng biển, ông Hiển đã làm một bài thơ ngắn: "Dung Quất lung linh ánh hào quang/Vạn tường hiển hách buổi huy hoàng/Rộn ràng bước tới phồn-hưng-thịnh/Nhà máy công trường phố dọc ngang". Ông tâm sự: "Tôi là dân Hội An, mảnh đất nghèo, mà lại là mặt tiền, mặt tiền mà không mở ra buôn bán mà chỉ có… nuôi heo thì làm sao mà giàu được, thành ra phải mở hướng buôn bán, mà muốn buôn bán phải có cảng biển, có khu kinh tế, khu công nghiệp, đó là khởi điểm suy nghĩ của tôi".

 

TS Trương Đình Hiển giới thiệu những bức ảnh về quá trình đi tìm cảng biển Dung Quất tại triển lãm 5 năm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tổ chức tháng 2/2014 tại Quảng Ngãi

Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu trên mặt nước, dưới biển sâu bằng các phương pháp địa chấn, hải dương học, ông cũng hoàn thành bộ hồ sơ về cảng biển Dung Quất. Một lần ông đem bản thảo nghiên cứu đến gặp Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông nói: "Tôi về Sài Gòn 2 tuần sau tôi xin gửi cho anh một báo cáo tóm tắt về một dự án cảng biển nước sâu và khu công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á". Nghe ông "nông dân" Trương Đình Hiển trình bày xong, người đứng đầu tỉnh vẫn tỏ vẻ e ngại và có nói ngắn gọn là: "Mong anh sớm gửi cho tôi". Đúng 2 tuần sau, y hẹn ông Hiển gửi bản thảo đến ủy ban về dự án này. Tưởng chừng đề án sẽ được duyệt nhanh, ông Hiển lại nhận được mấy dòng phản hồi từ lãnh đạo như sau: "Tôi cảm ơn đã nhận được tài liệu của anh. Anh đã giữ đúng lời hứa và tôi đã đưa dự án cho những người hiểu biết của Quảng Ngãi đọc, ai cũng bảo, anh viết rất hay nhưng không có thật!...".

Đó là phản hồi đầu tiên ông nhận được từ người có trách nhiệm. Hồi ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: "Mỹ, Pháp ở đây 100 năm không nói Dung Quất làm được cảng; Mỹ ở Chu Lai cách Dung Quất 7km cũng không nói làm được cảng, Nhật đến đây cũng không nói, như vậy chừng đó là đủ biết nó là như thế nào. Thứ hai, Bộ Giao thông Vận tải vào giúp tỉnh Quảng Ngãi là tìm một cái cảng, thì Bộ đã tìm cho tỉnh Quảng Ngãi một cảng gọi là Sa Kỳ, sau đó người dân Quảng Ngãi gọi đó là cảng "sa lầy". Thứ 3, đoàn của dầu khí đi tìm nhà máy lọc dầu, trong đoàn này có cả chuyên gia nước ngoài, họ đi qua và đưa cho tỉnh Quảng Ngãi một công văn trả lời chỉ có một câu gửi: "Quảng Ngãi không có cảng biển nước sâu, không có địa điểm làm nhà máy lọc dầu", lúc đó là vào năm 1992. Sau đó tỉnh Quảng Ngãi đã mời 5 giáo sư, tiến sĩ làm việc 1 tháng. Thường vụ Tỉnh ủy cũng như UBND tỉnh giúp đỡ để họ hoàn thành công việc và họ để lại một báo cáo hàng trăm trang. Báo cáo nêu rõ, Quảng Ngãi trời không phú cho làm cảng nước sâu nên không thể thi đua với các tỉnh khác được, mà phải quay trở về cuốc sắn, trồng khoai và tiếp tục xin viện trợ từ Nhà nước".

Từ nghiên cứu đến thực hiện

Không buồn vì điều đó, TS Trương Đình Hiển tiếp tục hoàn thiện báo cáo của mình. Qua hàng trăm ngày lăn lộn trên thực địa, qua hàng chục hội thảo, hàng nghìn trang giấy báo cáo, cuối cùng đề án của TS Trương Đình Hiển đã gửi đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Vào một ngày đẹp trời (ngày 19/9/1994), Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghe TS Trương Đình Hiển báo cáo về cảng biển nước sâu Dung Quất tại hội trường UBND xã Bình Thanh (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Sau khi nghe ông báo cáo, Thủ tướng đi thị sát khu vực dự án cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất.

 

TS Trương Đình Hiển (trái) và cộng sự khảo sát trên vịnh Dung Quất năm 1992

2 tháng sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 658/TTg về địa điểm nhà máy lọc dầu và quy hoạch khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Với phạm vi từ cảng Liên Chiểu (Quảng Nam - Đà Nẵng) đến Dung Quất (Quảng Ngãi). Ngay tức khắc, Chính phủ gửi báo cáo lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng về địa điểm xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, trong đó có đoạn ghi: "Đây là điểm có điều kiện tự nhiên rất tốt, có cảng tự nhiên nước sâu rất thuận lợi cho tàu xuất - nhập dầu có trọng tải lớn, có vị trí tốt cho xây dựng nhà máy lọc dầu và các nhà máy lọc dầu khác đòi hỏi có cảng lớn, mặt bằng lớn, ít ảnh hưởng tới vùng nông nghiệp, cạnh sân bay Chu Lai, gần đường sắt và Quốc lộ 1. Với những ưu điểm trên, Chính phủ đã chọn địa điểm Dung Quất làm khu phát triển công nghiệp, trong đó có đặt nhà máy lọc dầu - hóa dầu và giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam cùng các đối tác nước ngoài lập báo cáo khả thi chi tiết Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất. Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các ngành hữu quan lập đề án quy hoạch khu kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm các khu Liên Chiểu, Non Nước, Hội An, Chu Lai, Núi Thành và Dung Quất".

Phải nói thêm, thời Liên Xô cũ, chúng ta đã có ý định cùng với họ chọn thành Tuy Hạ (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu. Nhưng rồi phát hiện ra là nhà máy lọc dầu cần đặt ở ven biển, nên đã đề nghị lấy Long Sơn (Vũng Tàu). Hãng Total của Pháp bám vào Long Sơn và đã làm những đề án khá công phu. Thế nhưng ở đó không có cảng biển nước sâu, Long Sơn bị gạt bỏ. Lại có ý kiến cho rằng, nên chọn vũng Vân Phong (Khánh Hòa). Đây là vùng có thể xây dựng cảng biển nước sâu, đồng thời nó cũng là vùng lý tưởng cho du lịch sinh thái. Nếu xây dựng khu công nghiệp lọc hóa dầu ở đây thì đất nước mất đi một vùng du lịch hấp dẫn. Lúc đó, đã có nhiều địa điểm khác được đưa ra xem xét: Dung Quất, Hòn La, Nghi Sơn, Vũng Rô. Hòn La được dự kiến cho tương lai phục vụ khai thác mỏ sắt. Vũng Rô cũng rất tốt nhưng xung quanh toàn là đá, không có mặt bằng đủ rộng để xây dựng nhà máy lọc dầu.

Dung Quất được lựa chọn và đưa ra bàn bạc. Vịnh Dung Quất có độ sâu tự nhiên 10-20m không kể thủy triều. Nếu có thể xây dựng 1,5km đê chắn sóng ở núi Co Co thì tổng chiều dài các bến cảng có thể đến 19,8km, công suất cảng có thể đạt 100 triệu tấn/năm. Mặt bằng kho bãi và khu công nghiệp trên 100km2, nền đất tốt, thuận lợi cho xây dựng.

Thực tình mà nói, việc nghiên cứu ra cảng Dung Quất và các khu công nghiệp phức hợp không phải là một ý tưởng, mà là một việc làm, một công trình nghiên cứu cụ thể từ năm 1992. Ngày đó, không được nhiều người ủng hộ, nhưng với tầm nhìn của TS Trương Đình Hiển, ông đã cùng đồng nghiệp quyết định làm dự án này. Cùng với việc tìm ra cảng biển nước sâu Dung Quất, TS Trương Đình Hiển tìm thêm ra 2 cảng biển nước sâu khác là Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Nhơn Hội (Bình Đình), tạo cho miền Trung một vùng kinh tế trọng điểm gắn liền với kinh tế biển, dịch vụ cảng. TS Trương Đình Hiển cho rằng hàng hóa qua các cảng biển miền Trung là hàng hóa quốc tế, hàng trung chuyển, không phải hàng tại chỗ. Từ các cảng nước sâu này có thể kết nối các cảng nước sâu mạnh trên thế giới như Nhật Bản, Hongkong, Singapore… Đồng thời, những cảng nước sâu miền Trung còn có nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa cho các nước xung quanh Việt Nam như Lào, Myanmar, Đông Bắc Thái Lan.

Và ngày nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang vươn mình mạnh mẽ cùng sự phát triển của cảng nước sâu Dung Quất đã làm bừng sáng lên một vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Những năm tháng miệt mài của TS Trương Đình Hiển đã có quả ngọt nhưng ông vẫn khiêm tốn rằng, việc phát hiện ra Dung Quất là việc làm của một tập thể khoa học. Và để nơi đây trở thành trung tâm lọc hóa dầu lớn ở khu vực Đông Nam Á, cần tập hợp trí tuệ của nhiều tập thể nhà khoa học hơn nữa để những công trình nghiên cứu, phát triển vùng đất mới thực sự đi vào thực tiễn.

Vài nét về TS Trương Đình Hiển:

Sinh ngày 24/8/1941 tại Hội An, Quảng Nam.

 Trương Đình Hiển là một học sinh giỏi từ bé. Lớn lên, Hiển đi học Đại học Tổng hợp Hà Nội và trở thành sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý vào tốp xuất sắc của trường. Suốt 38 năm (1963-2001), ông tự mình và các cộng sự đã hoàn thành hơn 140 công trình nghiên cứu với khối lượng hơn 22.000 trang thuộc các lĩnh vực: Mô hình Hóa - Toán học, động lực biển, thủy văn biển và công trình biển cũng như các công trình ven bờ - hệ thống cảng biển nước sâu tại các vùng trọng điểm kinh tế của đất nước, đặc biệt ở miền Trung, miền Nam Việt Nam. Chắc hẳn, nhiều người còn chưa biết TS Trương Đình Hiển là nhà khoa học Việt Nam duy nhất có công trình được đưa vào quyển "Những thành tựu 50 năm Hải dương học Xôviết".

 Thuở nhỏ đi học tại Trường tiểu học Định Trung và Trường trung học Lương Văn Chánh tại Tuy An, Phú Yên. Năm 1954, theo gia đình tập kết ra Bắc và học tại các trường học sinh miền Nam.

 Năm 1963, tốt nghiệp ngành Vật lý Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1964-1965, ông tham gia đoàn công tác xử lý tài liệu điều tra hải dương học vịnh Bắc Bộ Việt - Trung tại Viện Hải dương học Thanh Đảo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

 Năm 1966, công tác tại Viện Nghiên cứu biển thuộc Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước tại Hải Phòng. Năm 1967-1970, nghiên cứu và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

 Về nước, ông công tác tại Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng, Viện Nghiên cứu biển Nha Trang thuộc Viện Khoa học Việt Nam; Phân viện Dầu khí phía nam thuộc Viện Dầu khí Việt Nam.

 Năm 1985, ông công tác tại Viện Nghiên cứu Thiết kế công trình dầu khí biển tại Bacu, Liên Xô. Các năm tiếp theo, TS Trương Đình Hiển công tác tại một số viện nghiên cứu của Liên Xô và Việt Nam. Ông về hưu năm 2006.