Nguyễn Hồng Thịnh - "Một người lao động dầu khí tiêu biểu"

Những ngày này, khi công việc còn bộn bề cho kế hoạch năm, anh Nguyễn Hồng Thịnh (37 tuổi), nhân viên bảo dưỡng cơ khí, thiết bị tĩnh, phòng Bảo dưỡng - sửa chữa, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vẫ

Không nhớ hết sáng kiến

Trong 7 năm làm việc tại Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, anh không nhớ hết mình có bao nhiêu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Bởi anh luôn quan niệm, cải tiến kỹ thuật cũng như công việc hằng ngày, thường xuyên diễn ra. Hai năm trước, anh Thịnh có sáng kiến cải tiến thiết bị rút bó ống trao đổi nhiệt có tải trọng 20 tấn lên tải trọng 30 tấn - là sáng kiến nhiều kỷ niệm nhất với anh.

Nếu đi thuê một thiết bị rút bó ống trao đổi nhiệt phải mất hàng chục nghìn USD và phải chờ đợi cả tháng vì phải vận chuyển từ nước ngoài về. Ở NMLD Dung Quất có chừng vài thiết bị như vậy nhưng công suất nhỏ hơn so với bộ trao đổi nhiệt E1503 A, B, C. Anh mạnh dạn đề xuất ý tưởng nâng tải trọng của thiết bị rút lên thêm 50%. Việc này vừa giúp cho thiết bị hoạt động trơn tru hơn, vừa tận dụng nguồn vật tư "nhàn rỗi" của nhà máy. Với cải tiến này, anh đã tháo lắp thành công thiết bị, tiết kiệm cho nhà máy nhiều tỉ đồng.

Anh Nguyễn Hồng Thịnh

Hay với sự cố kẹt van của tháp chưng cất cặn dầu thô, lãnh đạo BSR trực tiếp yêu cầu khắc phục ngay, các chuyên gia cùng nhân viên bảo dưỡng đưa ra nhiều phương án xử lý nhưng gần cả tuần trôi qua vẫn không thành. Anh Thịnh xung phong nhận nhiệm vụ, sau khi xem xét, anh đã đưa ra phương án kích van bằng con đội tải trọng 30 tấn. Anh đề xuất kích đường ống và dùng lực phản lực để giúp van mở dễ dàng hơn. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã mở thành công cái van này.

Đầu năm 2014, khi cánh tản nhiệt của máy biến áp sản xuất clo từ nước biển gặp sự cố gây rò rỉ dầu, cả nhà máy lo lắng. Sự cố này đã tồn đọng khá lâu, nhà thầu O&M cũng bó tay. Với sáng kiến bất ngờ, dùng những thanh nam châm vĩnh cửu để hút sắt vụn, anh đã cắt bỏ cánh tản nhiệt hỏng một cách ngon lành mà không để bọt sắt trong quá trình cắt rơi vào máy biến áp (có thể gây cháy nổ). Sáng kiến của anh đã giúp máy biến áp giữ được hoạt động trong thời gian chờ thay cánh tản nhiệt mới trong kỳ bảo dưỡng tổng thể lần hai.

Ông Mai Tuấn Đạt, Trưởng phòng Bảo dưỡng - Sửa chữa BSR nhận xét: Anh Nguyễn Hồng Thịnh là công nhân cần mẫn, làm được nhiều việc mà người khác cũng phải bất ngờ. NMLD Dung Quất là tổ hợp hàng nghìn thiết bị máy móc, kỹ thuật phức tạp. Do đó, đòi hỏi người công nhân, kỹ sư không chỉ giỏi chuyên môn, làm việc đúng quy trình mà còn phải sáng tạo.

Chỉ sợ lòng không bền

Công tác bảo dưỡng tổng thể lần 2 được tiến hành giữa năm 2014 chia theo 5 gói thầu chính. Gói thầu số 1 bảo dưỡng cụm phân xưởng RFCC và cụm phân xưởng CDU do liên danh nhà thầu Hiap Seng (Singapore) và PMS (Việt Nam) thực hiện. Gói thầu số 2 bảo dưỡng cụm phân xưởng CCR, SRU, LCO, ETP do nhà thầu Ubec (Hàn Quốc) thực hiện. Gói thầu số 3 bảo dưỡng nhà máy Polypropylene, hệ thống nước biển, các phân xưởng phụ trợ, bể chứa do nhà thầu Daechang (Hàn Quốc) đảm nhiệm. Trong đợt bảo dưỡng lần này, có một công nhân Việt Nam được giao nhiệm vụ giám sát nhà thầu Hiap Seng chuyên mảng Heachanger, E fancooler (trao đổi nhiệt) tại gói thầu số 1. Đó là Nguyễn Hồng Thịnh. Và anh có một kỷ niệm đáng nhớ nhất lại đến từ gói 2.

Khi nhà thầu Ubec thực hiện những công việc cuối cùng tại gói 2, tất cả các phân xưởng, các thiết bị tại đây đã được lắp đặt hoàn thiện. Chỉ duy nhất còn nạp catalic (chất xúc tác) tại phân xưởng 13 (CCR), công việc này cũng rất phức tạp vì liên quan đến thiết bị nâng hạ và độ cao (khoảng 80m). Nhà thầu đã thực hiện công việc này được 1 ngày, một đêm thì thiết bị nâng hạ bị hỏng, công việc phải tạm dừng lại để sửa chữa. Trước sức ép của tiến độ nên nhà thầu và nhân viên bảo dưỡng cùng chung tay sửa chữa. Hơn một ngày trôi qua mà vẫn chưa chạy được thiết bị này. Giám sát gói 2 liên lạc gấp với Thịnh. Ngay lúc đó, Thịnh có mặt tại hiện trường. Sau một hồi quan sát, kiểm tra lại thì thiết bị này hoạt động bình thường. Anh em kỹ sư tấm tắc khen: "Ông này mát tay thật!".

Cũng đợt bảo dưỡng này, thầu Hiap Seng mang đến NMLD Dung Quất rất nhiều thiết bị rút bó ống trao đổi nhiệt. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc thì có một thiết bị bị hỏng không hoạt động được, mà đây là thiết bị chuyên dùng nên không có đồ thay thế tại Việt Nam, thế là tiến độ bị ảnh hưởng. Thịnh đến hỏi nhân viên nhà thầu: "Các ông không sửa được à? Để đấy tôi giúp cho". Công nhân nhà thầu nói luôn: "Yes, yes. Work now, please! (Vâng, vâng. Xin hãy làm ngay!)". Thịnh đã sửa và điều chỉnh ở chế độ bằng tay, bỏ qua chế độ tự động, thiết bị lại tiếp tục hoạt động bình thường.

Khi chúng tôi hỏi về quá trình rèn luyện tay nghề của anh thế nào đã giúp có thể làm việc trong môi trường cạnh tranh cao, Thịnh chỉ nói: "Thực ra tôi luôn quan niệm câu nói của Bác Hồ: "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Bản thân tôi luôn tự cho mình là chưa làm được gì cả vì quan niệm của tôi: Chưa huy sinh tất cả thì chẳng hy sinh gì cả. Bởi vậy, bản thân luôn cố gắng tìm tòi học hỏi dù cái công việc đó là nhỏ nhất, là bình thường nhất". Môi trường làm việc tại BSR là một nơi mang tính chuyên nghiệp rất cao, khối lượng công việc rất lớn nên đòi hỏi mọi người phải phấn đấu nỗ lực hết mình nhằm giữ cho nhà máy hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả. Thịnh cũng như anh em công nhân, kỹ sư ở đây luôn xem NMLD Dung Quất như chính ngôi nhà thứ 2 của mình. Nên lúc nào nhà máy phải dừng hoạt động vì bất cứ lý do gì cũng khiến anh em công nhân cảm thấy mình như đang ốm, đau.

Nhiều năm làm sửa chữa, bảo dưỡng, anh Thịnh cho rằng về mặt bằng chung, kỹ sư các nhà thầu Hàn Quốc, Singapore... chỉ giỏi hơn kỹ sư Việt Nam về tiếng Anh, vì là ngôn ngữ kỹ thuật thường dùng của họ. Một số nước thì dạy ngoại ngữ từ vỡ lòng, một số nước lấy tiếng Anh làm tiếng mẹ đẻ. Còn về chuyên môn và kỹ năng tay nghề thì ta có thể hơn họ nhiều thứ. Nói chung, họ chỉ đi trước ta, nhưng chưa chắc họ hơn ta, nếu cùng xuất phát điểm như nhau thì ta phải hơn họ. Thực tế, trong đợt bảo dưỡng lần hai, nhiều phần việc của nhà thầu nước ngoài phải thuê người Việt Nam trợ giúp. Các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như BSR, PMS, PTSC Quảng Ngãi là những địa chỉ tin cậy cung cấp nhân lực để làm việc cùng các nhà thầu Hàn Quốc, Singapore.

"Những điều tôi nói không mang tính chủ quan, nhưng trong mỗi con người Việt Nam cần phải nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, bỏ đi tính hẹp hòi, ích kỷ và những lợi ích cá nhân thì lĩnh vực khó như sửa chữa nhà máy lọc dầu, chúng ta có thể cạnh tranh được" - anh Thịnh nói thêm.

Năm 2013, BSR đã xét công nhận sáng kiến cấp Công ty cho 60 giải pháp, ước tính làm lợi tới hơn 15 triệu USD. Trong đó, có 17 đề tài nghiên cứu khoa học tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi và có 10 đề tài được giải. Ngoài ra, BSR đã có 3 đề tài tham gia trong Hội thi Sáng tạo ngành Dầu khí Việt Nam lần thứ I và đã đạt được thành tích: 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.