3 lý do chọn nghề giáoQuen biết anh đã lâu và tôi cũng nhiều lần trao đổi công việc với anh, nhưng có một chi tiết riêng trong cuộc đời anh khiến tôi hết sức tò mò mà chưa dám hỏi. Mãi sau này, trong một cuộc vui chung của nhà trường, tôi mới đánh bạo nêu: Vì sao anh lại chọn nghề nhà giáo? 
Tôi hỏi thế vì anh bắt đầu với nghề giáo năm 1985, thời điểm mà các chuyên gia nói một cách hỉnh ảnh là “đêm trước của Đổi mới” với hàm ý đời sống kinh tế hết sức khó khăn. Hơn nữa, anh và 10 người khác đã được Tổng cục Dầu khí điều động vào Vũng Tàu nhằm bổ sung nhân lực cho ngành dầu khí non trẻ của đất nước. Cùng với đó, những nghiên cứu và khảo sát tìm kiếm vào tháng 5/1984 đã cho thấy có thể có khả năng khai thác dầu thương mại trên các cấu tạo mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng. Nói tóm lại, cả một tương lai phơi phới đang chờ anh tại mảnh đất có đời sống kinh tế hết sức năng động; vậy mà anh lại chọn nghề giáo đúng ở thời điểm chế độ bao cấp đã bộc lộ những khiếm khuyết đầy đủ nhất và dân gian lúc đó thường truyền tụng câu: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo là 3 nhà nghèo”.
Anh bật cười với câu hỏi khá đường đột của tôi, nhưng liền trầm ngâm ngay. Anh kể, năm 1981, anh học Trường Công nhân Kỹ thuật 1 (tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ngày nay) hệ 4 năm. Đây là khóa học thứ 6 thí điểm đào tạo thợ bậc cao và giáo viên dạy nghề cho 4 nghề của trường, mỗi nghề chỉ chọn một lớp từ 8-10 sinh viên giỏi từ hệ đào tạo 3 năm. Kết thúc khóa học nhà trường chọn 6 người đi học phương pháp sư phạm và ở lại trường làm giáo viên dạy nghề. Tại thời điểm đó lớp anh toàn bộ 10 người được Tổng cục Dầu khí điều vào Vũng Tàu, nhưng nhà trường đã đề nghị anh ở lại làm giáo viên.
 Anh bảo, đang thời trai trẻ, nói đến Vũng Tàu anh cũng muốn đi lắm, vì nó như “miền đất hứa” của tất cả những ai chưa có dịp vào Nam. Tuy nhiên, có 3 lý do khiến anh chấp thuận ở lại trường: Thứ nhất, trong quá trình học, anh được kết nạp Đảng, đã là đảng viên là phải chấp hành sự phân công của tổ chức nhà trường. Thứ hai, bố mẹ anh muốn anh theo nghề giáo. Thứ ba, điều quan trọng nhất, trường anh là một trong những trường nghề nổi tiếng nhất nước hồi đó. 
Nghe anh nói, tôi như giật thột và tự trách mình sao vô tâm đến thế. Nhiều lần gặp gỡ làm việc, niềm tự hào về ngôi trường trên một trăm tuổi tự bên trong anh vẫn cứ lặng lẽ dâng; trong câu chuyện, dù là làm việc hay chuyện phiếm, câu “trường mình” được anh nhiều lần nhắc đến, nghe sao thật thân thương, gần gũi! Đó là ngôi trường vinh dự được 4 lần đón Bác Hồ về thăm và sau này là nhiều vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; ngôi trường của những cựu học sinh tiêu biểu như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Hồng Thái, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Kha, Phạm Lợi…; ngôi trường luôn dẫn đầu các phong trào thi giáo viên dạy nghề và thi học sinh giỏi nghề toàn quốc.
Nghe anh tâm sự cởi mở, tôi tiếp tục đánh bạo hỏi: Vậy khi nghe tin ngày 26/6/1986, ta khai thác được tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ, anh có cảm thấy hối tiếc không khi mình không được dự phần vào cái dòng chảy phun lên từ đáy biển, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước? 
 Anh không trả lời trực tiếp mà kể cho tôi nghe, khi đang học, anh thường được các thày kể cho nghe những lần Bác về thăm, nhưng ấn tượng nhất đối với anh là lần Bác về thăm trường ngày 26/1/1957, với lời căn dặn: “Các cháu cần ra sức học tập để sau này phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Vì trong việc xây dựng kinh tế hiện nay đang cần nhiều cán bộ kỹ thuật”. Anh cũng kể cho tôi những lần đón các cựu thầy giáo, học sinh các thế hệ, cả từ thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 về thăm trường, khiến anh có cảm giác như nguồn mạch từ mái trường kỹ nghệ năm xưa tiếp nối qua các thế hệ cứ cuồn cuộn chảy trong anh. 
Giờ thì tôi đã hiểu, được là thành viên của ngôi trường trăm tuổi, được góp một phần đào tạo ra “nhiều cán bộ kỹ thuật” như Bác Hồ căn dặn đã quá đủ bù đắp cho quyết định làm nghề giáo của anh! 
Nơi hun đúc niềm đam mê công nghệQuê anh - xã Thanh Yên, nơi con sông Lam ôm trọn 3 bề từ phía Tây qua Nam sang Đông. Vùng đất này thích hợp cho canh tác nông nghiệp. Vậy thì tại sao anh lại “phát” về lĩnh vực khoa học kỹ thuật (KHKT) đến thế? Đất Thanh Chương quê anh là đất học, trong quyển “Nghệ An kí”, Đốc học Bùi Dương Lịch có ghi rằng: "Thanh Chương phong tục địa phương khoáng đạt, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; kẻ sĩ chăm chỉ đèn sách, trau dồi lễ nghĩa", nhưng hiền tài đất Thanh Chương cho đến nay chủ yếu “phát” về lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH). Người ta nhắc nhiều đến GS. Đặng Thai Mai, GS. Nguyễn Tài Cẩn - 2 cây đại thụ trong giới nghiên cứu văn học và ngôn ngữ nước nhà; GS.VS. Nguyễn Duy Quý, GS. Nguyễn Xuân Thắng - 2 vị Chủ tịch nối tiếp nhau của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; các nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, nghệ sỹ Đinh Thìn… 
Trong “rừng cây” KHXH&NV ấy, anh dường như “lẻ loi” với những đam mê công nghệ. Anh tham gia và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp trường, cùng hàng trăm sáng tiến, cải tiến, hợp lý hóa kỹ thuật; sáng chế, tiêu biểu như đề tài “Chế tạo thiết bị đo lực cắt trên máy mài mòn” của anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo. Anh còn trực tiếp chỉ đạo và tổ chức sản xuất một số công trình tại Nhà máy Luyện đồng Lào Cai, Nhà máy Xi măng Cẩm Phả, Nhà máy Nước Sông Đà… Anh bảo: Mình bén duyên với KHKT, với công nghệ một phần do “trời sinh tính”; nhưng phần khác, chủ yếu hơn, do đã gắn bó với trường, nơi có những đồng nghiệp cùng chia sẻ với đam mê này trên hai khía cạnh công nghệ và sư phạm. 
Ngay từ hồi còn bao cấp, nhà trường làm việc bằng kế hoạch tập trung, các chỉ tiêu tuyển sinh, ngân sách và vật tư đều theo kế hoạch từ trên giao xuống, giáo viên cũng được cấp gạo, đường, sữa, quần áo… theo tem phiếu, nhưng trường anh cũng vẫn là trường tiếp nối được mạch nguồn  truyền thống ứng dụng, cũng như năng lực thực hành, nhất là những ngành: Cơ khí, Điện.
Từ nửa cuối những năm 1990 đến nay, khoa học công nghệ biến đổi rất nhanh, việc ứng dụng chuyển giao công nghệ trong doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ. Nhà trường nắm bắt được xu thế này đã kịp thời đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy và học, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu xã hội. Anh bảo, muốn cho sinh viên của mình được tuyển dụng thì đầu ra phải đáp ứng các tiêu chí của doanh nghiệp về ý thức tổ chức kỷ luật, kiến thức, kỹ năng nghề và sức khỏe. Đồng thời từ năm 2000 đến nay, nhà trường đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA hỗ trợ 3 dự án đầu tư vào các ngành cơ khí, điện, điện tử. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng có mối quan hệ tốt đẹp và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tập đoàn nổi tiếng, như: Foxcom Hồng Hải, Toyota, Mitsubishi… Vì thế, đối với anh, ngôi trường trăm tuổi chính là cái nôi nuôi dưỡng, hun đúc niềm đam mê công nghệ trong anh, con người vốn xuất thân từ vùng đất nông nghiệp. 
Đi thăng bằng trên dâyTháng 1 năm 2011, khi dự buổi lễ Trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho anh, thấy anh dường như ưu tư hơn, tôi gặng hỏi thì anh bảo, vui thì có vui, nhưng đáp ứng được kỳ vọng của trên 1.700 cán bộ, giảng viên và 50.000 học viên, sinh viên quả thực không đơn giản. Nói rồi anh phân tích, năm 1997 khi Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội và Trường Công nhân Kỹ thuật 1 hợp nhất thành trường Trung học Công nghiệp Hà Nội đã tạo ra nền tảng phát triển tốt. Năm 2000, nhà trường được nâng lên trường cao đẳng, đã tạo ra một xung lực mới cả về bề rộng và chất lượng. Trước đây, mỗi trường chỉ có quy mô 1.000 đến 1.500 học sinh thì từ sau năm 2000, quy mô đã lên tới 10.000 học sinh, sinh viên. Năm 2005 trường được nâng lên trường đại học thì nhiệm vụ chiến lược của trường bước sang một trang sử mới và một thời cơ phát triển mới: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các hệ từ đại học, cao đẳng đến đào tạo nghề. Đến năm 2011, khi nhà giáo Trần Đức Quý nhận chức Hiệu trưởng, thì thách thức lớn nhất đặt ra với nhà trường là quy mô đã đạt đỉnh với khoảng 50.000 học viên, sinh viên, trong khi yêu cầu về chất lượng đào tạo đòi hỏi rất cao. 
Anh cho biết, nếu quy mô càng lớn, đội ngũ giáo viên càng phải nhiều, cơ sở vật chất phải tăng, thì đầu tư sẽ dàn trải, khó tăng chất lượng đào tạo được. Nhưng thu hẹp quy mô quá mức, nguồn thu tài chính giảm sẽ ảnh hưởng đến đầu tư phát triển nhà trường. Nên vấn đề nan giải nhất với người đứng đầu nhà trường, giống như nghệ sỹ xiếc đi thăng bằng trên dây là đưa ra bài toán hài hòa về quy mô và chất lượng. Chiến lược phát triển tổng quát của nhà trường được Đảng bộ, Ban Giám hiệu vạch ra là: đào tạo đa cấp, đa ngành theo hướng kỹ thuật công nghệ và ứng dụng; giảm dần và ổn định phát triển theo chiều rộng nhằm tập trung phát triển theo chiều sâu, chất lượng cao. 
Tháng 11 năm trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự Lễ kỷ niệm 115 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhà trường hướng tới mục tiêu trở thành một trường đại học ứng dụng tiên tiến, đào tạo đa cấp, đa ngành, chất lượng cao theo hướng mở, hướng tới người học. Nhân dịp tết Giáp Ngọ 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đến thăm trường cũng căn dặn, trong tương lai gần, nhà trường phải phấn đấu trở thành 1 trong những trường đại học về kỹ thuật hàng đầu cả nước. 
Khi nhắc lại 2 sự kiện này, anh cho biết: Cán bộ, giáo viên nhà trường hết sức tự hào khi Thủ tướng và Bộ trưởng đánh giá cao chiến lược, hướng đi, cũng như bề dày truyền thống của một trường thiên về kỹ thuật và ứng dụng. Tuy nhiên, để trở thành một trường đại học hàng đầu về kỹ thuật và ứng dụng như chỉ đạo và gửi gắm của Thủ tướng và Bộ trưởng thì nhà trường còn rất nhiều việc phải làm, nhiều thách thức phải vượt qua mà không thể chỉ trông chờ vào những tích lũy kinh nghiệm trước nay được. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay với nhà trường là đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn của khu vực. Hiện nay, nhà trường đầu tư nhiều nhất để nâng tỷ lệ giáo viên có trình độ tiến sỹ và khả năng ngoại ngữ. Thứ hai vẫn là bài toán vận dụng sáng tạo chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo để thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển nhà trường. Thứ ba, tập trung vào những ngành mũi nhọn chuyên sâu, có thế mạnh của trường như chuẩn bị các điều kiện để đào tạo bậc tiến sỹ kỹ thuật chuyên ngành cơ khí. 
Tôi khá ngạc nhiên với hướng đi thứ ba, hiện có rất nhiều ngành đang ‘hot”, sao trường lại chọn cơ khí? Anh giải thích: Quốc gia nào cũng thế, cơ khí vẫn là ngành công nghiệp xương sống, muốn tự động hóa hay hiện đại hóa vẫn phải dựa trên nền tảng cơ khí. Cụ thể ở nước ta, phát triển được ngành công nghiệp xi măng, thủy điện hay đóng tàu… hay không, một phần rất lớn tùy thuộc vào sự lớn mạnh của cơ khí. Thứ nữa, cơ khí lại là thế mạnh của trường, sinh ra ngay từ năm thành lập trường 1898, trong quá trình phát triển mái trường kỹ nghệ năm xưa vẫn là cái nôi đào tạo cơ khí và liên tục được cập nhật, phát triển liền mạch cho đến ngày nay. 
Nghe anh say sưa nói về “trường mình”, tôi cứ có cảm tưởng, dường như anh - NGƯT, TS. Trần Đức Quý đã hòa nhập rất nhuyễn và sâu sắc vào mạch ngầm tiếp nối dòng chảy truyền thống hơn 100 năm qua của một trường đại học thiên về kỹ thuật và ứng dụng.