Nhà Trắng có thái độ "cứng rắn" hơn đối với Nga ​

Nhà Trắng cho hay Tổng thống Donald Trump có thể sẽ ký một gói trừng phạt, trong đó quy định ông cần được Quốc hội nhất trí tán đồng nếu muốn dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm
Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ xem xét gói các biện pháp trừng phạt sớm nhất là vào ngày 25/7, và dự luật này có thể được chuyển tới Tổng thống Trump trước khi Quốc hội nghỉ vào tháng Tám. Dự luật đưa ra nhằm trừng phạt Moskva do can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ và có những hành động quân sự ở Ukraine (U-crai-na) và Syria (Xy-ri).

Thư ký báo chí mới được bổ nhiệm của Nhà Trắng,Sarah Huckabee Sanders ngày 23/7 cho biết chính quyền Mỹ ủng hộ động thái cứng rắn đối với Nga và đặc biệt là việc thực thi các biện pháp trừng phạt cho đến khi tình hình tại Ukraine hoàn toàn được giải quyết.

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã phản đối một nội dung quan trọng trong dự luật cho phép Quốc hội xem xét lại nếu ông Trump có ý định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Các quan chức cấp cao của chính quyền nói những điều khoản đó vi phạm quyền hành pháp của Tổng thống và cản trở nỗ lực của ông Trump, người thăm dò cách thức thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai cựu thù thời Chiến tranh lạnh. Ông Sanders nói Nhà Trắng sẽ cùng với lượng viện trong Quốc hội đưa ra những thay đổi cần thiết.

Tháng trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt Nga và Iran. Mặc dù nhận được sự ủng hộ rộng rãi, dự luật này bị mắc kẹt do các vấn đề về hiến pháp và những tranh cãi về các chi tiết kỹ thuật.

Các nhà thương lượng của Hạ viện và Thượng viện đã tháo gỡ được những lo ngại của các công ty dầu khí Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga có thể gây tổn hại đến họ. Dự luật đề ra ngưỡng mà các công ty của Mỹ sẽ bị cấm tham gia và các dự án năng lượng có sự hiện diện của cả các công ty của Nga.

Theo điều khoản về sự xem xét của Quốc hội trong dự luật trừng phạt, ôngTrump buộc phải chuyển tới Quốc hội một báo cáo giải thích lý do ông muốn dừng hay gạt bỏ một số các biện pháp trừng phạt cụ thể và Quốc hội sau đó sẽ có 30 ngày xem xét để quyết định cho phép thực hiện bước đi đó hay sẽ phản đối.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc Mỹ tiếp tục có những động thái nhằm đe dọa trừng phạt Nga sẽ làm tổn hại những lợi ích của cả hai bên.Phát biểu với báo giới ngày 24/7, ông Peskov cho rằng đó là hành động phản tác dụng và có thể gây tổn hại đến lợi ích không chỉ của Mỹ mà còn của Nga.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện Nga) Valentina Matviyenko nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt mới chống Nga do Mỹ đề xuất dường như là một nỗ lực nhằm đẩy Moskva ra khỏi thị trường năng lượng châu Âu.
Phía Nga đưa ra những tuyên bố trên sau khi các nghị sĩ ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông báo về một dự luật bao gồm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Nội dung của dự luật bao gồm các quy định có thể ngăn cản Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định gỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga, cũng như trao cho Quốc hội quyền phủ quyết mọi đề xuất của Tổng thống dẫn đến "sự điều chỉnh đáng kể" trong chính sách đối ngoại của Washington đối với Moskva.

Theo AP/TTXVN