Nhìn lại 20 năm phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá tại Cao Bằng

Ngày 11/4/2014, tại tỉnh Cao Bằng, Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm triển khai các nhiệm vụ khoa học - công nghệ và phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá.

Tham dự Lễ kỷ niệm, về phía tỉnh Cao Bằng có ông Đàm Văn Eng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, các thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các địa phương có vùng trồng nguyên liệu thuốc lá. Về phía Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có ông Trần Sơn Châu - Tổng giám đốc, ông Đặng Xuân Phương - Phó Tổng giám đốc và đại diện các phòng, ban Tổng công ty, ông Nguyễn Đình Trường - Viện trưởng, ông Nguyễn Văn Vân - Phó Viện trưởng, các cán bộ hưu trí và đại diện các phòng, ban Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá. 

Tổng giám đốc Trần Sơn Châu phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Đình Trường - Viện trưởng Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá đã thông qua báo cáo tổng kết 20 năm triển khai các nhiệm vụ KHCN và phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá tại Cao Bằng. Theo báo cáo, Cao Bằng là tỉnh có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp để phát triển trồng nguyên liệu thuốc lá, từ những năm 1960, một số giống thuốc lá vàng có nguồn gốc từ Trung Quốc được trồng tại đây, song cây thuốc lá được trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh thấp, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật của người dân còn rất hạn chế, do vậy năng suất thấp, hiệu quả kinh tế đạt được không đáng kể… Từ năm 1994 đến nay, được sự quan tâm giúp đỡ của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương, để đưa cây thuốc lá trở thành cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế, sản lượng  lớn và chất lượng cao, Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá đã triển khai thực hiện trồng cây thuốc lá nguyên liệu tại Cao Bằng. Trong 20 năm qua (1994 - 2014), Viện đã hoàn thành tốt 27 đề tài, dự án cấp Bộ và cấp Nhà nước (kinh phí trên 13 tỷ đồng) và 85 đề tài, dự án cấp Tổng công ty (kinh phí hơn 32 tỷ đồng), tập trung nghiên cứu các vấn đề về giống, kỹ thuật canh tác, hái sấy và phân cấp thuốc lá nguyên liệu cũng như đưa các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất nguyên liệu thuốc lá tại tỉnh Cao Bằng. Theo đó, từ những năm 2001, Viện đã phối hợp với các địa phương tỉnh Cao Bằng triển khai ký hợp đồng và chuyển giao giống thuốc lá mới, cung ứng vật tư phân bón, thu mua sản phẩm. Từ năm 2010 đến nay, vùng sản xuất thuốc lá nguyên liệu Cao Bằng không ngừng phát triển, từ lúc diện tích chỉ đạt từ 30 ha/năm (năm 1993), đến nay, thuốc lá giống mới do Viện chọn tạo và cung cấp đã được trồng toàn bộ vùng nguyên liệu trên diện tích lên tới 3.500 - 4.000 ha/năm, với sản lượng hàng năm từ 7.000 - 8.000 tấn/năm. Ngày nay, việc phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá ở 2 huyện Hòa An, Hà Quảng và 9 địa phương khác tại tỉnh Cao Bằng, đã cho doanh thu từ từ 350 - 400 tỷ đồng/năm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giầu từ cây thuốc lá.

Hình ảnh tại lễ kỷ niệm.

Với những thành tích đóng góp trong nghiên cứu khoa học và phát triển cây thuốc lá tại Cao Bằng, Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá đã vinh dụ được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Hai, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng liên tục từ năm 2008 - 2012.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Sơn Châu - Tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu Viện Kinh tế  kỹ thuật Thuốc lá trong 20 năm qua, đã không ngừng khắc phục khó khăn, nhiệt tình, sáng tạo trong việc chuyển giao tiến bộ KHCN cho bà con nông dân trồng thuốc lá, nhằm tăng năng suất và chất lượng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu. Đồng thời, Tổng giám đốc lưu ý, trong xu thế cạnh tranh thu mua nguyên liệu trên cùng địa bàn, để phát triển bền vững vùng trồng nguyên liệu, Viện cần xây dựng Chiến lược đầu tư để quản lý, chủ động nguồn nguyên liệu, duy trì tốt mối liên kết "4 nhà" (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông) đã được vận dụng linh hoạt, sáng tạo và liên tục trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, Viện tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu các giống thuốc lá mới có năng suất và chất lượng cao, ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phối chế thuốc lá điếu, mang lại hiệu quả cao cho nông dân, dần thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu; đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ kỹ thuật trẻ tại các vùng trồng nguyên liệu, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. 

Hà My