Nhìn nhận đúng cơ hội để phát triển công nghiệp

(Chinhphu.vn) – Muốn có chính sách đúng cần phải nhìn nhận đúng cơ hội và thách thức, qua đó đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vấn đề này khi phát biểu tại Hội thảo “Định hướng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 20/6.

Hội thảo nhằm tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các bộ, ngành để báo cáo lãnh đạo Đảng, Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách phát triển ngành công nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Nhìn nhận những "điểm nghẽn"

Qua 30 năm đổi mới, nền công nghiệp của nước ta đã có bước thay đổi về trình độ theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp hợp lý hơn, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng gấp 24 lần từ năm 1986 đến 2014, với tốc độ tăng bình quân 12%/năm…

Tuy nhiên, theo các đại biểu, cần phải thẳng thắn nhìn nhận là để đạt được mục tiêu nước ta trở thành nước công nghiệp thật sự còn nhiều khó khăn do chúng ta thực hiện CNH-HĐH còn chậm, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp hỗ trợ chưa có định hướng rõ.

Một số lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo máy móc, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp còn thiếu đồng bộ và kém phát triển. Phân bố không gian phát triển công nghiệp trong cả nước và ngay trong nội bộ các vùng kinh tế vẫn còn bất cập; việc đầu tư và kêu gọi đầu tư còn thiếu đồng bộ, thiếu sự gắn kết và chưa có sự phân bố hợp lý trên phạm vi toàn quốc.

Năng suất lao động còn thấp so với các nước có nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới và trong khu vực. Trình độ lao động công nghiệp vẫn ở mức thấp và tỷ lệ phân bố trình độ đào tạo mất cân đối. Tốc độ đổi mới công nghệ còn thấp, không đồng đều và không theo một định hướng phát triển rõ rệt…

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đà kinh tế đang phục hồi hiện là cơ hội tốt để Việt Nam thực hiện đẩy nhanh quá trình CNH. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng quá trình thực hiện CNH của Việt Nam cũng chưa thật sự hiệu quả; tỷ lệ lấp đầy KCN còn thấp; cơ cấu chưa thật hợp lý; tỷ lệ nội địa hàng hóa công nghiệp, giá trị gia tăng thấp…

Vì vậy, để thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 và tiến xa hơn, đại diện WB cho rằng Việt Nam cần có cách tiếp cận mới với việc can thiệp gián tiếp theo chiều ngang và trọng tâm là đổi mới sáng tạo… để phát triển công nghiệp.

Tận dụng cơ hội, học hỏi kinh nghiệm

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng cùng với năng lực tự chủ, tự trang bị đã đạt được và một môi trường thu hút FDI thông thoáng, tin cậy, Việt Nam cũng đang hết sức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã ký 10 Hiệp định Thương mại tự do. Năm 2015 sẽ có thêm 8 Hiệp định Thương mại tự do nữa được ký kết, trong đó có thể có cả Hiệp định TPP.

Từ nay đến năm 2020 sẽ có trên 20 Hiệp định Thương mại tự do được ký. Đến năm 2024, hầu hết các dòng thuế của Việt Nam sẽ về 0%. Vì vậy, để đưa ra được chính sách đúng cần phải nhận dạng đúng cơ hội và thách thức nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp và khôn ngoan trong việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển Công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo Phó Thủ tướng, trong phát triển công nghiệp, yếu tố con người là quan trọng.

Ở khía cạnh này, là nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi được những kinh nghiệm tốt của thế giới. Ví dụ, có thể sử dụng chương trình, công nghệ đào tạo nghề của các trường nổi tiếng cũng như nhanh chóng tiếp cận với phương pháp đào tạo hiện đại để rút ngắn thời gian, Phó Thủ tướng lưu ý.

Về chính sách hỗ trợ, Phó Thủ tướng cho rằng các DN vừa và nhỏ có nhiều sáng tạo, thu hút được nhiều lao động nên cần có thêm chính sách hỗ trợ từ các bên.

Tuy nhiên, phải hiểu rõ vấn đề không phải phát triển công nghiệp là phải có hỗ trợ bằng tiền Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách có hạn. Cho nên, chỉ hỗ trợ mô hình thật sự hiệu quả chứ không thực hiện dàn trải.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, muốn thúc đẩy sáng tạo cần bảo vệ sở hữu trí tuệ hiệu quả, hạn chế tình trạng các nhà sáng chế trong nước bị ăn cắp bản quyền.

Có cùng quan điểm về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, bà Kwakwa cho rằng Nhà nước cần phải là người nuôi dưỡng, phát triển thị trường và tạo thuận lợi cho khu vực này phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, nước ta cần phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp, công nghiệp quốc phòng-an ninh. Phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới...

Ông Vương Đình Huệ cho biết các ý kiến, đề xuất của đại biểu sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo, Ban Kinh tế Trung ương chắt lọc để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ