Những bước tiến mạnh mẽ của ngành Công Thương Thái Nguyên

6 tháng đầu năm 2014, giá trị SXCN (giá so sánh 2010) ước đạt 48.486 tỷ đồng, tăng 3,7 lần cùng kỳ, bằng 101,3% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 2.115 triệu USD, tăng 33 lần cùng kỳ, bằng 211,5

Những con số biết nói đó là minh chứng cho những nỗ lực, cố gắng của toàn thể CBCNV đang công tác, lao động sản xuất trong hoạt động công nghiệp, thương mại của tỉnh Thái Nguyên, thêm khẳng định, ngành Công Thương Thái Nguyên luôn là ngành kinh tế chủ lực, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Những tín hiệu vui

Dưới sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, chỉ đạo điều hành sâu sát của UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực giữa các sở, ban, ngành và nỗ lực của các địa phương, các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên, ngành Công Thương đã đạt được kết quả rất đáng mừng trong nửa đầu năm 2014. Đáng kể nhất là công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh trong 6 tháng qua ước đạt 35.350 tỷ đồng, tăng 35 lần cùng kỳ, bằng 222,6% kế hoạch năm.

Cùng với việc triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng, trong đó có một số dự án đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất, làm tăng năng lực cho nền kinh tế… góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trên địa bàn tăng cao so với cùng kỳ. Các sản phẩm sản xuất tăng chủ yếu là: Điện thoại thông minh và máy tính bảng; kim loại màu khai thác và chế biến sâu; quặng sắt nguyên khai; sắt thép các loại; sản phẩm may;.... Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, gồm: Quặng đa kim; điện thoại di động và máy tính bảng; sản phẩm may; dụng cụ y tế; chè các loại;... Giá trị nhập khẩu 6 tháng ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 17,6 lần cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Máy móc thiết bị, phụ tùng, linh kiện điện tử; vải may mặc; sắt thép; nguyên liệu thức ăn gia súc;...

Tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2014 tương đối ổn định. Lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất và kinh doanh về: Giá cả, chất lượng hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá, việc chấp hành các quy định về VSATTP... nhằm đảm bảo chất lượng hàng hoá cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Công tác quản lý thị trường đã hạn chế nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại góp phần ổn định tình hình thị trường, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại, như: các Hội chợ Xuân; các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi”, mở các lớp tập huấn về kỹ năng phát triển thị trường bán lẻ và ứng dụng thương mại điện tử cho các đơn vị, doanh nghiệp... được các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức triển khai thường xuyên và được người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia.

Tăng năng lực sản xuất

Trong 6 tháng cuối năm 2014, ngành Công Thương Thái Nguyên sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để phát triển những ngành, những sản phẩm có khả năng cạnh tranh của tỉnh (xi măng, mía đường, bia, sữa) để tăng năng lực sản xuất, chú trọng những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu; đồng thời phát triển hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư mới.

Ngành cũng tiếp tục thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu để thực hiện các chương trình, dự án, đề án trong chương trình công tác của ngành năm 2014. Nhằm tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hoạt động khuyến công, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ thông qua hoạt động khuyến công; tiếp tục tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tăng cường công tác giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường; tích cực tham gia vận động, kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp...

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về hoạt động công thương trên địa bàn về công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường góp phần bình ổn thị trường, ngăn chặn kịp thời buôn lậu và gian lận thương mại. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân không để xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá...

Tỉnh Thái Nguyên cũng mong muốn, Bộ Công Thương, các tập đoàn kinh tế trung ương giúp tỉnh đôn đốc đẩy mạnh tiến độ đầu tư một số dự án, công trình lớn tại địa phương như: Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện... đặc biệt là hệ thống cung cấp điện cho tổ hợp công nghệ cao Samsung tại KCN Yên Bình và các dự án công nghiệp hỗ trợ đi kèm tại KCN Điềm Thụy, ưu tiên cho sử dụng nguồn điện Việt Nam cho một số cơ sở sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Tổ hợp công nghệ cao Samsung, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên, dự án khai thác chế biến khoáng sản đa kim Núi Pháo.