Những cánh chuồn mải miết bay xa

Một vài đứa trẻ tay cầm những chú chuồn chuồn, cười nói tíu tít là hình ảnh dễ bắt gặp ở làng Thạch Xá – nơi sinh ra những chú chuồn chuồn bay rợp trời Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, bay khắp vùng trời châ

Về Thạch Xá để tìm chút bình yên, tìm lại những ký ức tuổi thơ

Tạm xa cuộc sống vội vã, áp lực, hãy cùng về Thạch Xá để tìm chút bình yên, những ký ức tuổi thơ với cây tre, bến nước, sân đình đặc biệt là hình ảnh những chú chuồn chuồn dễ thương.

Chuồn chuồn có cánh thì bay

Có thằng cu tý thò tay bắt mày

Trẻ con làng quê Việt Nam lớn lên giữa thiên nhiên tươi mát, giữa hương đồng cỏ nội trong tiếng ru ầu ơi của bà, của mẹ. Ký ức tuổi thơ ấy có tiếng sáo diều vi vu, là những buổi trưa hè không ngủ, lang thang trên khắp cánh đồng, bờ sông, con suối để đuổi theo một cánh chuồn chuồn với một niềm tin đầy mãnh liệt vào câu chuyện “chuồn chuồn cắt rốn biết bơi”.

Trong tâm thức của mỗi đứa trẻ được lớn lên từ suối nguồn bình dị, tinh khiết của làng quê Việt, không ai là không biết đến câu chuyện chuồn chuồn cắn rốn biết bơi rất thú vị ngày bé này. Ẩn sâu trong câu chuyện đó là cả một thế giới tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên.

Chuồn chuồn cũng trở thành người bạn thân thiết với người nông dân Việt Nam trong lao động sản xuất. Chẳng biết tự bao giờ câu ca dao “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa bay cao thì nắng bay vừa thì râm” đã lưu truyền trong dân gian và trở thành kinh nghiệm dự báo thời tiết của những cư dân Việt. Ngày nay khi làng quê đang ngày càng bị thu hẹp thì những cánh chuồn chuồn của tuổi thơ đang ngày càng vắng bóng.

Chuồn chuồn tre – hình ảnh dễ bắt gặp khi về Thạch Xá

Có lẽ, ít ai biết được rằng những chú chuồn chuồn tre lại là sản phẩm thủ công nổi tiếng của những người nông dân làng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Người nông dân nơi đây đã sử dụng chất liệu là những cây tre để sáng tạo nên thứ trò chơi dân gian độc đáo:“chuồn chuồn tre”.

Chuyện của người làm nghề đầu tiên trong làng

Nghề làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá không có tuổi đời lâu như tranh Đông Hồ, lụa Vạn Phúc hay các nghề thủ công truyền thống khác. Tuy nhiên Thạch Xá đã tạo nên một thứ trò chơi dân gian độc đáo gợi nhắc ký ức tuổi thơ của người Việt.

Theo lời kể của người dân, khoảng 20 năm trước, những con chuồn chuồn tre bắt đầu được xuất hiện - nghề làm chuồn chuồn tre tại Thạch Xá bắt đầu được manh nha từ đây. Ban đầu, trong làng có hơn 10 hộ gia đình mở cơ sở chuyên sản xuất chuồn chuồn tre nhưng do gặp khó khăn về việc tìm kiếm thị trường nên đã từ bỏ. Đến nay còn lại vài hộ còn duy trì nghề, họ gắn bó với nghề vừa để mưu sinh vừa để thỏa mãn niềm đam mê.

Những người thợ tài hoa nơi đây đã tạo nên những chú chuồn chuồn độc đáo, nhiều kiểu dáng, màu sắc

Dạo bước quanh làng chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ cầm trên tay những chú chuồn chuồn, trên môi nở nụ cười rạng rỡ. Hoặc sẽ thấy những chú chuồn chuồn tre đầy màu sắc xuất hiện trên những quầy hàng lưu niệm. Đặc biệt là hình ảnh những người nghệ nhân đang mải miết làm nên những chú chuồn chuồn đầy màu sắc.

Theo tìm hiểu, cơ sở sản xuất của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tái và chị Khương Thị Tân là một trong những cơ sở sản xuất chuồn chuồn tre nổi tiếng nhất làng Thạch Xá. Chuồn chuồn do gia đình anh Tái làm có tiếng bền đẹp, mẫu mã phong phú, đa dạng.

Anh Nguyễn Văn Tái chia sẻ: “Tôi là người làm nghề đầu tiên trong làng. Lúc đầu, chuồn tre làm tre chỉ để cho trẻ con chơi. Tuy nhiên, sau đó khi chúng tôi bán ra thị trường, người ta mua hết ngay cứ ra con nào hết con đó. Cũng có một vài nơi khác làm nhưng độ tinh xảo không bằng ở đây cả về màu sắc cho đến độ bền, bóng đẹp. Đặc biệt nhất ở đây làm chuồn chuồn thì độ chính xác cả trăm con như cả một trăm. Đã làm con nào là đậu được con đó.”

Đối với người dân nơi đây, nghề làm chuồn chuồn tre đã trở thành niềm đam mê, thú vui trong cuộc sống. Để tạo nên một chú chuồn chuồn tre, người thợ phải thực hiện 10 công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết. Nếu nhìn bên ngoài, nhiều người sẽ nghĩ khá đơn giản; thế nhưng để chuồn chuồn có thể đứng thăng bằng, đậu được trên các cành cây, ngón tay, mép bàn, … là cả một nghệ thuật.

“Chuồn chuồn tre làng tôi rải khắp cả Bắc, Trung, Nam, làm quà du lịch ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Nha trang, TP. Hồ Chí Minh. Chuồn chuồn tre bán cả ở Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản... Người nước ngoài không biết gì về chuồn chuồn tre khi đến đây được nghe giới thiệu chuồn chuồn có thể đứng được trên mọi vật liệu, mọi chỗ có điểm tựa kể cả sợi chỉ, họ thích lắm", anh Nguyễn Văn Tái hào hứng chia sẻ.

Chuồn chuồn tre Thạch Xá rải khắp cả Bắc, Trung, Nam


Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì, bảo tồn và phát triển nghề nhưng những người thợ thủ công nơi đây vẫn đầy tâm huyết với nghề. Đặc biệt hơn, họ đang góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ một nét văn hóa độc đáo của những trò chơi dân gian.

Lê Duyên